tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Á chơi vàng?

  • Cập nhật : 13/08/2015

(Kinh doanh)

Ngân hàng Việt Á (VietABank) đang thương thảo với Besra để mua lại hai công ty khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu từ tập đoàn này.

viet a choi vang?

Việt Á chơi vàng?

Đây là thông tin vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam công bố. Hiện Besra đang nắm 85% cổ phần tại Phước Sơn và 80% cổ phần tại Bồng Miêu. Số cổ phần còn lại do một công ty thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nắm giữ. Cho đến nay, Việt Á chưa có thông báo chính thức nào xác nhận thương vụ nói trên.

Trước đó, vào tháng 3.2015, Besra cho biết tập đoàn này đang đàm phán bán cổ phần của Công ty Phước Sơn, một tổ chức tài chính của Việt Nam, nhằm huy động thêm vốn và tái cấu trúc hoạt động. Trong một bài phát biểu gửi đến các nhà đầu tư tháng 6.2015, ông David Seton, Chủ tịch Besra, đã chính thức xác nhận Ngân hàng Việt Á chính là đối tác mà tập đoàn này đang đàm phán bán cổ phần tại Công ty Phước Sơn. Khác với thông tin từ chính quyền địa phương, ông David Seton không hề nhắc đến tên Bồng Miêu trong thỏa thuận đang đàm phán với Việt Á.

Hiện tại, thông tin về nội dung thỏa thuận cũng như tỉ lệ cổ phần mà Ngân hàng Việt Á sẽ mua lại từ Besra vẫn chưa được bên nào công bố. Và quyết định cuối cùng sẽ phải chờ sự phê duyệt từ Chính phủ. Nhưng cho dù Việt Á có mua lại cổ phần tại 1 hoặc cả 2 công ty nói trên thì những vấn đề mà ngân hàng này sẽ phải đối mặt là giống nhau.

Bồng Miêu và Phước Sơn là hai mỏ vàng lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với trữ lượng ước tính hơn 20 tấn vàng. Trong khi mỏ Phước Sơn mới được phát hiện gần đây, mỏ Bồng Miêu đã được phát hiện và khai thác từ thời Pháp thuộc. Ở mỏ vàng Bồng Miêu bây giờ, vẫn còn đường hầm khai thác vàng do người Pháp đào những năm đầu thế kỷ trước.

Besra, trước đây có tên là Olympus Pacific Minerals, nhận được giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu từ năm 1997. Đến năm 2005 công việc xây dựng nhà máy chính thức hoàn tất và đi vào hoạt động. Mỏ Phước Sơn được cấp phép từ năm 1999 và đến tháng 6.2011 thì đi vào hoạt động. Theo báo cáo của Besra, sản lượng khai thác vàng của hai mỏ trên đạt đến hơn 60.000 ounce vàng năm 2013. Vào thời điểm giá vàng bùng nổ và đạt đỉnh cách đây vài năm, số tiền thu được từ việc bán vàng là không nhỏ.

Tuy nhiên hiện tại, cả hai mỏ vàng trên đều phải dừng hoạt động do chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi khoản nợ thuế lớn của hai công ty Phước Sơn và Bồng Miêu. Và đây cũng là vấn đề mà Việt Á sẽ phải đối mặt nếu chấp thuận mua lại 1 hoặc 2 công ty vàng nói trên.

Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng trước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nêu rõ tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31.5.2015 của Phước Sơn và Bồng Miêu là hơn 384 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Phước Sơn nợ hơn 296 tỉ đồng, còn số nợ ở Công ty Bồng Miêu là xấp xỉ 88 tỉ đồng.

Đây là số tiền nợ thuế từ năm 2013 trở lại đây mà hai công ty này trì hoãn không đóng, bất chấp việc buộc phải tạm dừng hoạt động. Phía Tập đoàn Besra cho rằng số tiền nợ trên khá lớn và trong bối cảnh khó khăn hiện tại cả hai công ty cần tiếp tục hoạt động để trả nợ. Tuy nhiên, yêu cầu trên đã không được đáp ứng.

“Đến nay, hai công ty vẫn chưa có phương án và cam kết thanh toán các khoản nợ thuế cho Nhà nước”, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nêu lý do không dỡ bỏ biện pháp cưỡng chế trong báo cáo gửi Chính phủ.

Cứ cho là Ngân hàng Việt Á sẽ chỉ mua lại cổ phần của Besra tại Công ty Phước Sơn như lời ông David Seton nói thì số nợ mà ngân hàng này phải tham gia gánh chịu vẫn là khá lớn. Chắc chắn rằng yêu cầu giãn nợ sẽ khó được chấp thuận hoặc nếu có cũng không được lâu, do Besra đã nợ quá lâu và vấn đề này đã gây bức xúc trong dư luận. Nếu như không xử lý dứt điểm, có thể sẽ tạo ra tiền đề xấu cho các doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, hai công ty nói trên không chỉ nợ thuế của Nhà nước. Số tiền nợ các đối tác, nhà thầu và ngân hàng cũng không phải là ít. Ngay trong tháng trước, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng đã thông báo bán khoản nợ 1,7 triệu USD của Phước Sơn. Bản thân Ngân hàng Việt Á cũng là một chủ nợ của Phước Sơn, theo thông tin từ ông Đinh Văn Thủ, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Không biết số tiền mà Ngân hàng Việt Á cho Phước Sơn vay là bao nhiêu, nhưng có lẽ việc mua lại cổ phần của công ty vàng này cũng là bất đắc dĩ nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ. Việc này cũng giống như Ngân hàng SHB từng tham gia vào quá trình tái cấu trúc Bianfishco.

Ông David Seton cho biết Ngân hàng Việt Á tham gia vào sẽ cấp thêm vốn cho Phước Sơn hoạt động lại. Có nghĩa là Việt Á có thể sẽ phải bỏ thêm tiền đầu tư vào chứ không phải chuyển số nợ sang vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ nữa mà cả Việt Á lẫn Besra sẽ phải đối mặt trong quá trình tái cấu trúc Phước Sơn và Bồng Miêu là sự tụt dốc của giá vàng thế giới. Giá vàng giảm đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm.

Bản thân ông David Seton, trong bài phát biểu gửi các nhà đầu tư mới đây, cũng thừa nhận Besra đang đối mặt với khó khăn rất lớn từ thị trường. Đó cũng là lý do khiến việc tìm kiếm nguồn tài chính mới cho hoạt động của công ty càng vất vả hơn, theo ông Seton.

Giá vàng quốc tế đã giảm về gần mức đáy của 8 tháng và một số dự báo cho rằng giá kim loại quý này còn có thể giảm xuống sâu hơn. Sau khởi đầu ấn tượng cho năm 2015, giá vàng thế giới đã giảm hơn 10% sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen tái khẳng định chủ trương sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay. Hiện tại giá vàng đã thấp hơn khoảng 40% so với mức đỉnh 1.885 USD/ounce lập được vào tháng 8.2011. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một sự khởi đầu cho đợt sụt giá mới của vàng.

Như vậy, trong bối cảnh thị trường vàng đang tụt dốc và các khoản nợ chồng chất mà Besra để lại, cuộc chơi mới với vàng (nếu tham gia) của Ngân hàng Việt Á sẽ có nhiều thách thức chờ đợi.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục