tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đông Nam Á không thể sống thiếu 7 triệu lao động nhập cư?

  • Cập nhật : 09/03/2018

Phần lớn người lao động đến từ Campuchia, Indonesia, Myanmar và Philippines, và chủ yếu đi làm việc tại Singapore, Thái Lan, Malaysia. Họ giữ những vai trò không thể thay thế kể cả tại nước xuất xứ và nước họ đến làm việc.

Đông Nam Á không thể sống thiếu 7 triệu lao động nhập cư?

Ảnh: HR Asia

Tại Bangkok, Thái Lan mới đây, người ta chứng kiến một vụ kiện bất ngờ. Theo logic thông thường, người ta sẽ nghĩ rằng hẳn đó là một vụ kiện do người lao động tiến hành chống lại hành vi lạm dụng sức lao động của người chủ. 

Lần này, người chủ đang kiện ngược lại người lao động cũ vì họ đã cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ quan điều tra. Chủ sử dụng lao động, công ty chăn nuôi gà Thammasaket, tuyên bố rằng 14 công nhân nhập cư người Myanmar đã đưa ra những cáo buộc vi phạm nhân quyền sai sự thật chống lại công ty này và đưa ra thông tin sai sự thật cho phía cơ quan quản lý.

Theo phán quyết ban đầu của tòa án, Thammasaket bị buộc phải đền bù tổng số tiền ước khoảng 1,7 triệu bath tương đương 54 nghìn USD cho những người lao động Myanmar nói trên bởi vi phạm về quy định trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, Thammasaket từ chối bồi thường. 

“Đó thực sự là một sự vu khống”, luật sư của công ty tuyên bố. Những người bán thực phẩm xung quanh khu vực nhà máy cũng đã được đưa đến phiên tòa xét xử. Một người bán hàng gần đó nói: “Chúng tôi gặp nhiều công nhân Myanmar ra chợ mua hàng. Trông họ thực sự hạnh phúc”.

Dù rằng những người công nhân Myanmar có đủ bằng chứng chống lại Thammasaket hay không, vụ kiện tụng qua lại này cũng đã đủ để khiến một cuộc tranh cãi về điều kiện làm việc của hàng triệu người lao động nhập cư trong khắp khu vực Đông Nam Á. Và thường thì, người ta chứng kiến rất nhiều các vụ lạm dụng tồi tệ người lao động.

Tại Malaysia, nơi khoảng 400 nghìn nữ lao động nước ngoài đang làm việc, một người phụ nữ Indonesia có tên Adelina Sao đã chết trong bệnh viện ở Penang vào ngày 11/2/2018. Trước đó, cô được phát hiện với nhiều chấn thương ở đầu, chân tay sau hai năm làm việc ở đây. Những người hàng xóm của chủ nhà nơi cô Sao làm việc cho biết cô đã bị buộc phải ngủ trên hiên nhà cạnh con chó. 

Sau vụ việc trên, chính phủ Indonesia đã đe dọa sẽ cấm công dân nước này sang làm giúp việc ở Malaysia. Đại sứ Indonesia tại Malaysia, ông Rusdi Kirana, vào ngày 15/2/2018 đã tuyên bố: “Chúng tôi đã buộc phải ký quyết định tạm dừng để có thể điều chỉnh lại hệ thống tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài của chúng tôi nhằm ngăn chặn những vụ việc giống như Adelina tái diễn”.

Người nhập cư từ Myanmar làm việc trong một garage ngoại ô Bangkok. Ảnh: Ken Kobayashi

Những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á chứng kiến quá nhiều vụ việc tương tự như vậy, mới đây phải kể đến vụ một cặp đôi người Malaysia bị kết luận đã sát hại một người giúp việc, bỏ đói người này đến chết, hai người này sau đó phải chịu án tù chung thân. Phía chính phủ Malaysia vẫn hy vọng Indonesia sẽ không áp dụng lệnh cấm lao động Indonesia sang Malaysia làm việc.

Chắc chắn, chẳng có giải pháp nào dễ dàng cho những vấn đề đang diễn ra bởi xét đến quy mô của lực lượng lao động di cư tại Đông Nam Á quá lớn và những yếu tố chênh lệch kinh tế quá lớn là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này.

Tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy hiện có gần 7 triệu người lao động di cư Đông Nam Á đang làm việc trong khu vực. Phần lớn người lao động đến từ Campuchia, Indonesia, Myanmar và Philippines; những người này chủ yếu đi làm việc tại Singapore, Thái Lan, Malaysia. Họ trở thành những người không thể thiếu cả tại nước họ và nước họ đến làm việc.

Malaysia với thu nhập bình quân đầu người khoảng 10 nghìn USD được coi như thỏi nam châm với người lao động từ Indonesia, đất nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3.600 USD. Singapore, nước nằm trong top 10 thu nhập bình quân đầu người của thế giới, không chỉ thu hút người lao động từ những nước nghèo mà cả người lao động đến từ Malaysia. 

Hơn 30% tổng lực lượng lao động Singapore là người nhập cư, hoạt động của những ngành ví như ngành xây dựng thậm chí khó có thể trụ vững nếu thiếu người lao động nước ngoài. 

Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới đây đã thể hiện quan điểm muốn hạn chế bớt lao động Philippines làm việc tại Kuwait sau khi một nữ giúp việc bị phát hiện đã chết trong nhà của chủ nơi cô làm việc sau khi cô này được loan tin mất tích cách đây hơn một năm trước. 

Trường hợp trên không phải duy nhất trong số những vụ việc người lao động Philippines bị đối xử tệ hại. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kinh tế, Philippines cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ nếu người lao động nước ngoài đua nhau về nước.

Năm 2016, 2,2 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Kiều hối từ những người này cực kỳ quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng – động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Philippines và là nguồn đóng góp ngoại tệ quan trọng cho nước này. 

Năm 2017, kiều hối của Philippines đạt kỷ lục 28,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước và tương đương 10% tổng GDP của nước này.

Chính phủ Indonesia cũng có thể hạn chế lao động sang Malaysia tương tự như cách mà Philippines hạn chế lao động sang Kuwait. Thế nhưng nếu một lệnh cấm được ban bố, tình trạng nhập cư bất hợp pháp hoặc buôn người sẽ còn diễn ra tồi tệ hơn. 

Tuy nhiên, khi kinh tế của một số nước Đông Nam Á đang tăng trưởng tốt hơn, cơ hội việc làm tại quê hương của họ nhiều hơn và nhiều người đã chọn ở lại quê hương thay cho việc sang nước khác kiếm sống.

Mới đây, Thái Lan đã siết chính sách với lao động nhập cư. Kể từ đó, một người lao động nữ 24 tuổi trở về Campuchia và kiếm được việc làm mới tại một nhà máy của Nhật gần biên giới Campuchia và Thái Lan. 

Cô hài lòng với cuộc sống mới, giờ đây cô không còn muốn sang Thái Lan nữa: “Tại Campuchia, tôi có thể gần bạn bè, người thân, chi phí cuộc sống rẻ hơn. Tôi không còn phải lo sợ về các vấn đề thủ tục hay bị nhà chức trách truy đuổi”.

TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục