Quốc hội Lào gần đây đã thông qua dự án xây dựng nhà máy thủy điện Don Sahong. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm 2015 này. Trên tạp chí The Diplomat, nghiên cứu sinh tiến sĩ luật quốc tế tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển (IHEID) và ĐH Geneva, Đỗ Việt Cường đã có bài phân tích khía cạnh pháp lý của dự án này.
Báo Thái Lan lên án gay gắt dự án xây đập của Lào trên dòng Mekong
- Cập nhật : 05/11/2015
(Tin kinh te)
Chính phủ Lào đang xúc tiến triển khai dự án xây đập thủy điện khổng lồ Don Sahong tại địa điểm gần biên giới với Thái Lan và Campuchia trong vài tuần tới, bất chấp phản đối của các nước láng giềng, theo bài viết đăng ngày 4.11 trên tờ Bangkok Post (Thái Lan).
Với đập Don Sahong, Lào muốn trở thành nhà xuất khẩu điện lớn cho các nước láng giềng, chủ yếu là Thái Lan, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tờ Straits Times (Singapore) cho biết ngành năng lượng và khai mỏ chiếm đến 17% GDP và gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của xứ Vạn Tượng.
“Người Thái rất sẵn lòng mua điện giá rẻ từ thủy điện Lào nhằm thay thế các dự án sản xuất năng lượng từ khí đốt”, Reuters dẫn lời ông Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lào, cho biết vào tuần trước.
Bangkok Post nhận định mặc dù Lào dự tính trở thành nhà xuất khẩu điện lớn trong khu vực với dự án thủy điện mới này, nhưng tác động trong tương lai gần và chắc chắn sẽ xảy ra từ con đập chính là việc nó sẽ ngăn chặn dòng chảy của sông gây ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và cả Lào ở một mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy.
Vientiane dự kiến sẽ gửi quan chức sang Hà Nội, Phnom Penh và Bangkok trong vài tuần tới để thông báo rằng dự án xây Don Sahong sẽ được bắt đầu trước tháng 12 năm nay.
Mặc dù chia sẻ chung dòng sông Mekong với Lào, nhưng không có quốc gia nào trong 3 nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan được hỏi ý kiến hay được mời tranh luận hay cung cấp giải pháp thay thế dự án gây tranh cãi dữ dội nói trên.
“Đây là cách Lào tiến hành chương trình xây đập ngay từ ban đầu. Và đây là một cách thức gây bức xúc”, tờ báo Thái Lan chỉ trích.
Một ngư dân Campuchia tung lưới đánh cá trên dòng sông Mekong, đoạn chảy ngang một khu vực ngoại ô thủ đô Phnom Penh - Ảnh: Reuters
Cũng theo tờ báo Thái, hình ảnh và lời kể từ khách tham quan công trình xây đập Xayaburi mới đây cho thấy con đập khổng lồ này đã làm thay đổi dòng sông, cũng như cuộc sống của người dân trong vùng, dù nó vẫn chưa được vận hành.
Bangkok Post còn khẳng định chính phủ Lào đã giữ bí mật về hoạt động xây đập Don Sahong cho đến tận thời gian gần đây.
Hồi tháng 6, cuộc đàm phán về đập Don Sahong giữa 4 nước thành viên Ủy hội Sông Mekong (MRC), gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
“Nhiều nước xem đây là một sự trì hoãn (đối với dự án xây đập), nhưng Lào không nghĩ vậy”, Bangkok Post bình luận.
“MRC đề xuất sẽ cố giải quyết bất đồng thông qua các kênh ngoại giao do đàm phán về Don Sahong thất bại. Lào lại xem tình huống này như là cái kết cho giai đoạn thảo luận và đã bắt đầu triển khai dự án. Đến tháng 8 vừa qua, Quốc hội Lào đã thông qua kế hoạch xây dựng đập”, tờ báo Thái cho hay.
Bangkok Post còn cho biết thêm rằng người dân Campuchia là những người gần như hứng chịu toàn bộ hậu quả tai hại của Don Sahong. Tốc độ cạn kiệt lượng cá hiện tại ở Biển Hồ, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, của Campuchia sẽ xảy ra nhanh hơn và luồng chảy sông Mekong sẽ bị thay đổi.
“Có thể sẽ có thêm điện được sản xuất từ các đập thủy điện, nhưng dường như vẫn chưa có một đồng thuận nào trong khu vực về việc bao nhiêu điện là đủ. Và thật thất vọng khi Lào sẽ cứ tiến hành toàn bộ chuyện này bất chấp sự phản đối trong vùng”, tờ báo Thái kết luận.