(The gioi)
Liệu rằng làn sóng lao động nhập cư từ Trung Quốc kéo sang, về lâu dài có là mầm mống xung đột tôn giáo và sắc tộc cho Indonesia hay không ? Đó là câu hỏi tờ Tempo phát hành tại Jakarta đã nêu lên và được tuần san Courrier International của Pháp trích dẫn lại trong số báo ra ngày 24/09/2015.
Một công trường xây dựng tại Jakarta. Ảnh REUTERS
Dưới hàng tựa "Lo ngại bị công nhân Trung Quốc xâm lấn", tác giả bài viết nêu lên mâu thuẫn lớn trên thị trường lao động Indonesia ngày nay: Mặc dù có tới 7 triệu người đang thất nghiệp, đa số là thành phần lao động chân tay, thế nhưng Indonesia quốc gia Hồi giáo đông dân nhất địa cầu này lại mở rộng cửa đón người lao động nước ngoài.
Hiện đang có rất nhiều các công trường xây dựng do các tập đoàn Trung Quốc đầu tư và điều hành. Công nhân Trung Quốc đổ bộ tới Indonesia. Không biết rõ số họ la bao nhiều nhưng có những nguồn tin nêu lên con số 25.000 người.
Dù lực lượng nhân công đó là bao nhiêu đi chăng nữa thì công luận Indonesia không khỏi bất bình trước hiện tượng "di dân ồ ạt" đó và một số "ngôi làng" của các công nhân Trung Quốc được dựng lên trên lãnh thổ Indonesia.
Bộ trưởng Lao động Indonesia đã phải thanh minh rằng những người lao động nhập cư được các tập đoàn Trung Quốc điều sang, đã được cấp giấy phép làm việc trong thời hạn tối đa là 6 tháng. Tổng thống Joko Widodo lại vừa bãi bỏ điều khoản, đòi hỏi người lao động nhập cư phải có một số vốn cơ bản về ngôn ngữ của Indonesia.
Nhật báo Tempo của Jakarta nhìn nhận biện pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn nước ngoài đến Indonesia hoạt động. Khuyến khích đầu tư ngoại quốc để tạo đà cho một nền kinh tế đã bị đình trệ từ bốn năm qua như Indonesia là một quyết định đúng và không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng không một quốc gia nào trên thế giới lại mở cửa ồ ạt đón công nhân nước ngoài trong khi công nhân trên chính xứ mình lại không có việc làm.
Tác giả bài báo cho rằng đã đến lúc Indonesia cần khẩn cấp xét lại vấn đề, tránh làm dấy lên hiềm tỵ trong lòng những người lao động bị mất việc vì các công nhân nước ngoài nói chung và vì nhân công Trung Quốc nói riêng.
Trong tình huống tế nhị hiện tại, sự hiện diện ngày càng đông của người Trung Quốc có nguy cơ dẫn tới xung đột về sắc tộc trên lãnh thổ Indonesia.
Từ thời kỳ Nam Dương bị người Hà Lan đô hộ tới nay, hiềm khích nhắm vào cộng đồng người Indonesia gốc Hoa vẫn tồn tại, điển hình là qua đợt bạo động hồi năm 1998. Mối nghi kỵ đó có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy mà tờ báo Tempo kêu gọi chính quyền Jakarta hãy xét lại điều kiện để cho các tập đoàn ngoại quốc đưa người lao động vào Indonesia.
(Theo Diễn đàn đầu tư)