Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe. Trước thời điểm quân đội Zimbabwe "phong tỏa" thủ đô Harare, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Zimbabwe cũng đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh.
Hệ thống tài chính của Ả rập xê út sẽ sụp đổ trước năm 2020
- Cập nhật : 19/06/2016
Hoàng tử Ả rập xê út Mohammed ben Salman đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Ả rập xê út sẽ khó có thể chống lại cùng một lúc “hai cú đánh”.
Mới đây, Hoàng tử Ả rập xê út Mohammed ben Salman đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được thực hiện xong trước năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự nghi ngờ của các chuyên gia kinh tế khi nhận định rằng hệ thống tài chính của Ả rập xê út có thể sụp đổ trước năm 2020.
Trong số các chuyên gia nghi ngờ về tính thực tế của kế hoạch trên có nhà phân tích Mỹ Zach Schreiber. Theo nhà phân tích uy tín này của Mỹ, kế hoạch trên của hoàng tử Ả rập xê út sẽ khiến nước này rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng này sẽ đến sớm hơn so với thời hạn hoàn thành kế hoạch.
Theo kênh truyền hình CNN, dự báo của Zach Schreiber đang được nhiều người quan tâm. Hai năm trước, Zach Schreiber nằm trong số không nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự sụp đổ của giá dầu. Theo đồn đoán, chính dự báo này đã đem đến cho quỹ PointState Capital của Zach Schreiber khoảng 1 tỷ USD.
Hiện nay, Zach Schreiber cũng đang đưa ra dự báo rất táo bạo có liên quan đến dầu mỏ. Theo đó, sau 2-3 năm nữa, Ả rập xê út sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ về tài chính.
Hồi tháng 2 vừa qua, giá dầu đã từng sụt giảm đến mức kỷ lục trong vòng hơn 12 năm qua khi rơi xuống ngưỡng 26 USD/thùng. Các nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng phải trải qua những khó khăn đáng kể về kinh tế và tài chính.
Ả rập xê út - quốc gia trong vòng 2 thập kỷ qua luôn “bơi” trong “biển USD” thu được từ dầu mỏ, đã phải cay đắng chứng kiến nguồn dự trữ ngoại tệ bốc hơi một cách nhanh chóng.
Đứng trước thực trạng này, Ả rập xê út đã xây dựng chương trình cải cách triệt để mang tên Saudi Vision 2030 với mục tiêu thực hiện xong trước năm 2030. Để thực hiện chương trình này, Quốc vương Ả rập xê út đã cho sa thải Ali Al-Naimi, người hơn 2 thập kỷ qua giữ chức Bộ trưởng Dầu mỏ.
Tác giả của kế hoạch này là hoàng tử Mohammed ben Salman hy vọng rằng trong vòng 15 năm nữa, Ả rập xê út có thể thoát được sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, chuyên gia Zach Schreiber cho rằng Ả rập xê út sẽ không có đủ 5 năm để đa dạng hóa nền kinh tế vì nước này sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trước năm 2020.
“Ả rập xê út chỉ còn khoảng 2-3 năm trước khi khủng hoảng tài chính bắt đầu”- Zach Schreiber tuyên bố trong Hội nghị đầu tư Sohn lần thứ 21.
Theo các tin đồn, Ả rập xê út dự định sẽ vay của một loạt ngân hàng 10 tỷ USD, đồng thời chuẩn bị bán trái phiếu chính phủ đầu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ả rập xê út Amin Nasser đang dự định nâng công suất khai thác dầu ở mỏ Shaiba lên khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Mặc dù vậy, chuyên gia Zach Schreiber vẫn cho rằng Ả rập xê út sẽ khó có thể chống lại cùng một lúc “hai cú đánh”: Giá dầu thấp và bội chi ngân sách.
Vấn đề chính đối với Ả rập xê út hiện nay là để có thể cân bằng ngân sách quốc gia, El-Riyadh cần giá dầu phải ở mức khoảng 100 USD/thùng. Nguyên nhân chính là do quốc gia này đã tiêu tốn các khoản chi phí khổng lồ cho cuộc sống của khoảng 30 triệu người.
Chuyên gia Zach Schreiber khẳng định rằng hệ thống xã hội của El-Riyadh sẽ không thể chống chọi được nếu giá dầu ở mức thấp như hiện nay.
Ngoài chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội và các lĩnh vực khác, Ả rập xê út cũng thường chi các khoản tiền khổng lồ cho nhu cầu quốc phòng. Điều này được giải thích là để giúp Ả rập xê út có thể đối phó với tình hình bất ổn ở Trung Đông, cạnh tranh với Iran, cũng như để đối phó với mối đe dọa bùng phát sự mất ổn định xã hội sau khi giá dầu sụt giảm. Hiện ngân sách quân sự nước này năm 2016 đã bị cắt giảm thêm 3,6% so với năm 2015.
Sở dĩ chuyên gia Zach Schreiber “cho thêm” Ả rập xê út 2-3 năm nữa trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra là do ngân sách nước này vẫn còn khoảng 600 tỷ USD. Chính phủ Ả rập xê út đang hy vọng rằng khoản tiền này sẽ giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, với tốc độ chi tiêu như hiện nay, các chuyên gia phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng ngân sách của Ả rập xê út sẽ nhanh chóng trống rỗng. Từ cuối năm 2014 đến tháng 2/2016, ngân sách quốc gia của Ả rập xê út đã hụt thêm 140 tỷ USD.
Hơn nữa, chuyên gia Zach Schreiber cho rằng chính quyền Ả rập xê út còn phải gánh khoản nợ quốc gia vào khoảng 340 tỷ USD nữa. Đây có thể chính là lý do khiến El-Riyadh quyết định bán bớt 5% cổ phần của Tập đoàn Aramco.
Để thoát khỏi bối cảnh kinh tế u ám hiện nay, Ả rập xê út cần đến kịch bản giá dầu gia tang trở lại. Tuy nhiên, chuyên gia Zach Schreiber cho rằng điều này sẽ không sớm diễn ra mà chỉ có thể diễn ra trong tương lai trung hạn.
Yếu tố quan trọng khiến giá dầu không thể sớm gia tăng trở lại là do nhu cầu khổng lồ với dầu mỏ của Trung Quốc đang giảm sút.
Theo CNN, chuyên gia Zach Schreiber đã đưa ra lời khuyên nên mua đồng USD và bán đồng Rial của Ả rập xê út vì sớm hay muộn El-Riyadh sẽ phải giảm tỷ lệ hoán đổi giữa hai đồng tiền này để giúp hệ thống tài chính của mình trụ vững.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert – chuyên gia”.
Theo Đào Cảnh (lược dịch)
Infonet