Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank.
Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp tăng kỳ vọng
- Cập nhật : 12/08/2015
(Tai chinh)
Môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, dòng tiền ổn định, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.
NHNN khuyến khích các TCTD cho DN vay tín chấp, cho vay theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao...
Từng bước hiện thực hoá mục tiêu
“Với lãi suất cho vay, phấn đấu các kỳ hạn nói chung, nếu có điều kiện tiếp tục giảm thêm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn, cố gắng giảm từ 1-1,5%”. Đó là yêu cầu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra từ tháng 6/2015. Vậy đến nay các TCTD đã thực hiện yêu cầu này như thế nào?
Từ thông điệp được người đứng đầu NHNN phát đi, các NHTM đã nhanh chóng có sự điều chỉnh để hạ lãi suất cho vay, dần hiện thực hoá mục tiêu và nhiệm vụ Thống đốc đặt ra.
Đơn cử như SHB liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho DNNVV như: “Chương trình ưu đãi lãi suất với khách hàng DNNVV, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và lĩnh vực xuất khẩu”; “Chương trình cho vay trung và dài hạn, lãi suất ưu đãi đối với SMEs”… Hay như tại LienVietPostBank có chương trình ưu đãi vay tiêu dùng “Vay ưu đãi – Lãi tự chọn” chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng cho tất cả các sản phẩm vay ngắn, trung và dài hạn…
Giảm lãi suất cho vay còn được NH chú trọng vào một số lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, thực hiện chủ trương của NHNN về triển khai tín dụng xanh. Mới đây, BIDV cùng Techcombank, SCB đã ký kết thoả thuận hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch trong hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng tại các DNNVV ở Việt Nam. Các DNNVV tham gia chương trình sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, có cơ hội tiếp cận với nguồn hỗ trợ tài chính 50% giá trị khoản vay thông qua bảo lãnh NH dành cho các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng.
Số liệu của NHNN cho thấy, 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,5%/năm. Lãi suất cho vay vẫn duy trì khá ổn định: cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn và 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Với các DN có chỉ số xếp hạng tín nhiệm cao, báo cáo tài chính minh bạch... thì lãi suất cho vay có thể chỉ từ 6-7%/năm.
Thế nhưng các NH đang phải chia sẻ nguồn vốn huy động bởi chứng khoán, bất động sản khởi sắc; trong khi với cầu tín dụng tăng đã khiến một số NHTM phải tăng nhẹ lãi suất huy động. Và đây là một trong những yếu tố khiến NH khó giảm tiếp lãi suất cho vay. Hiện thực hoá chủ trương, đạt được mục tiêu đề ra là thách thức đối với mỗi NH. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, với quyết tâm cao cùng sự điều hành linh hoạt của NHNN thì việc hạ lãi suất cho vay như mục tiêu Thống đốc đề ra không phải là không làm được.
Ổn định mới mong giảm lãi suất
Thời gian gần đây, lãi suất huy động ở một số NH có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Nhìn chung, các NHTM phần lớn tăng lãi suất huy động từ 0,1- 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Chưa nói đến tác động tới nền kinh tế, thực tế này khiến cho đối tượng khách hàng DN, vốn có nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh có không ít lo lắng.
Lãnh đạo một DN sản xuất bao bì không giấu được lo ngại chia sẻ: Chủ trương của NHNN là khuyến khích các TCTD giảm lãi suất cho vay, nhưng với tình hình thực tế là lãi suất huy động đều nhích lên ở hầu hết các NH, đặc biệt với cho vay tiêu dùng. Do đó, vay sản xuất kinh doanh nhỏ như DN chúng tôi thì không có gì đảm bảo là lãi suất cho vay sẽ không tăng cả.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Anh Tú, Tổng giám đốc NSAS, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực Logistics cho rằng, hạ lãi suất vay bao giờ cũng tác động tốt tới DN. Nhưng mấy tháng qua, lãi suất huy động ngày càng tăng, thì lãi suất vay khó lòng giảm được. Lãi vay ảnh hưởng lớn nhất đến giá thành, tác động tới đầu ra của sản phẩm.
Do đó, vị tổng giám đốc này nhận định: “Nhìn chung, từ các số liệu NHNN mới điều tiết, cộng thêm chỉ số GDP, xuất nhập khẩu… nếu lãi suất cho vay hạ nhanh thì lãi suất huy động có thể gặp không ít khó khăn. Bởi thế mà mới cần linh hoạt, cứ phải lúc nới lúc thắt”.
Không ít DN vẫn phàn nàn nếu NH không hạ lãi suất thì DN khó tiếp cận nguồn vốn vay. Nhưng về phía người cho vay, lãnh đạo một NH cho rằng, điều này chỉ đúng một phần, bởi việc vay dễ hay khó, nó liên quan tới quy trình cho vay của mỗi NH, cũng như thực lực của mỗi DN.
Tăng, hay giảm lãi suất, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan. Và NHNN luôn hiểu được vai trò, trách nhiệm, cũng là gánh nặng của mình trong việc điều tiết các TCTD trong vấn đề này. Mặt bằng lãi suất không phải muốn giảm là giảm ngay được. Chính bởi vậy, mỗi DN bất kể quy mô lớn, nhỏ ra sao thì đều phải tự nỗ lực, phát huy tốt nguồn vốn giúp DN ổn định, mới không bị bó buộc và quá bị phụ thuộc vào việc tăng hay giảm lãi suất vay.
Giám đốc một công ty tư nhân về du lịch thì thấy rằng, lãi suất cho vaynếu có tăng, như lo ngại của nhiều DN thì cũng không ảnh hưởng quá lớn bởi chỉ tăng ở những kỳ hạn ngắn. Trở lại chuyện hạ lãi suất cho vay theo chủ trương của NHNN đưa ra, ông này cho rằng chủ trương này được cộng đồng DN đánh giá cao, và đặt nhiều kỳ vọng. Điều này cho thấy, cộng đồng DN, kể cả với đối tượng DNNVV ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Chính phủ và NHNN.
Nhiều DN thừa nhận, không chỉ yêu cầu các NHTM giảm lãi suất, NHNN cũng đã có nhiều chính sách linh hoạt hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay. Như việc NHNN khuyến khích các TCTD cho DN vay tín chấp hoặc cho vay theo chuỗi liên kết; DN vay ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước như: nông nghiệp, thuỷ sản…).
Một vấn đề lớn cũng cần đề cập tới: để có cơ sở hạ thêm lãi suất cho vay, thì nợ xấu phải giảm. Vấn đề này đang được toàn ngành NH tập trung thực hiện quyết liệt. Nợ xấu liên quan trực tiếp tới DN, tác động trực diện vào bức tranh phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, tới đây khi nợ xấu được đưa về dưới 3%, nhiều NH có điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Nhưng các chuyên gia cho rằng, một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, tích cực, dòng tiền ổn định, thì việc hạ lãi suất cho vay bớt gánh nặng đi nhiều phần.