Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đã đạt 2.670 điểm, tăng khoảng 19% trong năm vừa qua. Chỉ số Nikkei Nhật cũng tăng gần 20%. Thậm chí chỉ số FTSE của Anh đã đạt mức kỷ lục, kết thúc năm với mức tăng hơn 7%.
Công ty Trung Quốc săn người da trắng để 'làm màu'
- Cập nhật : 11/06/2017
Việc các công ty Trung Quốc thuê người nước ngoài làm hình ảnh và tiếp thị sản phẩm bị nhiều người coi là trò lừa đảo dựa trên tâm lý sính ngoại của người dân nước này.
Ba năm trước, khi chuyển từ New Jersey (Mỹ) đến Bắc Kinh, Katie sớm nhận ra công việc toàn thời gian của mình không đủ để trang trải chi phí. Khi đó, cô bắt gặp một quảng cáo tuyển người trên mạng: "Cần tuyển người nước ngoài nói tiếng Trung cho vị trí bán thời gian".
Cô gái người Mỹ 25 tuổi nói thông thạo tiếng Quan thoại đã nộp đơn và nhận được công việc nói trên. Trên danh thiếp, Katie là trợ lý của giám đốc công ty. Công việc của cô là cùng giám đốc tới các bữa tiệc tối với khách hàng mỗi tuần một lần.
Chiêu thức chiếm cảm tình khách hàng
"Các bữa tối thường khá vui vẻ và số tiền 1.000 yuan (145 USD) mà tôi nhận được mỗi lần cũng không đến nỗi nào", cô nói.
Việc các công ty Trung Quốc thuê người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây da trắng, đóng vai trò quan hệ công chúng không phải là chuyện hiếm. Nhiều người Trung Quốc cho rằng sự góp mặt của người da trắng là dấu hiệu của kinh doanh thành công và triển vọng toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ qua, hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn một cái tên nghe Tây hoặc được đại diện bởi người mẫu da trắng, thường được coi là cao cấp hơn.
Định kiến này đã khiến Trung Quốc trở thành địa điểm hấp dẫn với những người nước ngoài tìm việc nhờ vào ngoại hình, bất kể kỹ năng của họ.
Một cảnh trong bộ phim tài liệu Dream Empire kể về những người nước ngoài được thuê làm hình ảnh cho các công ty Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Theo số liệu của chính phủ, việc "thuê" người nước ngoài đã diễn ra trong hơn một thập kỷ qua. Ngay cả khi khuôn mặt người nước ngoài đã trở nên phổ biến, "ngành" này vẫn tiếp tục phát triển. Năm 2016, hơn 900.000 người nước ngoài đã làm việc ở Trung Quốc, so với chỉ 10.000 người của những năm 1980.
"Con khỉ trắng"
Các công ty thuê người nước ngoài làm nhạc sĩ, vận động viên, kiến trúc sư, luật sư và chuyên gia cho hoạt động tiếp thị của họ - chiêu thức phổ biến để giành được cảm tình của khách hàng Trung Quốc.
Thực tế này đã được khai thác trong Dream Empire, bộ phim tài liệu dài 73 phút của đạo diễn người Đan Mạch David Borenstein. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Yana, một người nhập cư trẻ tuổi đã thành lập công ty cho thuê người nước ngoài ở Trùng Khánh để giúp khách hàng tiếp thị sản phẩm và xây dựng hình ảnh quốc tế khiến mọi người tin tưởng.
Dream Empire từng được công chiếu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam vào cuối năm 2016 và giành giải Thessaloniki Golden Alexander ở Hy Lạp cho phim hay nhất vào tháng 3 nhưng vẫn chưa được trình chiếu ở Trung Quốc.
"Người ta để ý đến anh vì màu da, không phải vì những gì anh làm. Nó giống như là khỉ trong sở thú vậy", đạo diễn Borenstein nói với South China Morning Post. Anh cho biết những người nước ngoài trong bộ phim tự gọi mình là "con khỉ trắng" vì đó là cảm giác của họ trong vai trò này.
