tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành nông nghiệp Nhật có “gục ngã” thời kỳ hậu TPP?

  • Cập nhật : 06/11/2015

(The gioi)

Cho đến nay, người Nhật thực ra có nhiều lý do để lo lắng cho ngành nông nghiệp của họ bởi năng suất lao động thấp so với nhiều nước phát triển khác, tỷ lệ người bỏ nghề cao và đang được “bao bọc” quá kỹ bởi chính phủ.

 

Sự “run sợ” trước thềm TPP

Tiết trời cuối tháng 7 nóng nực không ngăn được 1.500 người nông dân tụ tập trước tòa nhà Quốc hội Nhật ở Tokyo. Họ kêu gọi chính phủ hãy bảo vệ 5 sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Nhật ngay cả sau khi đã gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong quá trình đàm phán TPP, phía Nhật đã luôn cố gắng giữ mức thuế quan đối với 5 mặt hàng “nhạy cảm” bao gồm gạo, bột mì, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm sữa để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa khỏi sự tấn công ồ ạt của hàng nhập khẩu giá rẻ.

Để trấn an những người biểu tình, ông Kazuhisa Shibuya, thành viênNội các Nhật và đồng thời cũng là thành viên nhóm đàm phán TPP của chính phủ Nhật, tuyên bố: “Chính phủ Nhật chưa bao giờ quên nghị quyết với nội dung bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Nhật được đưa ra vào tháng 4/2013.”

Trên thực tế không phải đến năm nay mới có nhiều cuộc biểu tình tại Nhật mà suốt từ năm 2010 đã có rất nhiều các cuộc biểu tình tại nhiều địa phương của Nhật, thu hút sự tham gia của hàng nghìn nông dân.

Trong nhóm nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Nhật là một trong những nước bị hứng chịu nhiều chỉ trích nhất về những chính sách bảo hộ cho ngành nông nghiệp.

Xét về giá trị kinh tế, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2013, ngành nông nghiệp Nhật đóng góp chỉ 1,2% GDP nhưng lại cần sự đầu tư tương đương 1,1% GDP. Nói cách khác, kinh tế Nhật được hưởng lợi rất ít từ ngành nông nghiệp.

Tại sao Nhật kiên quyết bảo hộ ngành nông nghiệp?

Các sản phẩm nông nghiệp Nhật, đặc biệt 5 sản phẩm chủ chốt được bảo hộ chặt chẽ suốt nhiều thập kỷ qua. Ví như mức thuế nhập khẩu gạo bị áp lên đến gần 800%. Theo chính trị gia và một số nhà vận động hành lang Nhật, nhiều người tiêu dùng Nhật dù biết thừa rằng chính sách bảo hộ quá mức sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng có ít lựa chọn và có khi phải sử dụng sản phẩm giá cao, thế nhưng họ đặc biệt sợ các sản phẩm nhập khẩu có thể bị nhiễm độc hoặc mang theo mầm bệnh. Sự lo sợ về an ninh lương thực đặc biệt cao đối với sản phẩm gạo.

Với sự bảo hộ cao như vậy, sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Nhật ở mức nào? Cũng theo WTO, so với sự phát triển vượt bậc của các ngành khác tại Nhật, năng suất lao động của ngành nông nghiệp Nhật ở mức thấp. Hơn nữa, tỷ lệ lao động gắn bó với ngành cũng rất thấp. Một thống kê của Bộ Nông nghiệp Nhật công bố năm 2014 cho thấy tỷ lệ lao động toàn thời gian trong ngành nông nghiệp Nhật chỉ là 15%. Những nông dân còn lại chủ yếu làm đến 2 nghề mới đủ sống.

Ngoài lý do trên, Nhật bảo hộ cao cho ngành nông nghiệp còn là bởi nước này muốn tăng cường tự chủ về nguồn cung thực phẩm. So với nhiều nước khác trên thế giới, Nhật là nước có công nghệ nông nghiệp phát triển nhưng tỷ lệ nhập khẩu thực phẩm của nước này cũng tăng chóng mặt.

Hiện nay, tỷ lệ tự cung cấp với sản phẩm gạo, trứng, cam quýt của Nhật ở mức trên 90%, tuy nhiên đối với nhiều sản phẩm như đậu tương hay dầu ăn, tỷ lệ tự cung cấp rất thấp. Đối với sản phẩm thịt, hơn 50% thịt được tiêu thụ tại Nhật đến từ nguồn nhập khẩu.

Tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm của Nhật tính theo hàm lượng calor ở mức chỉ khoảng 40%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới. Trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, Úc đứng đầu với tỷ lệ 237%, Mỹ 128%, Pháp 122%. Nhóm nước có tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm thấp bao gồm Thụy Sỹ 49% và Hàn Quốc khoảng 47%.

Với tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm thấp như vậy, nếu không có các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ chắc chắn rằng các sản phẩm nông nghiệp của Nhật sẽ gần như không thể cạnh tranh nổi, thậm chí mất hết thị phần vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Trên thực tế, Nhật từng có thời kỳ tự chủ được phần lớn nguồn thực phẩm cho mình. Năm 1960, tỷ lệ tự chủ về nguồn cung thực phẩm của Nhật đạt 79%. Thế nhưng tỷ lệ này đã giảm liên tục trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là việc người Nhật thay đổi thói quen ăn uống sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Theo giáo sư nông nghiệp Shinichi Shogenji thuộc đại học Tokyo, sở thích ăn uống của người Nhật thay đổi mạnh mẽ trong nhiều thập niên gần đây. Cụ thể từ năm 1955 đến năm 2005, tỷ lệ tiêu thụ thịt tăng 9 lần còn tỷ lệ sử dụng dầu ăn tăng 5 lần. Xu thế đó tiếp diễn cho đến hiện tại.

Cho đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Nhật chủ yếu ăn cá, rau và súp miso. Thế nhưng khi thu nhập tăng cao sau Chiến tranh Thế giới và việc văn hóa phương Tây du nhập mạnh mẽ vào Nhật, cách ăn uống của người Nhật thay đổi chóng mặt.

Vậy Nhật sẽ tăng tỷ lệ tự chủ nguồn cung thực phẩm bằng cách nào? Tháng 3/2000, chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu tự cung 45% thực phẩm vào năm 2010 thế nhưng khi vướng phải quá nhiều khó khăn, mục tiêu này đã bị lùi lại đến năm 2015.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy mục tiêu này của chính phủ Nhật tiếp tục thất bại bởi tỷ lệ tự chủ nguồn cung thực phẩm của Nhật hiện vẫn chỉ ở mức 39%, không có chút cải thiện nào sau nhiều năm. Chính vì vậy, trong các vòng đàm phán TPP mới đây, chính phủ Nhật đã cương quyết giữ quan điểm chỉ giở bỏ thuế quan trong lĩnh vực nông nghiệp theo lộ trình khá dài.

Cụ thể, mức thuế 778% với gạo sẽ được giữ nguyên, nhưng hạn ngạch nhập khẩu gạo áp dụng với Mỹ và Canada sẽ được tăng gấp 10 lần. Điều này được cho là sẽ khiến giá gạo Nhật tại thị trường trong nước sụt giảm thê thảm. Để hỗ trợ cho nông dân, chính phủ đã cam kết sẽ tăng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.

Thuế nhập khẩu áp với thịt bò được giảm từ 38,5% xuống 9% trong lộ trình 15 năm. Thuế với thịt lợn cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Hiện Nhật đang nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, Canada và Mêhicô. Thuế đối với các sản phẩm sữa cũng sẽ được điều chỉnh giảm.

Nếu ngành nông nghiệp Nhật quá khó khăn sau khi gia nhập TPP và tỷ lệ nông dân bỏ nghề tăng cao hơn, nhiều khả năng các biện pháp bảo hộ sẽ được tăng cường dưới nhiều hình thức.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục