Mỹ và Trung Quốc đều quyết không lùi bước trong cuộc chiến thương mại hiện tại, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả nguy hiểm, không thể lường trước.
Mỹ vừa vay thêm 328 tỷ USD, tổng nợ là bao nhiêu?
- Cập nhật : 01/08/2018
Mỹ vừa vay nợ thêm 328 tỉ USD, số tiền lớn nhất từ năm 2010 và không có đà dừng lại.
Tờ Los Angeles Times dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính quyền liên bang có kế hoạch vay mượn thêm 329 tỉ USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, khoản vay dự kiến này cao hơn 74% so với khoản vay 189 tỉ USD hồi quý 3 năm ngoái và đây là số tiền đi vay lớn nhất trong quý 3 kể từ năm 2010.
Chính quyền của Tổng thống Trump đầu tháng này đã thông báo, thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ tăng lên 890 tỉ USD và sẽ tăng thêm nữa lên mức 1.100 tỉ USD vào năm 2019. Đồng thời dự báo, con số này sẽ giữ ở mức trên 1.000 tỉ USD trong 3 năm liên tiếp cho đến năm 2021 rồi giảm xuống.
Mức thâm hụt ngân sách như vậy sẽ đẩy nợ công của Mỹ tăng lên nhanh chóng.
Ngày 8/9/2017, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của nước này đã tăng từ 19.800 tỷ USD lên 20.100 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nợ công Mỹ vượt qua mốc 20.000 tỷ.
Nếu chia bình quân đầu người, thì mỗi công dân Mỹ (từ trẻ sơ sinh cho tới người đã nghỉ hưu) đang phải gánh khoản nợ công 63.217 USD.
Còn nếu chia bình quân cho đối tượng người lao động đóng thuế, thì trung bình mỗi người đang phải gánh 170.400 USD nợ công chính phủ.
Tới giữa tháng 2/2018, Tổng thống Trump tiếp tục kí quyết định tăng trần nợ. Quyết định này có hiệu lực vào đầu tháng 3 và đã đẩy mức nợ công thêm 1.000 tỷ USD, chạm ngưỡng 21.000 tỷ.
Cho đến ngày 15/3, tổng nợ công đã đạt mức 21.031 tỷ USD.
Khi còn tranh cử Tổng thống, ông Trump đã hứa hẹn sẽ giảm số nợ công bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí của chính phủ.
Ông Trump cũng hứa sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và xóa bỏ thâm hụt thương mại, đồng thời cam kết sẽ giảm mạnh và cải cách thuế, cũng như xóa bỏ các quy định tốn kém của chính phủ liên bang.
Ông Trump cũng đã cắt giảm khoảng 1/3 số chương trình quốc gia nhưng vẫn buộc phải tăng cường đầu tư Quốc phòng. Ông Trump hy vọng việc hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế của ông Obama (Obamacare) sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách, nhưng có vẻ điều này không mấy khả thi.
Bất chấp dự báo của chính quyền ông Trump rằng nợ công sẽ giảm dần sau năm 2021, các chuyên gia tài chính dự đoán tình hình nợ công Mỹ có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong năm tới.
Trong báo cáo đăng tải ngày 2/3, tổ chức độc lập Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang (CRFB) cho rằng nợ công đang tăng theo chiều hướng không bền vững. Tổ chức này cho rằng chính sách thuế và chi tiêu gần đây dường như đang có xu hướng làm tình hình có thể xấu đi.
Theo CRFB, Mỹ vào năm 2028 có thể đối mặt với khoản thâm hụt nợ 2,4 tỷ USD và tổng nợ có thể cao bằng 113% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi tháng 6 đã vẽ bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính Mỹ khi dự báo nợ công của nước này đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong 30 năm tới.
Theo CBO, nợ công của chính phủ liên bang sẽ ở mức 78% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính này, mức cao nhất trong gần 70 năm, trước khi lên tới 152% vào năm 2028.
Nợ công dự kiến tăng do nguồn thu của liên bang sẽ duy trì trong 2 năm tới và tăng lên vào năm 2026 trong bối cảnh mức thuế thu nhập cá nhân được dự báo tăng trở lại.
Giám đốc CBO Keith Hall nhận định nguy cơ nợ công tăng cao gây rủi ro lớn cho Mỹ và đặt ra những thách thức đáng kể đối với những nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, nợ công có thể khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính thông qua giảm thuế hoặc tăng chi tiêu ngân sách.
Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cho biết hãng duy trì xếp hạng tín nhiệm về nợ công của Mỹ ở mức AA+ do thâm hụt ngân sách tăng và những chính sách của nước này chỉ phù hợp trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, S&P cảnh báo có thể hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do nợ công cao, thâm hụt ngân sách tăng, những chính sách khá ngắn hạn và việc triển khai chính sách chưa được bảo đảm.
S&P cho rằng, căng thẳng thương mại với đối tác tchủ chốt Trung Quốc dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, song có thể trì hoãn hoạt động đầu tư và làm giảm những lợi ích của chương trình giảm thuế được ban hành hồi năm ngoái.
Sơn Dương
Theo Baodatviet.vn