Thật giả lẫn lộn
Borenstein, một người gốc Miami, thực hiện bộ phim tài liệu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sống của bản thân ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Từ năm 2011 đến năm 2013, anh nhận hàng chục công việc thuê mướn người nước ngoài.
Công việc đầu tiên đến với Borenstein khi một người đại diện tiếp cận anh trên phố và hỏi anh có muốn đóng vai thành viên ban nhạc trong lễ khai trương một dự án bất động sản hay không.
Vì tò mò nên Borenstein đã tới sự kiện vào ngày hôm sau và tham gia vào ban nhạc gồm những người chưa từng quen biết. Trên nền nhạc sẵn có, ban nhạc giả bộ biểu diễn trước các khách hàng tiềm năng. Anh phát hiện có người đã làm công việc "diễn xuất" này trong 5 năm dù không biết cách chơi nhạc cụ.
Trong gần 3 năm làm việc với công ty trên, Borenstein đã biểu diễn tại hơn 50 thành phố. Hầu hết sự kiện được các nhà phát triển bất động sản tổ chức.
"Người nước ngoài được sử dụng để biến những thị trấn ma ở nông thôn thành 'những thành phố toàn cầu hóa đang bùng nổ' mỗi khi có các nhà đầu tư và chính khách tới thăm", anh nói.
Một khu bất động sản ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, năm 2013. Phần lớn các khu nhà ở còn trống sau khi hoàn thành đã biến nơi đây thành một thị trấn ma. Ảnh: VCG.
Theo Mike Ren, một nhà thiết kế trò chơi điện tử người Mỹ sống tại Thượng Hải, việc thuê người nước ngoài làm hình ảnh sẽ không có vấn đề gì miễn là không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
"Có một quan niệm sai lầm rằng người ngoại quốc thường giàu có, tài giỏi và có học thức. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Khách hàng càng hiểu biết thì càng dễ nhận ra ai là thật, ai là giả", Ren nói.
Vô hại hay lừa đảo?
Tuy nhiên, đối với những chuyên gia người nước ngoài sống ở Trung Quốc nhiều năm, chiêu thức quảng cáo này không phải là vô hại.
John Lombard, doanh nhân người Canada, đã làm việc ở Trung Quốc trong 20 năm qua. Anh cho rằng những người nước ngoài làm thuê kiểu này đang gây rắc rối cho những ai muốn làm ăn chân chính ở Trung Quốc.
"Họ hủy hoại danh tiếng của người nước ngoài nói chung và khiến tôi khó tạo được sự tín nhiệm khi gặp đối tác và các khách hàng tiềm năng. Đó là một ngành được tạo ra từ sự dối trá và lừa bịp", Lombard bày tỏ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Li Bochun, hiện tượng này cũng phản ánh sự thiếu tự tin của xã hội Trung Quốc đối với bản sắc văn hóa của họ.
Ông cho rằng việc sử dụng người nước ngoài làm hình ảnh cho công ty thể hiện tâm lý sính ngoại và chính quyền nên thay đổi điều này thông qua giáo dục người dân về tầm quan trọng và giá trị của lịch sử văn hóa đất nước.
Ông Li cũng đồng tình với quan điểm rằng việc thuê người nước ngoài làm hình ảnh trong nhiều trường hợp chỉ là lừa đảo.
Tuy nhiên, đối với Katie, người hiện là nhà tổ chức sự kiện ở Bắc Kinh và vẫn tham dự bữa tối với giám đốc công ty mỗi tháng một lần, vai trò của cô không phải là lừa đảo vì cô không bao giờ thảo luận việc kinh doanh với khách hàng. Cô cho biết mọi người chỉ nói chuyện phiếm trong bữa tối.
"Không có gây hại gì cả. Tôi không bao giờ cảm thấy khó chịu, lo lắng hay bất an khi tham dự những bữa tối như thế này. Nó luôn luôn hiệu quả đối với tôi", cô nói.
Tuyết Mai
Theo Zing.vn