USD mạnh lên khi Trung Quốc phá giá NDT sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Mỹ và nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của nước này.
Nga mang về nghìn tỷ ruble nhờ cắt giảm lượng dầu mỏ
- Cập nhật : 07/10/2017
Từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ đã được các nước ký kết hồi năm 2016, Nga thu về khoảng 700-1.000 tỷ ruble.
Đó là con số được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak công bố, ngày 7/10.
Nếu giá “vàng đen” hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì hoặc ít nhất không rơi xuống dưới 50 USD/thùng, thì Nga có thể kỳ vọng vào khoản tiền nhiều như thế trong năm 2018.
Theo ông Novak, vào tháng 9/2017, Moskva đã giảm khai thác “vàng đen” gần 350.000 thùng dầu và vượt mức cam kết cắt giảm của mình trong thỏa thuận cắt giảm. Nếu lấy mức giá trung bình của dầu Brent biển Bắc trong quý I/2017 là 51,8 USD/thùng thì giá đó vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.Trong năm nay, giá dầu đã tăng từ 15 đến 20 USD/thùng và các biến động cũng giảm đáng kể. Trong tháng 6 vừa qua, giá dầu giảm xuống còn 50 USD/thùng, nhưng nguy cơ giá dầu "lao dốc" xuống còn 27 USD/thùng như hồi tháng 1/2016 đã không xảy ra.
Trong khi đó, bà Anna Kokoreva - Phó Giám đốc bộ phận phân tích "Alpari" cho rằng, 1.000 tỷ rúp tương đương 7% nguồn thu của ngân sách Nga năm 2017, hoàn toàn đủ chi trả cho ngành y tế (362 tỷ ruble) và giáo dục (415 tỷ ruble), với số tiền còn lại sẽ được dùng để trang trải thêm trong lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có lương hưu.
Theo bà Kokoreva, 1.000 tỷ ruble bổ sung là rất cần thiết để san sẻ gánh nặng tài chính cho Ngân hàng trung ương Nga hiện đang phải oằn mình chi một số tiền rất lớn để khôi phục các tổ chức tín dụng gặp khó khăn mà đang tăng lên từng ngày.
Điều này rất lạ bởi vì cho đến nay, không có bất cứ quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hay các nước khai thác dầu mỏ ngoài OPEC tham gia hiệp định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ đã ký kết năm 2016 công bố tổng số tiền mà nền kinh tế của họ thu được nhờ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Tuy rằng, mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cũng cho hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ dự kiến kết thúc vào tháng 6, sẽ được gia hạn trong suốt năm nay, hoặc thậm chí sang năm 2018.
Trong một diễn biến liên quan khác, trong bối cảnh bị cấm vận từ phương Tây, giới chức Nga đã luôn tỏ ra thận trọng khi chuẩn bị các phương án dự phòng cho nền kinh tế nếu giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng.Mức giá 40USD/thùng còn được sử dụng để tính toán ngân sách quốc gia của Nga trong giai đoạn 2017-2019. Bộ Tài chính Nga trên thực tế cũng đã lên kế hoạch điều hành tỷ giá tiền tệ tập trung vào kịch bản giá dầu ở mức 40USD/thùng ngay từ tháng 1/2017.
Chính vì vậy việc giá dầu thô thế giới tăng và ổn định ở mức 50 - 60 USD/thùng sẽ đưa nền kinh tế Nga thoát khỏi thời kỳ đen tối, bất chấp những hạn chế do lệnh cấm vận mang lại.
Mới đây, theo hãng dự báo của Nga thông tin, sản lượng dầu mỏ của Nga trong 2 tháng đầu năm 2017 đã giảm xuống còn 658 triệu thùng, mức giá dầu đạt 54 USD/ thùng. Trước đó, lượng khai thác dầu của Nga là 667 triệu thùng nhưng giá dầu khi đó là 46 USD/thùng.
Giới quan sát thấy rằng, chính thỏa thuận cắt giảm dầu mỏ giữa Nga cùng một số quốc gia trong và ngoài OPEC đã thúc đẩy giá dầu tăng lên.
Viktor Szabo - Nhà quản lý quỹ trái phiếu tại Aberdeen Asset Management nhận định, ngay cả khi giá dầu đã hồi phục, nhưng Nga vẫn tuân thủ với kịch bản mang tính bảo thủ nhiều hơn để phòng khi sự đảo chiều bất ngờ xảy ra.
Còn ông Elina Ribakova, Chuyên gia kinh tế ở Deutsche Bank AG, cho hay: “BoR và Bộ Tài chính Nga đang đi theo kịch bản bảo thủ với giá dầu ở mức 40 USD/thùng vì họ muốn có sự chuẩn bị và còn để bảo vệ đất nước khỏi các trường hợp xấu nhất.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá dầu có biến động thế nào trên dưới ngưỡng 40 USD/thùng, đối với Nga, vẫn có thể sống khỏe".
Sơn Ca
Theo Baodatviet.vn