(Kinh te)
Lần đầu tiên trong 9 năm qua, nước Mỹ sẵn sàng để tăng lãi suất. Ngược lại, nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn đang theo đuổi chương trình nới lỏng định lượng lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
USD tăng giá được cho là nguy cơ lớn nhất với nền kinh tế thế giới vào năm sau - Ảnh: Shutterstock
Nhật Bản đã có lần suy thoái thứ tư trong vòng 5 năm qua dù nước này vẫn thực hiện chương trình nới lỏng định lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Tại châu Âu, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và lạm phát thấp khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang cân nhắc chuyện dùng thêm một “liều” nới lỏng định lượng nữa.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể đang hoãn hành động sau đợt phá giá nhân dân tệ trong hai ngày hồi tháng 8, gây sốc thị trường thế giới. PBOC không muốn rủi ro hóa khả năng đưa đồng bản tệ vào rổ tiền dự trữ SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Chiều hướng ngược trong chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tạo ra sự mất cân bằng đáng kể trong trật tự kinh tế thế giới. Theo trang Business Insider, điều này rất có thể sẽ khiến đồng đô la Mỹ, đồng tiền vốn đang trên đà tăng, là nguyên nhân thổi bùng cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới.
Thời gian qua, lãi suất thấp ở Mỹ đã dẫn đến cuộc bùng nổ việc đi vay bằng USD trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy hiện khoảng nợ bằng đô la ở ngoài nước Mỹ đang trên mức 9.700 tỉ USD, tăng đáng kể từ con số 5.600 tỉ USD vào cuối năm 2008.
Doanh nghiệp và chính phủ các thị trường mới nổi đã vay mượn bằng USD vì lãi suất cực thấp và kiếm tiền để trả các khoản nợ đó bằng chính đồng nội tệ của họ.
Việc doanh nghiệp làm ăn có lãi đến đâu không còn mấy quan trọng nếu đồng bản tệ của họ trượt giá so với đô la Mỹ. Khi USD tăng giá, việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Nhiều công ty có thể sẽ rơi sâu vào cảnh nợ nần và những chủ thể đi vay trên khắp thế giới sẽ rơi vào các quá trình giảm nợ lộn xộn.
(Theo Báo Thanh Nien)