tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành lúa gạo Campuchia sẽ sụp đổ?

  • Cập nhật : 03/11/2015

(The gioi)

Thời tiết thất thường, cơ sở hạ tầng yếu kém và hoạt động quản lý kém hiệu quả là những cơ sở để các chuyên gia tiên đoán rằng ngành lúa gạo Campuchia có thể “sụp đổ” trong vòng một thập kỷ tới.

 

Trồng lúa là công việc chính của các làng mạc ở phía bắc Campuchia từ hàng ngàn năm nay, và trong suốt thời gian qua, có rất ít sự thay đổi trong cách thức trồng lúa mà người nông dân Campuchia áp dụng. Máy móc hầu như không có. Như những người dân trong làng, chị nông dân Kim Laysim ở thôn Ta Tong, tỉnh Preah Vihear vẫn trồng lúa như tổ tiên chị vẫn làm.

Hầu hết mọi người dân ở làng của Laysim ở trên đồng ruộng từ lúc gà gáy sáng cho đến khi mặt trời lặn, tra hạt giống xuống đất trước khi những cơn mưa của mùa mưa đến, làm cho hạt nảy mầm và cây lúa lớn lên, hút chất dinh dưỡng của đất. Nhưng năm nay thì khác. Laysim cho biết mưa năm nay quá ít và đến quá muộn.

“Tận cuối tháng 8 tôi mới gieo xong hạt lúa. Năm nay không có mưa, vậy nên việc gieo trồng rất muộn. Tôi đang lo rằng hạn hán thế này thì năng suất lúa của chúng tôi sẽ rất thấp”, chị cho biết. Một số khu vực dự kiến sản lượng sẽ giảm 50%.

Nếu Laysim sống ở Thái Lan hay Việt Nam thì cô sẽ không phải lo lắng như vậy. Những sự hỗ trợ của chính phủ, những khoản tiền chính phủ cho vay với lãi suất thấp và sự cải thiện cơ sở hạ tầng ngành lúa gạo đã tạo nên sự ổn định cho ngành lúa gạo ở các nước láng giềng này. Nhưng ở Campuchia thì không.

Mặc dù Vương quốc này vẫn tự hào về ngành lúa gạo, thậm chí nhiều năm liền được nhận giải thưởng quốc tế về loại gạo ngon nhất thế giới, nhưng chính phủ rất ít hỗ trợ cho ngành này. Song Saran, chủ tịch công ty Amru Rice, hãng xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, cho biết nếu thực trạng hiện nay không thay đổi, triển vọng ngành lúa gạo Campuchia sẽ rất bi đát.

“Chúng tôi đang gặp nguy hiểm. Lợi nhuận kinh doanh rất thấp, và đứng trước rất nhiều nguy cơ”, ông Song Saran cho biết. Và hầu hết các chuyên gia đều nhất trí với ý kiến này.

Gạo là lương thực quan trọng nhất thế giới – cung cấp khoảng 1/5 lượng calo cho nhân loại. Khoảng một nửa người dân Campuchia phụ thuộc vào ngành lúa gạo.

Theo chuyên gia Chanthou Hem của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc Campuchia là một trong 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là một thành tích đáng kinh ngạc, bởi nước này thiếu “những hệ thống cần thiết cho việc sản xuất lúa gạo, thiếu cả hạ tầng cơ sở, máy móc sau thu hoạch….và mối liên hệ giữa nhà sản xuất hạt giống, người trồng lúa và nhà chế biến rất lỏng lẻo, mà mối liên hệ đó chính là mấu chốt để xây dựng một hệ thống kinh doanh an toàn và hiệu quả”.

Lĩnh vực tư nhân đã đầu tư hàng triệu USD để giúp cải thiện ngành lúa gạo nước nhà. Kann Kunthy, Giám đốc điều hành của Brico, một nhóm các nhà đầu tư đang nỗ lực cải thiện lĩnh vực lúa gạo ở tỉnh Battambang - khu vực trồng lúa chính của Campuchia, cho biết chính phủ gần như bỏ quên ngành này.

“Họ luôn nói rằng họ đang nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng họ nói vậy đã khoảng 5 hay 10 năm nay rồi. Họ không biết rằng chúng tôi dang cần những hệ thống tưới tiêu nước tốt hơn? Vậy các Bộ đang làm gì?”, ông Kann Kunthy nói.

Lúa gạo là một ngành kinh doanh có rủi ro lớn, ngay cả khi thời tiết ổn định. Câu chuyện của Laysim là một ví dụ. Năm ngoái gia đình cô thu hoạch 15 tấn gạo nhưng chỉ bán được 11 tấn. Giống như hầu hết các nông dân khác, cô sử dụng hạt giống của chính mình hoặc mua của ai đó theo lựa chọn của cô, không biết thị trường đang cần gì. Châu Âu đang hướng tới việc chỉ nhập khẩu gạo chất lượng cao và gạo Campuchia có lợi thế này bởi họ gieo trồng một cách tự nhiên và rất ít sử dụng phân bón. Tuy nhiên, các hộ nông dân nhỏ lẻ ở Campuchia không biết điều này vẫn tự lựa chọn hạt giống, nên nhiều khi sử dụng hạt giống có chất lượng không tốt.

Với việc bán lúa gạo không thuận lợi, Laysim đã phải vay 3.000 USD để mua hạt giống cho vụ mùa năm nay, mặc dù không muốn vậy. Nhiều nông dân đã từng rất khó khăn trong việc thanh toán các khoản tiền đã vay sau khi bị hạn hán, lũ lụt hoặc những thiên tai khác rất thường xuyên xảy ra làm giảm năng suất lúa.

"Sẽ rất khó có thể thanh toán các khoản tiền vay vì lãi suất quá cao, nhưng tôi làm gì có lựa chọn nào khác?” Laysim chia sẻ.

Họ không được nhận những khoản cho vay từ chính phủ với lãi suất thấp hoặc lãi suất bằng 0% như ở Thái Lan và Việt Nam.

Ở Campuchia có một mạng lưới cho vay nặng lãi, sống nhờ những hộ nông dân quy mô nhỏ, lợi dụng những tình huống bế tắc của họ, nhất là sau thiên tai. Một số người phải vay với lãi suất 100%. Nếu người vay tiền không thể trả những khoản đó thì chỉ còn cách bỏ làng ra đi. Đầu năm nay đã có hơn 700.000 người dân Campuchia phải di cư sang Thái Lan sống với visa tạm trú. Hàng trăm nghìn người khác đang sống bất hợp pháp ở đất bạn.

Kheang Kimlean, chủ một nhà náy chuyên cung cấp gạo cho thị trường nội địa ở miền tây bắc Campuchia cho biết, bà đang phải rất khó khăn trong việc thu gom lúa để duy trì công suất xay xát 15 tấn mỗi ngày. “Một nửa số khách hàng của tôi đã chuyển sang tìm nguồn gạo Thái Lan”, Kimlean cho biết.

Bởi nông dân bỏ ruộng sang Thái Lan làm việc nên tổng diện tích đất trồng lúa đã giảm đáng kể - giảm trên 12% trong vòng chưa đầy 10 năm qua, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Điều này trái ngược hẳn với kế hoạch của Chính phủ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi đắc cử năm 2010 đã tuyên bố mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo/năm vào năm 2015.

Khoảng 379.000 tấn gạo được xuất khẩu năm 2013, nhích lên 387.000 tấn năm 2014, tức là chỉ tăng 2,2%. Theo Saran, nếu Chính phủ cung cấp các khoản cho nông dân vay và xây dựng hệ thống tưới tiêu nước thì mục tiêu của ông Hun Sen đã không trở nên “thiếu cơ sở” như vậy.

Nhưng theo Saran, đó không phải là khó khăn duy nhất của ngành lúa gạo. Cả chuỗi sản xuất quá đắt đỏ. “Chi phí sản xuất cao là vấn đề chính của chúng tôi”.

Saran tham giavào việc kinh doanh của gia đình từ năm 2010. Hồi đó, Amru xuất khẩu hai container gạo mỗi tuần sang EU. Hiện công ty có hơn 250 nhân công và xuất khẩu 1.500 đến 2.000 tấn mỗi tuần. Giống như những công ty tư nhân khác, Amru đã đầu tư hàng triệu USD vào các nhà máy và thiết bị sấy khô lúa. Điều này rất đáng khích lệ, nhưng chỉ mình lĩnh vực tư nhân thì không thể gánh vác trách nhiệm nổi cho cả một ngành kinh tế.

Ở Việt Nam và Thái Lan, các nhà máy xay xát chi trả không quá 10 US cent cho mỗi kilowatt điện. Nhưng ở Campuchia, số tiền nhiều gấp đôi. Việc vận chuyển cũng rất khó khăn và phức tạp. Do đường xấu, nhiều ổ gà nên vận chuyển gạo bằng xe tải từ trang trại đến nhà máy ở Campuchia có chi phí khoảng 10 USD/tấn. Ở Việt Nam, nơi có hệ thống đường sắt, chi phí chỉ khoảng 3 USD.

Vẫn theo hành trình của hạt lúa, chi phí trung bình mất thêm khoảng 25 USD nữa cho mỗi tấn gạo tới cảng Sihanoukville, từ đó vận chuyển tới các cảng biển lớn hơn ở TP HCM, trước khi xuất khẩu sang châu Âu và những thị trường xa hơn.

“Mọi quốc gia đều hỗ trợ ngành lúa gạo và đều dành cho ngành những ưu đãi, nhưng chúng tôi chỉ ưu đãi trên giấy tờ chứ không hành động”, Saran nói.

Không chỉ có vậy, hạt gạo còn chịu nhiều áp lực khách quan. Là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, Campuchia có thể xuất khẩu gạo miễn thuế theo chương trình ưu đãi thương mại EBA của EU (mọi mặt hàng trừ vũ khí). EBA cho phép Campuchia xuất khẩu không quá 300.000 tấn gạo miễn thuế (chiếm khoảng 22% tổng nhập khẩu gạo của EU). Tuy nhiên, có nguy cơ giới hạn này sẽ bị giảm xuống sau khi EU đạt được Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, theo đó sẽ nhập khẩu miễn thuế 76.000 tấn gạo Việt mỗi năm. Myanmar, hiện còn đi sau Campuchia khoảng 5 năm trong lĩnh vực gạo, song dự báo cũng sẽ sớm bắt kịp.

Các thị trường mới như Trung Quốc và Malaysia có thể là giải pháp mới. Tuy nhiên, các hợp đồng giữa 2 nước đòi hỏi phải có sự bảo lãnh của chính phủ. Năm ngoái, các nhà xuất khẩu Campuchia đã tham gia vào hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo ký với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang yêu cầu mua gạo với giá rẻ hơn. Điều này cuối cùng lại dẫn tới vấn đề ngành gạo Campuchia phải tăng sức cạnh tranh thêm nữa.

Chính phủ Campuchia cũng đã thừa nhận thiếu sót của mình. Hồi tháng 5 năm ngoái, Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) đã được thành lập, là một nhóm các chuyên gia có nhiệm vụ thúc đẩy năng suất và xuất khẩu. Nhưng họ dường như chưa có bất kỳ một hành động cụ thể nào. Hồi tháng Giêng năm nay, khi trả lời phỏng vấn của Campuchia Daily, CFR cho biết họ vẫn đang phải chật vật để vượt qua “những thách thức bên trong và từ bên ngoài”. Khi phóng viên của Southeast Asia Globe hỏi về những thành tựu của Liên đoàn từ khi thành lập tới nay, tức là đã qua 17 tháng, tỏng thư ký của CFR Moul Sarith nói: “Nhưng …chúng tôi chỉ làm việc trong một thời gian ngắn,” trước khi từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào khác.

Nếu mọi việc vẫn diễn tiến như hiện tại, ông Saran cho biết tương lai của ngành lúa gạo Campuchia sẽ rất ảm đạm. “Trong vòng 7 năm”, khi các quốc gia khác đã đẩy mạnh được sản xuất Hiệp định tự do thương mại của Việt Nam với EU hoàn toàn có hiệu lực, “ngành (lúa gạo Campuchia) sẽ sụp đổ”.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục