tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung - Mỹ khó đảo chiều quan hệ trong chuyến thăm của ông Tập

  • Cập nhật : 23/09/2015

(Tin Kinh Te)

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa thể có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, do hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt.

quan he trung - my duoc du bao kho co dot pha thoi gian toi. anh minh hoa:scmp

Quan hệ Trung - Mỹ được dự báo khó có đột phá thời gian tới. Ảnh minh họa:SCMP

"Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ sau chuyến thăm không chính thức của ông Tập năm 2013. Washington đã nhận thấy cách hành xử của Bắc Kinh và lần này thì các nhà quan sát sẽ khó có thể tin cuộc gặp giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước", Tiến sĩ Denny Roy, chuyên gia tại Trung tâm Đông - Tây, Mỹ, trao đổi với VnExpress.

Hồi đầu tháng này, các hãng tin lớn dự đoán Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh do những cáo buộc về hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc.

Mỹ gần đây liên tiếp công khai cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các thông tin mật của các tập đoàn kinh tế lớn, của các quan chức thương mại và an ninh hàng đầu và cả cơ quan chính phủ Mỹ bằng hệ thống gián điệp mạng quy mô lớn. Hồi giữa năm ngoái, Washington còn phát lệnh truy nã 5 quan chức quân đội của Bắc Kinh do nghi dính líu tới mạng lưới này. Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc từ Mỹ.

"Các cuộc tấn công mạng hầu hết bị quy cho Trung Quốc đã đạt đến độ mà dư luận và Quốc hội Mỹ gây áp lực, yêu cầu chính quyền của ông Obama phải trả đũa. Nhiều người cho rằng Washington có thể tuyên bố lệnh trừng phạt với Bắc Kinh sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm", Giáo sư Andrew Nathan, Đại học Columbia nói.

Một điểm nóng khác trong quan hệ Trung - Mỹ liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù  tuyên bố không đứng về bên nào ở đây nhưng Washington càng ngày càng tỏ thái độ quan ngại sâu sắc và quan điểm không nhượng bộ với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từ đầu năm đến nay nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngừng gây hấn ở khu vực này, bằng cách dừng các hoạt động cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép. Ông Obama cũng kêu gọi Trung Quốc không dùng sức mạnh của nước lớn để chèn ép các nước nhỏ xung quanh nhằm thực hiện hóa yêu sách của mình ở Biển Đông. Bên cạnh việc đề nghị Bắc Kinh tuân thủ các cam kết đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, Washington còn điều máy bay đến gần khu vực các bãi đá mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa để tuần tra. 

"Tôi chắc rằng ông Obama sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn về việc Trung Quốc gia tăng cải tạo và xây dựng ở Biển Đông khi đón ông Tập. Cách hành xử của Bắc Kinh đang là nhân tố gây bất ổn nhất ở Đông Á hiện nay", Giáo sư Richard Bush, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á Brooking, đánh giá.

Tuy nhiên ông Denny Roy cho hay ông không lạc quan về mức độ Mỹ có thể "dấn thêm" để ngăn Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông vì Tổng thống Obama "có ít đòn bẩy". Kể cả Washington có điều tàu tuần tra vào gần các đảo nhân tạo thì cũng không giúp loại bỏ các đảo này và cũng không khiến Bắc Kinh ngừng cải tạo/xây dựng. Tiến sĩ Roy gợi ý Mỹ có thể dùng việc tuần tra mạnh bạo làm đòn bẩy để yêu cầu Trung Quốc giảm bớt quy mô kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

"Nhà Trắng rõ ràng đang quan tâm hơn về việc cố gắng không gây đối kháng với Bắc Kinh, trong khi quân đội Mỹ thì lại thêm lo ngại về những mối họa từ việc không cứng rắn trước sự hung hăng của Trung Quốc", ông Roy nói.

Các chuyên gia dự đoán, trong khi tổng thống Mỹ muốn thảo luận sâu hơn về hai vấn lớn nói trên trong cuộc hội đàm cấp cao thì chủ tịch Trung Quốc lại muốn lảng tránh. Ngược lại, ông Tập sẽ bày tỏ với ông Obama về việc muốn được "đối xử như một cường quốc quan trọng" trong khuôn khổ "mối quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn". Trung Quốc cũng sẽ muốn Mỹ chấp nhận việc đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chất vấn về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

"Thông điệp của ông Tập, điều ông đã nói rõ từ lâu, rằng Mỹ nên coi trọng Trung Quốc như một cường quốc đang lên, có những nhu cầu về an ninh. Vì thế Washington hãy giúp mang lại lợi ích quốc gia cốt lõi cho Bắc Kinh, thay vì dùng trí lực lỗi thời từ Chiến tranh lạnh để cản trở", Giáo sư Andrew Nathan nói.

Về phía Tổng thống Obama, ông có thể nhấn mạnh những việc Trung Quốc đang làm mâu thuẫn với cam kết trỗi dậy hòa bình và gây hại đến uy tín của chính Bắc Kinh. Ông Obama sẽ nỗ lực giữ cho quan hệ với Trung Quốc "không trở thành một cuộc khủng hoảng nữa", trong bối cảnh có nhiều mối quan ngại trên thế giới như ở Syria, Ukraine, Triều Tiên.

Điểm nhất trí duy nhất giữa ông Tập và ông Obama được giới quan sát cho là khả quan là Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Có thể hai bên sẽ ký kết trong dịp này nhờ những tiến triển đạt được gần đây. 

Nói đến triển vọng chung chuyến thăm của ông Tập, giới quan sát không lạc quan về những kết quả lớn.

"Tôi cho rằng cuộc gặp cấp cao này có ít hoặc không có tác động đến việc đảo chiều xu hướng tiêu cực trong quan hệ Mỹ - Trung", Tiến sĩ Roy nói.


Việt Anh
Theo VnExpress.net

Trở về

Bài cùng chuyên mục