Khi nhắc tới thặng dư thương mại khổng lồ, người ta thường nghĩ tới Trung Quốc, Nhật Bản, Đức hay Hàn Quốc.
Brexit – cái được và mất với London
- Cập nhật : 20/06/2016
Cuộc trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh để quyết định về tư cách thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới.
Liên quan đến sự kiện này, có nhiều ý kiến cho rằng một kịch bản nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ không chỉ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế “xứ sở sương mù” mà còn là một thảm họa đối với vị thế của EU trên thế giới.
“Mây đen” bao phủ kinh tế EU
Hầu hết các nghiên cứu về Brexit đều chỉ ra rằng việc khơi dậy tinh thần bài châu Âu trong nước Anh sẽ khiến “xứ sở sương mù” không những chẳng thu được lợi ích gì về kinh tế, mà còn phải đối mặt với nguy cơ xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng của chính họ. Với hệ lụy đầu tiên phải kể tới là thương mại và đầu tư xuyên biên giới.
Trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo nói rằng nếu nước Anh rời EU thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp xứ sở này có thể thiệt hại 9 tỷ bảng Anh (13,2 tỷ USD) tiền thuế nhập khẩu bổ sung mỗi năm, cũng như đứng trước nguy cơ phải tiến hành các cuộc đàm phán chưa từng có với 161 nước thành viên WTO về các điều khoản liên quan tới tư cách thành viên.
Trong khi tại nước láng giềng Pháp, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CAE) của Phủ Thủ tướng Pháp, chuyên gia Angès Bénassy Quéré, cũng khẳng định trong trường hợp nước Anh rời khỏi EU thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì đổ vào Anh, sẽ chuyển hướng sang Pháp hoặc Đức, Italy.
Ngoài ra, khi rời khỏi Brussels, London sẽ đánh mất lợi thế nắm giữ vai trò là “lá phổi” tài chính của châu Âu, nơi cửa ngõ đón nhận luồng vốn của thế giới vào thị trường “lục địa Già”.
Trong nội bộ nước Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cũng cảnh báo nước này có thể sẽ chìm vào suy thoái trong vòng một năm nếu lựa chọn ra khỏi EU. Theo Bộ Tài chính Anh quốc, có hai kịch bản hậu Brexit đối với nền kinh tế Anh.
Trong đó, kịch bản số 1 nhẹ nhàng hơn, khi London có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, sẽ chứng kiến GDP thấp hơn đến 3,6% so với việc ở lại EU sau hai năm. Ở chiều ngược lại, tức là kịch bản 2, khi Vương quốc Anh không những rời thị trường chung EU mà còn phải đối mặt với các rào cản thương mại theo quy định của WTO, thì con số khác biệt kia sẽ tăng lên 6%.
Đối với cả hai kịch bản, Brexit sẽ khiến lạm phát tại nước Anh tăng cao, trong khi giá nhà lại xuống thấp hơn khoảng từ 10% (kịch bản 1) đến 18% (kịch bản 2) so với việc ở lại với EU.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Osborne, Thủ tướng Anh David Cameron đã khẳng định việc bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ không khác nào hành động kích nổ trái bom đặt dưới nền kinh tế Vương quốc Anh và nhấn mạnh rằng Brexit đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ đối mặt với một thời kỳ suy thoái, những năm tháng bất ổn và thương mại sa sút.
Hệ lụy đối với các nước
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh diễn ra trong một thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi mà cả châu Âu đang phải “gồng mình” để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II và mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố.
Theo đó, trong trường hợp người dân Anh chọn Brexit thì EU sẽ mất đi một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một nhân tố cốt yếu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh cũng như sức ảnh hưởng trên toàn cầu của liên minh gồm 28 nước thành viên này.
Theo chuyên gia phân tích Vivien Pertusot từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), sức ảnh hưởng của EU sẽ giảm sút đáng kể tại các khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, những nơi đã từng coi khối này như một hình mẫu về sự đoàn kết trong khu vực.
Về phía EU, Brussels đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận với Thủ tướng Cameron để giữ London lại trong EU vì nhiều lý do: Nước Anh là nền kinh tế lớn thứ ba trong EU, là trung tâm tài chính số 1 “lục địa Già”. London lại là một nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách của cả 28 thành viên EU.
Cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Euler Hermes cho rằng nếu kịch bản Brexit xảy ra thì Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp và các nước ngoài EU là Mỹ đều bị thiệt hại, do các quốc gia này là những bạn hàng chính của nước Anh. Cán cân thương mại của Đức đối với nước Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ euro/năm, trong đó ngành ô tô Đức thất thu đến gần 2 tỷ euro. Thiệt hại đối với các doanh nghiệp Pháp là khoảng hơn 3 tỷ euro/năm.
Không những thế nguy cơ Brexit còn đe dọa tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên viên của Viện Peterson của Washington, dự báo rằng nếu nước Anh ra khỏi EU, đàm phán về TTIP sẽ “sụp đổ tan tành”, do có quá nhiều yếu tố vô định.
Theo đó, nếu phe chủ trương Brexit thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì đàm phán thương mại Âu - Mỹ sẽ bị đặt xuống hàng thứ yếu, đứng sau những vấn đề khẩn cấp hơn cần giải quyết, đặc biệt là mối quan hệ mới giữa nước Anh với EU.
Trong khi đó, sức nóng của cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh đã lan rộng ra bên ngoài “lục địa Già”, với lần lượt những ngân hàng trung ương lớn của thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), trong cuộc họp chính sách mới nhất của mình, đã tạm ngừng lộ trình thực hiện các chính sách tài chính để chờ đến khi “đám mây đen” mang tên Brexit qua đi.
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất được công bố hôm 14/6 cho thấy khoảng cách giữa số người ủng hộ nước Anh ở lại ngôi nhà chung EU và số người mong muốn kịch bản ngược lại (trước đây là hai con số) đã giảm xuống chỉ còn 1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, chiến dịch vận động của cả hai phe đã phải tạm dừng ngày 16/6 sau vụ nữ nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập Anh Jo Cox bị bắn chết khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri để vận động nước Anh ở lại, và thủ phạm được cho là người ủng hộ Brexit đang làm vấn đề này trở nên căng thẳng hơn.
Phương Nga tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)