Dubai, Thâm Quyến, Incheon đều đã từng là những làng chài nghèo khó, trước khi trở thành những biểu tượng của xa xỉ và giàu có, phát triển. Bài học thành công của những đặc khu này liệu có đem đến cho Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong những kinh nghiệm quý báu?
Bộ mặt kinh tế Mỹ thay đổi thế nào dưới thời Tổng thống Trump?
- Cập nhật : 09/09/2018
Tính đến hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cầm quyền hơn 19 tháng. Trong khoảng thời gian đó, chính quyền của ông luôn bị bủa vây bởi tranh cãi và bê bối, nhưng kinh tế Mỹ cũng đạt được sự tăng trưởng bùng nổ không thể phủ nhận.
Theo hãng tin CNBC, kể từ khi vị tỷ phú địa ốc chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những bước tiến mà hầu hết các chuyên gia trước đó đều tin là điều không thể. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng hơn 3%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất gần 50 năm. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 27% trong bối cảnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng vọt.
Ngày thứ Sáu tuần này mang đến thêm những thông tin tốt về kinh tế Mỹ. Khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 201.000 việc làm mới trong tháng 8, mức tăng vượt dự báo. Tiền lương của người lao động Mỹ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2009.
Các nhà phê bình ông Trump - trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế ở Phố Wall, hầu hết những người thuộc Đảng Dân chủ, và ngay cả một số người cùng Đảng Cộng hòa của ông Trump - đều không tin rằng sự tăng trưởng kinh tế này sẽ kéo dài lâu. Họ cho rằng kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu "đuối" từ giữa năm 2019 và thậm chí có thể rơi vào suy thoái vào năm 2020.
Mặc dù vậy, giới phê bình vẫn phải thừa nhận rằng những con số thống kê kinh tế "rực rỡ" kia là thành tựu của ông Trump, và không hẳn là kết quả của những chính sách đã có từ trước khi ông trở thành Tổng thống.
"Tôi vẫn tin rằng câu chuyện lớn của năm nay là một cuộc bùng nổ tăng trưởng kinh tế mà hầu hết mọi người đều nghĩ không thể xảy ra", ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC mới đây. "Ông ấy mới lên cầm quyền có một năm rưỡi, nhưng rồi các bạn sẽ thấy những con số này sẽ không sớm biến mất".
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ hiện nay giống như một cỗ máy đang vận hành hết tốc lực, và không khó để nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa các chính sách của ông Trump mới những xu hướng tăng trưởng.
Các thành tựu
Niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ đang tăng mạnh, một phần nhờ môi trường giám sát mềm mỏng hơn. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất 18 năm. Cũng nhờ chương trình cắt giảm thuế vào năm ngoái, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục.
Mỗi thành tựu này đều là kết quả trực tiếp của những chính sách mới hoặc ít nhất là kết quả gián tiếp nhờ kỳ vọng thay đổi chính sách. "Quan điểm của ông Trump là không trừng phạt doanh nghiệp, không trừng phạt thành công, chúng tôi muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp làm ăn và tuyển dụng", ông Kudlow nói.
Quý 2 vừa qua, GDP của Mỹ tăng trưởng 4,2%, mức tăng tốt nhất trong gần 4 năm. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 3,9%, chỉ cần giảm thêm 0,1 điểm phần trăm nữa là đạt mức thấp nhất kể từ năm 1969.
3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi ông Trump lên cầm quyền. Trong thời kỳ tương ứng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có 2,6 triệu người Mỹ mất việc. Tính đến hết quý 2 năm nay, quy mô của nền kinh tế Mỹ tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống. Trong thời kỳ tương ứng của ông Obama, kinh tế Mỹ tăng thêm 481 tỷ USD.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, các công ty Mỹ có tổng cộng 6,7 vị trí cần tuyển người, nhưng chỉ có 6,6 triệu người Mỹ được phân loại là thất nghiệp - một sự chênh lệch chưa từng có tiền lệ.
"Mở rộng hoạt động tiếp tục là một ưu tiên của các doanh nghiệp nhỏ. Họ dự báo doanh thu tiếp tục tăng và các điều kiện kinh tế tiếp tục tốt lên", Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia Doanh nghiệp độc lập Mỹ (NFIB), ông Juanita Duggan, cho biết.
Chính sách của ông Trump
Chương trình kinh tế của ông Trump rất đơn giản: cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát, cộng thêm tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự, tạo ra một cú sốc nguồn cung đối với nền kinh tế vốn dĩ ảm đạm trước đó.
Về thuế, Nhà Trắng đã thông qua một kế hoạch cải tổ thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35%, vào hàng cao nhất thế giới, về mức 21%, đồng thời giảm thuế cho người tiêu dùng. Các biện pháp cắt giảm thuế này sẽ hết hiệu lực vào năm 2025.
Về quy chế giám sát, ông Trump yêu cầu nới lỏng trên diện rộng, từ các quy chế giám sát ngành ngân hàng cho tới các quy chế bảo vệ môi trường mà ông Trump cho là gây thiệt hại việc làm.
Việc thu hẹp đạo luật giám sát ngân hàng mang tên Dodd-Frank, giá cổ phiếu của các ngân hàng cộng đồng ở Mỹ đã tăng hơn 25% trong vòng 1 năm qua. Các cổ phiếu nhỏ niêm yết trên thị trường chứng khoán tăng 23%, so với mức tăng 17% của chỉ số S&P 500.
Sự hoài nghi của giới phê bình
"Xu hướng này chỉ là tạm thời. Thực chất, khả năng suy thoái đang ngày càng tăng", ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nhận định. "Nền kinh tế giờ đây đang có tính chu kỳ cao hơn trước do các biện pháp kích cầu. Tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ trong ngắn hạn, nhưng cũng vì thế mà một thời kỳ khó khăn đang chờ ở phía trước. Đó là lý do vì sao hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin chúng ta sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2020, vì chính những chính sách này".
Một vấn đề gây lo ngại lớn hiện nay là khối nợ khổng lồ ngày càng phình to của Mỹ. Khối nợ này sẽ càng lớn nếu những dự báo tăng trưởng kinh tế khả quan của ông Trump không trở thành hiện thực, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây lạm phát tăng vọt và thiệt lại lớn cho các công ty Mỹ phụ thuộc vào xấu khẩu, và nếu thị trường địa ốc Mỹ đột ngột giảm tốc.
Trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã phá vỡ kỷ luật tài khóa thay vì tuân thủ kỷ luật đó. Nền kinh tế Mỹ đang gánh số nợ 45 nghìn tỷ USD. Trong vòng 19 tháng cầm quyền vừa qua của ông Trump, nợ công của Mỹ tăng 1,46 nghìn tỷ USD, tương đương tăng 7,3%, lên mức 21,4 nghìn tỷ USD. Khu vực tư nhân nợ 15,7 nghìn tỷ USD, tăng 9%.
Ngoài ra, tiền lương tăng chậm cũng là một vấn đề của kinh tế Mỹ hiện nay. Từ tháng 1/2017, khi ông Trump nhậm chức, tiền lương theo giờ của người lao động Mỹ chỉ tăng 4,1%, ngang với tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian cầm quyền tương ứng của ông Obama, tiền lương theo giờ của người Mỹ chỉ tăng 3%.
Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đang đến gần, thành tích kinh tế của ông Trump sẽ là một tâm điểm chú ý của cử tri. Một số kết quả kinh tế tích cực nhờ chính sách của vị Tổng thống Cộng hòa có thể sẽ củng cố hy vọng cho đảng này trong cuộc chiến nhằm giữ vững quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện.
Theo VnEconomy