Triển vọng phục hồi của kinh tế Nhật Bản vẫn trở nên xa vời ngay cả khi 3 mũi tên của Abenomics đã được bắn ra.
Nông dân Nhật trước trận chiến giảm thuế sống còn
- Cập nhật : 06/11/2015
(The gioi)
Tham gia TPP có nghĩa nông phẩm nước này sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, như Mỹ, Australia và New Zealand.
Ngành nông nghiệp Nhật đang đối mặt với thách thức một khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Tuy nhiên, rủi ro cũng có thể trở thành cơ hội hồi sinh ngành sản xuất này, Nikkei nhận xét.
TPP vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội 12 nước. Tuy nhiên, hiệp định bao phủ rất nhiều lĩnh vực, từ bảo hộ sở hữu trí tuệ đến bảo vệ môi trường. Nếu mọi thứ suôn sẻ, thế giới sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của một khối kinh tế khổng lồ hứa hẹn tạo ra trật tự thương mại toàn cầu mới.
Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do không phải là phép thần với mọi ngành ở Nhật. Nông nghiệp là một ví dụ. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải dỡ bỏ một số biện pháp bảo hộ thị trường gạo, giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm, đồng thời thuế nhập khẩu thịt lợn cũng bị hạ thấp.Thuế nhập khẩu gạo vẫn được duy trì ở mức rất cao - 778%, nhưng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Mỹ và Australia sẽ lên 850.000 tấn một năm. Con số này tương đương 10% tiêu thụ hàng năm. Nhật Bản cũng sẽ phải nâng hạn ngạch nhập khẩu với các sản phẩm từ sữa, như bơ hay sữa bột tách béo, Wall Street Journal cho biết.
Và cũng chính vì thế, tương lai ngành nông nghiệp sau TPP đang là chủ đề gây tranh cãi rất lớn tại Nhật Bản. Quan điểm phổ biến rằng nông dân nước này không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài đã khiến Chính phủ Nhật Bản trước giờ vẫn ngần ngại mở cửa thị trường nông nghiệp trong nước. Đây cũng chính là điểm gây bế tắc khi Nhật Bản đàm phán TPP với các nước có quy mô ngành nông nghiệp lớn.
Tuy nhiên, TPP đã kết thúc thành công. Điều này cũng có nghĩa Nhật Bản sẽ phải mở cửa hợp tác với các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, như Mỹ, Australia và New Zealand.
Khi thuế nhập khẩu giảm xuống, rất nhiều người tiêu dùng và nhà hàng Nhật Bản sẽ vui mừng, do họ có thể mua thực phẩm nước ngoài với giá rẻ hơn hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng có nghĩa thách thức cho ngành nông nghiệp cũng tăng lên. Câu hỏi đặt ra hiện tại là làm thế nào nông dân nước này có thể chống chọi với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ.
"Chúng ta sẽ phải biến TPP thành một cơ hội, chứ không phải một cuộc khủng hoảng", Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe hôm qua cho biết.
Dù vậy, nói dĩ nhiên dễ hơn làm. Rất nhiều ví dụ có thể chứng minh được điều này. Sau khi ký Hiệp ước chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), Tokyo đã chi rất nhiều tiền để xoa dịu nông dân mà chẳng có kết quả. Từ năm 1993, Nhật Bản đã bỏ ra hơn 6.000 tỷ yen (49,4 tỷ USD) trong 6 năm để giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực mà nông dân nước này có thể phải đối mặt vì GATT, khi cho phép mở cửa thị trường gạo.
Chính phủ liên minh làm việc này do lo ngại mất phiếu bầu từ các nông dân. Vì quyết định vội vã, họ đã thực hiện kế hoạch mà không tính toán kỹ thực chất số tiền cần là bao nhiêu.
Hệ quả là, rất nhiều cơ sở đắt đỏ đã được xây dựng. Trong đó có hai nhà kính bỏ hoang trên một thung lũng phía bắc Kyoto. Mỗi nhà kính này tiêu tốn 100 triệu yen, nhưng vẫn chưa được sử dụng. "Họ đã tiêu quá nhiều cho những thứ không cần thiết", một nông dân cho biết. Cũng theo chương trình này, rất nhiều cơ sở khác trên khắp Nhật Bản cũng mọc lên với chi phí tốn kém, để rồi lại bị bỏ hoang và xuống cấp.
Ngày nay, Nhật Bản có thể rút ra bài học từ những sự việc này khi đề ra kế hoạch hỗ trợ nông dân chống lại ảnh hưởng của TPP. Họ có thể mở rộng diện tích trồng trọt và giảm lãi suất, tăng chủng loại để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hoặc đẩy cao giá trị gia tăng thông qua khâu chế biến.
Dù vậy, cũng có nhiều người tỏ ra tự tin trước TPP. "Tôi hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ ổn cả thôi, miễn là giữ được khách hàng trung thành", Yasuhiro Ono – chủ một trang trại gia súc tại Tokachi (Hokkaido, Nhật Bản) cho biết.
Từ khi đàm phán TPP bắt đầu diễn ra, Ono đã nỗ lực tuyên truyền về trang trại của mình cho người tiêu dùng. Năm ngoái, ông cũng mở một nhà hàng nữa. Nơi này có 32 chỗ ngồi và chỉ phục vụ bữa trưa. Nhưng năm ngoái, họ cũng có tới 10.000 lượt khách.
Quan điểm về cạnh tranh toàn cầu của Ono đã thay đổi khi trong một lần thực tập, ông tận mắt chứng kiến cách một trang trại gia súc lớn ở Australia được điều hành. Từ đó, ông đã tin rằng mình có thể cạnh tranh với các trang trại của đối thủ. Quay về Nhật Bản, ông bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Đàn gia súc đã tăng từ 70 thời đó lên 4.000 ngày nay.
Một số nông dân Nhật Bản cũng đang tìm cách tận dụng thị trường xuất khẩu. Niigata Yuuki – một tập đoàn sản xuất gạo tại Niigata đã xuất khẩu số lượng lớn từ năm ngoái. Một khi TPP có hiệu lực, các loại thuế nhập khẩu nông sản khác cũng sẽ giảm xuống. Việc này sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các hãng sản xuất nông phẩm như Niigata Yuuki. Chủ tịch công ty này – ông Masashi Sato cũng chuẩn bị tới Singapore để bàn bạc hợp tác.
Tuy vậy, hơn 60% nông dân Nhật Bản hiện ở độ tuổi trên 60. Khi họ nghỉ hưu, khả năng đất nông nghiệp Nhật Bản bị bỏ hoang là rất cao. Việc tiếp tục các chính sách trợ giá truyền thống để duy trì thế cân bằng sẽ không còn tác dụng nữa. Chính phủ Nhật Bản đang được kỳ vọng hỗ trợ những nông dân sẵn sàng tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu, và biến TPP thành chất xúc tác với ngành nông nghiệp nước này.