CNN ngày 18-2 đưa tin cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ năm nhân viên của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc nghi tham gia rửa tiền trên khắp châu Âu.
Sức ép đầu tư tài chính có trách nhiệm
- Cập nhật : 05/11/2015
(Tai chinh)
Thảm họa khói mù ở Indonesia đã thúc đẩy các ngân hàng Singapore áp dụng các nguyên tắc về đầu tư tài chính có trách nhiệm để phát triển bền vững.
Ngày 8-10-2015, Hiệp hội các ngân hàng ở Singapore (ABS), đại diện cho 158 ngân hàng quốc tế và ba ngân hàng địa phương lớn nhất (DBS, UOB và OCBC) đã phát hành một loạt hướng dẫn nhằm sắp xếp các hoạt động của ngành tài chính để hỗ trợ phát triển bền vững. ABS tuyên bố: “Phát triển vô trách nhiệm, thực hành kinh doanh và thương mại không bền vững có tác động xấu đến con người và môi trường. Các tổ chức tài chính có một vai trò quan trọng trong việc định hình và mong đợi những hành động có trách nhiệm của các nhân viên và khách hàng của họ”.
Động thái này khởi đầu từ việc ABS thức tỉnh trước thảm họa khói mù tồi tệ nhất đang xảy ra tại Đông Nam Á (các chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kỷ lục buộc các trường học phải đóng cửa, các chuyến bay bị hủy bỏ và thậm chí gây thiệt mạng người dân trong khu vực). Thảm họa cũng đã thúc đẩy lời kêu gọi của công chúng Singapore đề nghị các ngân hàng cần hành xử có trách nhiệm hơn, đặc biệt là những ngân hàng có kết nối với các công ty có hoạt động kinh doanh liên quan đến rừng tại Indonesia. ABS sẽ tiếp tục làm việc với các nhà quản lý, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề và xu hướng của ESG cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực và phát triển kỹ năng cho các ngân hàng thuộc hiệp hội.
ESG được phát triển dựa trên một bộ sáu nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm (Principles for Responsible Investment - PRI), bao gồm các chỉ số đo lường tính bền vững và tác động đạo đức của hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp hoặc dự án, tập trung vào các mối quan tâm như: giảm phát thải khí nhà kính, chống phá rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiêu chuẩn lao động, sự liêm chính của doanh nghiệp và quản lý rủi ro.
Cho đến nay, chỉ có bốn ngân hàng lớn ở Indonesia, Malaysia và Singapore đã tích hợp các yếu tố môi trường như là một phần của quá trình thẩm định tín dụng của họ. Các ngân hàng trong khu vực nói chung đáp ứng các tiêu chí ESG một cách yếu kém, theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Bà Jeanne Stampe, chuyên gia tài chính của WWF, cho rằng động thái của ABS rất phù hợp với vai trò lãnh đạo của Singapore trong vấn đề công nghệ xanh, trong phát triển bền vững nói chung, trong vị thế là nơi tốt nhất và an toàn nhất thế giới cho các ngân hàng.
Có thể thấy, việc tích hợp ESG như là các tiêu chí cho vay hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp hoặc vào các dự án sẽ giúp các nhà tài trợ vốn giảm thiểu rủi ro tín dụng do các tác động môi trường, xã hội hay quản trị doanh nghiệp từ việc cho vay hoặc đầu tư này, bên cạnh các tiêu chí có tính chất truyền thống về khả thi kỹ thuật và tài chính. Tất nhiên, việc áp dụng ESG đòi hỏi các doanh nghiệp hoặc các dự án cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn, có thể điều này sẽ gây khó khăn cho người cần vốn, nhưng nhìn nhận tổng thể, nó sẽ đem lại lợi ích đồng thời cho người cần vốn và nhà tài trợ vốn, khi các rủi ro đều được nhận diện và kiểm soát chặt chẽ.
Ngày 24-3-2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đây là một trong những hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20-3-2014). Theo chỉ thị này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng về vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh...
Tuy vậy, việc cam kết áp dụng các nguyên tắc PRI tại Việt Nam là cực kỳ hạn chế, hiện mới chỉ có duy nhất tập đoàn Quản lý quỹ Dragon Capital là đơn vị ký cam kết áp dụng PRI trong tổng số 1.380 tổ chức trên toàn thế giới ký cam kết. Tổng tài sản do 1.380 tổ chức này quản lý có giá trị khoảng 59.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương 76% GDP toàn cầu năm 2014, cho thấy quy mô ảnh hưởng của những tổ chức cam kết áp dụng các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm lớn thế nào. Việc phát triển PRI thành các tiêu chí ESG để áp dụng tại Việt Nam đang rất hiếm hoi tại các ngân hàng trong nước, mặc dù Chỉ thị số 03/CT-NHNN đã được ban hành.
Liên tưởng đến hành động quyết liệt có tính lịch sử của ABS về việc áp dụng ESG như là một giải pháp đóng góp vào việc ngăn ngừa và giảm thiểu khói mù, các ngân hàng ở Việt Nam cũng đã đến lúc bắt đầu tuân theo những chuẩn mực quốc tế về ESG. Đó là cách tốt nhất để kiểm soát nguồn vốn cho vay một cách an toàn và bền vững, thúc đẩy hoạt động đầu tư có trách nhiệm tại Việt Nam.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)