Moscow đủ tiềm lực tài chính để đấu lệnh trừng phạt, Washington sẽ chấp nhận ngừng mua động cơ RD-180?
Đồng rial mất giá 100%, kinh tế Iran đối diện nguy cơ
- Cập nhật : 31/07/2018
Nếu chính phủ Iran không có biện pháp kịp thời và chuẩn xác để cứu đồng rial, thì nước này có thể đối mặt nguy cơ với khủng hoảng tiền tệ và...
Đồng rial của Iran giảm 100% giá trị và không có khả năng phục hồi
Thông tin từ thị trường tiền tệ quốc tế cho thấy, đồng rial của Iran đã mất tới nửa giá trị so với đồng USD chỉ trong 4 tháng, sau khi lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 50.000 rial/USD vào tháng 3 vừa qua.
Ngày 29/7, đồng rial đã tụt xuống mức thấp kỷ lục là 100.000 rial/USD, trong bối cảnh khó khăn kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này đang ngày càng nghiêm trọng, mà việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran lại sắp có hiệu lực.
Theo trang mạng Bonbast, đến trưa ngày 29/7, tỷ giá không chính thức của đồng rial đã giảm xuống còn 102.000 rial/USD.
Như vậy, đồng rial đã mất hơn 100% giá trị so với đồng USD chỉ trong vòng 4 tháng.
Tháng 4/2018, chính phủ Iran đã nỗ lực điều chính tỷ giá lên 42.000 rial/USD nhằm ngăn chặn đồng nội tệ tiếp tục đà mất giá sau khi đã giảm giá trị tới hơn 30% trong 6 tháng trước đó, đồng thời khẳng định sẽ mạnh tay với thị trường chợ đen.
Tuy nhiên, giao dịch thương mại vẫn đi xuống, mà lý do là người dân Iran quan ngại suy thoái kinh tế trong thời gian dài khiến nắm giữ đồng USD trở thành biện pháp tiết kiệm tiền an toàn, hoặc khoản đầu tư triển vọng khi đồng rial tiếp tục mất giá.
Trong khi đó, do các ngân hàng thường từ chối bán USD với tỷ giá thấp, chính phủ Iran đã buộc phải nới lỏng chính sách quản lý tiền tệ cứng rắn trong tháng 6, tạo điều kiện cho một số nhóm hàng nhập khẩu nhất định.
Theo giới chuyên gia tài chính, chính phủ Iran đã thực sự lúng túng trước việc đồng rial giảm giá sâu và liên tục, Tehran đã không rút ra bài học quý cho riêng mình từ việc mất giá của đồng rúp Nga vào năm 2014.
Chính cách thức xử lý kém cỏi trước việc mất giá mạnh của đồng nội tệ là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 25/7 phải ra quyết định thay thế vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này.
Theo đó ông Abdul Nasser Hemmati đã chính thức được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, thay cho ông Valiollah Seif.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái này không tác động tích cực nhiều đến ngăn chặn đồng rial mất giá.
Một phần vì Tehran quá bị động trước tác động của việc Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran tới kinh tế tài chính nước này, nên không chuẩn bị biện pháp ứng phó kịp thời, mà chủ yếu là sử dụng các công cụ đối phó khi "nước đã đến chân".
Mặt khác, Tehran dường như đã quá tự tin vào sức mua của đồng rial, khi chỉ số PPP/GDP của Iran đạt tới hơn 350%, theo số liệu của IMF.
Vì vậy, khi đồng rial đảo chiều khiến chính phủ nước này bất ngờ, trở tay không kịp.
Hai hiệu ứng mang tính chủ quan này khiến biện pháp của chính phủ Iran cứu đồng rial không có tác động tích cực, ngược lại còn gây lo lắng cho người dân, tạo tâm lý nắm giữ đồng USD cho an toàn, khiến đồng rial không có khả năng phục hồi.
Iran đối mặt nguy cơ khủng hoảng tiền tệ
Tình trạng mất giá của đồng rial được dự báo sẽ trở nên trầm trọng hơn khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ chính thức khôi phục từ ngày 6/8 với ngành xe hơi và kim loại, từ ngày 4/11 với xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.
Mặc dù Iran cùng các nước châu Âu hiện đang tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hy vọng giúp kiềm chế những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song mọi việc dường như không có kết quả như kỳ vọng của Tehran.
Trước bối cảnh đó, chính phủ Iran được cho là đang cố gắng tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong đó có việc tung ra tiền điện tử mà có thể giúp kinh tế nước này giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Phó Giám đốc phụ trách quản lý và đầu tư, Cục Giám đốc Khoa học và Công nghệ Iran, Alireza Daliri, đã lý giải về công dụng và hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số trong giao dịch thương mại của Iran.
"Chúng tôi đang chuẩn bị nền tảng sử dụng đồng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch thương mại dầu mỏ. Đồng tiền này sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển ở bất kỳ đâu trên thế giới, từ đó có thể giúp chúng ta vào thời điểm bị trừng phạt", theo RT.
Tehran tính sử dụng đồng tiền điện tử trong thương mại dầu mỏ được cho là dựa trên kinh nghiệm của Venezuela sử dụng tiền ảo "petro" được hậu thuẫn bởi dầu lửa, vừa né được trừng phạt Mỹ, vừa tránh được được thiệt hại bởi đồng nội tệ mất giá.
Đồng thời đó cũng là chia sẻ ý tưởng của Trung Quốc, Nga và Singapore về phát hành đồng tiền ảo của riêng mình, cho dù chính phủ các nước này rất thận trọng với Bitcoin và các đồng tiền ảo khác.
Tháng 2, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin-Truyền thông Iran, Mohammad-Javad Azari Jahromi từng cho biết, Ngân hàng Bưu điện - một ngân hàng quốc doanh của Iran - đang chuẩn bị cho việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số.
Thượng tuần tháng 7, Iran thông báo đã phát triển khóa mã hóa quốc gia đầu tiên, dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, và Ngân hàng Trung ương Iran phối hợp với các cơ quan hữu quan để kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo ở nước này.
Điều đó cho thấy tiền điện tử sẽ nằm trong các chính sách tiền tệ của chính phủ Iran trong thời gian tới và Tehran hy vọng đây sẽ chìa khoá giúp né trừng phạt Mỹ, tránh thiệt hại từ mất giá của đồng rial.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hướng đi của Tehran là rất mạo hiểm. Kinh nghiệm của Venezuela về đồng tiền ảo "petro" không phải là điều mà Iran có thể vận dụng, vì đó cũng chỉ là biện pháp đối phó và mang tính thời điểm.
Không những vậy, việc Caracas sử dụng đồng tiền ảo "petro" đã khiến đồng bolivar gần như mất tác hiệu với nền kinh tế, mà một nền kinh tế "mất ngọn" - đồng tiền quốc gia - luôn nằm ở ngưỡng suy thoái, khủng hoảng. Iran không thể mạo hiểm như vậy.
Còn ý tưởng của Trung Quốc, Nga và Singapore về phát hành tiền ảo thì Iran không thể vận dụng. Bởi xét cả về nền tảng tiền tệ - nền sản xuất hàng hoá - và công cụ đảm bảo gíá trị đồng nội tệ - quỹ dự trữ ngoại hối, lượng vàng dự trữ - Iran đều yếu.
Tiền ảo là chỉ được xem là công cụ thay thế tiền thật trong những trường hợp nhất định với mục đích là đa dạng hoá phương tiện thanh toán và chỉ thực hiện trong bối cảnh kinh tế ổn định, phát triển, chứ không thể là công cụ đối phó trong bối cảnh bất ổn.
Bài học của Nga trong cứu đồng rúp và vượt cấm vận trong khi không thoát được cấm vận là rất quý và thực tế với Iran
Như vậy, Tehran theo đuổi việc sử dụng tiền điện tử chưa hẳn đã giúp kinh tế nước này tránh được thiệt hại bởi trừng phạt Mỹ, song hậu quả thì thấy ngay, đó là vô hiệu đồng nội tệ, làm giảm sức mua của đồng rial, qua đó tự làm suy yếu nền kinh tế.
Nếu chính phủ Iran không có biện pháp kịp thời và chuẩn xác trong việc cứu đồng rial, thì nước này có thể đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tiền tệ và kinh tế Iran có thể sụp đổ khi các biện pháp tái trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.
Theo giới phân tích, để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm hiện nay, chính phủ Iran nên vận dụng chính sách của chính phủ Nga để vượt cầm vận khi không thể thoát cầm vận. Đó là cơ cấu lại nền kinh tế và xây dựng những bước đệm tài chính phù hợp.
Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn