tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lào xây đập thủy điện mới trên sông Mekong: Không ổn về pháp lý

  • Cập nhật : 07/11/2015

(Tin kinh te)

Quốc hội Lào gần đây đã thông qua dự án xây dựng nhà máy thủy điện Don Sahong. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm 2015 này. Trên tạp chí The Diplomat, nghiên cứu sinh tiến sĩ luật quốc tế tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển (IHEID) và ĐH Geneva, Đỗ Việt Cường đã có bài phân tích khía cạnh pháp lý của dự án này.

khu vuc lao dinh xay dung dap don sahong

Khu vực Lào định xây dựng đập Don Sahong

 

Việc Lào xây đập mới trên sông Mekong, đang gây ra những tranh cãi về vấn đề pháp lý xung quanh những ảnh hưởng trực tiếp tới các nước tiểu vùng sông Mekong.
 
Lào nhấn mạnh rằng họ có quyền hợp pháp để sử dụng nguồn nước đi ngang qua lãnh thổ của mình nhằm xây dựng nhà máy điện. Là một đất nước có nhiều dòng sông, Lào có nhiều lựa chọn để đa dạng nguồn năng lượng của mình.
 
Dự án thủy điện Don Sahong (có công suất 260 MW) là một phần trong kế hoạch của chính phủ Lào biến nước này thành "nguồn năng lượng của Đông Nam Á", kế hoạch giúp Lào có thể xuất khẩu điện dư thừa cho các nước láng giềng.
 
Chính phủ Lào cho rằng chương trình xây dựng thủy điện sẽ giúp nước này thu được nhiều ngoại tệ, chống đói nghèo, từ đó có thể giúp đất nước phát triển kinh tế một cách bền vững.
 
Về mặt pháp lý, các con sông trong lãnh thổ một quốc gia được xem là chủ quyền của nước đó, từ đó Lào có thể toàn quyền sử dụng "tài sản" của mình.
 
Theo điều 2 khoản 1 của Hiến chương về các quyền kinh tế và nghĩa vụ của các quốc gia, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1974 có quy định rằng: "Mỗi quốc gia sẽ được tự do thực hiện chủ quyền đầy đủ vĩnh viễn, gồm sở hữu, sử dụng và bố trí, tất cả các của cải, tài nguyên thiên nhiên và hoạt động kinh tế".
 
Trong khi công nhận quyền sử dụng nước để phát triển kinh tế của Lào là chính đáng, 3 nước láng giềng của nước này ở hạ nguồn sông Mekong (Việt Nam - Thái Lan - Campuchia) cùng với nhiều nhóm hoạt động vì môi trường đã kêu gọi Lào hủy bỏ dự án thủy điện Don Sahong nhằm bảo vệ hệ sinh thái của sông Mekong và người dân trong khu vực.
 
Đập Don Sahong nằm trong một khu vực quan trọng và có hệ sinh thái cực kỳ độc đáo trên dòng Mekong. Theo các nhà khoa học, dự án thủy điện của Lào sẽ làm thay đổi dòng chảy, phá hủy môi trường sống của cá gây thiệt hại nặng cho các nước hạ nguồn sông Mekong.
 
Cả Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều bị ràng buộc bởi Hiệp định Mekong 1995. Do đó, nguyên tắc không gây hại trong điều 7 của hiệp định này có thể được lấy làm chứng lý để các bên buộc Lào không xây dựng dự án thủy điện của mình nữa.
 
Trước đó, đã có tiền lệ phân xử của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về kênh Corfu năm 1949 như sau: "Nghĩa vụ của mọi nhà nước là không được cố ý dùng lãnh thổ của mình để tạo ra các hành vi sai trái với quyền lợi của các quốc gia khác".
 
Tuy nhiên, nguyên tắc không gây hại không phải là một nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo, và nó cũng không cấm tuyệt đối các tác hại xuyên biên giới do khai thác tài nguyên thiên nhiên gây nên, nhất là khi Lào xây đập mới trên sông Mekong đã có báo cáo tác động môi trường.
 
Nhưng trong trường hợp của dự án thủy điện trên sông Don Sahong, các nước thuộc hạ du của con sông và các nhà hoạt động môi trường lo ngại về đánh giá tác động môi trường mà phía Lào đưa ra không thể hiện đúng thực tế.
 
Theo tổ chức môi trường Sông ngòi Quốc tế, đánh giá tác động môi trường năm 2013 của đập thủy điện Don Sahong có nhiều lỗ hổng rất nguy hiểm và không chính xác, khiến cho độ tin cậy của báo cáo này bị thách thức nghiêm trọng.
 
Ngoài vấn đề môi trường, nhiều nhóm hoạt động nhân quyền chỉ trích dự án đập Don Sahong sẽ gây nguy hại cho an ninh lương thực của hàng chục triệu người dân sống ở vùng hạ du, đặc biệt là tại Biển Hồ của Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long  của Việt Nam.
 
(Lược dịch từ bài Is Laos Building a New Illegal Dam on the Mekong River? đăng trên tờ The Diplomat (Nhật Bản).

(Theo Một Thế giới)

Trở về

Bài cùng chuyên mục