Với quỹ đất dồi dào và nhiều chính sách ưu đãi, Lào đang trở thành thị trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vẫn còn may cho lãi suất
- Cập nhật : 24/04/2016
(Tin kinh te)
Cuối tuần qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước. “Không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất” là yêu cầu từ tân Phó thủ tướng đưa ra đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Lãi suất bắt đầu tăng ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, mở rộng nhanh rồi xuất hiện mặt bằng mới cho đến nay.
Sức ép lên mặt bằng lãi suất là cảnh báo nổi bật đầu 2016. Thực tế lãi suất huy động toàn hệ thống đã dâng lên mặt bằng mới. Nhiều yếu tố gây sức ép tiếp tục có dấu hiệu gia tăng.
Cận Tết Nguyên đán vừa qua, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, trao đổi với VnEconomy về trích đoạn tham luận của mình tại một hội thảo, kèm lời nhắn: “Tết nhất đến nơi rồi mà cứ nói mãi chuyện cũ, tua đi tua lại thước phim cũ. Nhưng mà đáng lo, vì không chừng ra Tết, lãi suất sẽ tăng”.
Lời nhắn đó có phần “lạ”. Vì nhiều năm qua, như một thông lệ, cứ qua Tết Nguyên đán, dòng tiền sẽ quay trở lại ngân hàng sau mùa cao điểm chi trả và lãi suất ổn định, thậm chí giảm. Năm nay, chia sẻ của nhà nghiên cứu trên thì ngược lại.
Thực tế, lãi suất bắt đầu tăng ngay sau Tết, mở rộng nhanh rồi xuất hiện mặt bằng mới cho đến nay.
Lãi suất chỉ là một biểu hiện. Thước phim cũ mà TS. Trịnh Quang Anh “tua lại” vẫn là một trong những yếu tố tác động đến lãi suất, và rộng hơn là đối với chính sách tiền tệ.
Đó là sự lấn át của chính sách tài khóa đối với chính sách tiền tệ, thậm chí đẩy chính sách tiền tệ vào thế thụ động và khó khăn, mà như trên, lãi suất chỉ là một phần của sự biểu hiện.
Sự lấn át đó càng mạnh hơn khi thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề.
“Tình trạng “tài khóa lấn át” hay “tiền tệ hóa bội chi ngân sách” đã trở thành quen thuộc đến nỗi các cơ quan làm chính sách tài chính - tiền tệ việc đầu tiên là cần xác định xem mức bội chi ngân sách năm tới là bao nhiêu, theo đó, mức cho vay Chính phủ ròng phải là bao nhiêu, từ đó mới lập được kế hoạch cung ứng tiền tệ hướng tới các mục tiêu thông thường là lạm phát, thanh khoản và tín dụng cho nền kinh tế”, trích đoạn tham luận nói trên đưa ra nhìn nhận.
Không lâu sau đó. Trước diễn biến lãi suất tăng lên và mở rộng khá nhanh, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cũng đã buộc phải lên tiếng, và có thừa nhận các áp lực liên quan.
Một trong số các áp lực lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ đề cập đến: “Việc lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn”.
Một phần thước phim cũ ghi rất rõ, liên tục những năm gần đây, Chính phủ phải đi vay lượng vốn lớn qua phát hành trái phiếu, năm nay dự kiến cần tới khoảng 240.000 tỷ đồng. Nhu cầu vay rất lớn đó gây sức ép cụ thể đến lãi suất trên thị trường.
Vẫn còn may…
Ngoài sức ép từ “tiền tệ hóa bội chi ngân sách”, lãi suất đang chịu tác động bất lợi của loạt yếu tố khác.
Giá dầu đã bật trở lại. Thời dễ chịu của giá xăng dầu liên tiếp giảm đã tạm dừng, thậm chí có thể bắt đầu đảo chiều. Liên quan, cùng các tác động khác, kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ cao hơn nhiều so với 2015, gián tiếp tạo áp lực lên lãi suất.
Chính phủ đang thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái, cầu vốn tín dụng dự báo sẽ càng lớn, cầu càng tăng thì giá (lãi suất) sẽ tăng.
Nội tại hệ thống ngân hàng cũng đang thể hiện các áp lực tăng lãi suất để cải thiện cân đối vốn, phòng thủ cho thanh khoản. Đó là sự gia tăng tỷ trọng của tín dụng trung dài hạn (lên tới 55,4% năm qua), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dâng cao (lên 31.8% năm qua, trong khi 2014 chỉ 20,2%).
Và trước mắt là định hướng sửa Thông tư 36 - một trong những yếu tố được cho là góp phần đẩy lãi suất huy động tăng thời gian gần đây, các ngân hàng chủ động trước việc cân đối vốn dự phòng các giới hạn mới.
Đáng chú ý, sau khi áp chính sách lãi suất huy động USD 0%/năm, một cấu phần vốn huy động là ngoại tệ vẫn nằm lại ngân hàng, nhưng độ lỏng đã bất lợi hơn đối với thanh khoản hệ thống.
Độ lỏng của dòng tiền gửi từng ám ảnh thanh khoản hệ thống, mà liên quan trực tiếp là lãi suất, trong nhiều năm trước. Và ở đây, “may mà” Ngân hàng Nhà nước đã từng bước chặn và dự kiến hạn chế ảnh hưởng lôi kéo đối với lãi suất.
Điển hình là sự lôi kéo vốn từ thị trường vàng. Trong bốn tháng đầu năm, giá vàng đã từng tạo sóng lớn, nhiều thời điểm nằm sâu dưới giá thế giới…, nhưng giao dịch vẫn không mấy sôi động.
Dòng tiền đã không ồ ạt rời ngân hàng để xếp hàng đi mua vàng như những năm trước, mà ảnh hưởng tới thanh khoản và lãi suất, trong khi vàng hiện không còn là một cấu phần trong vốn huy động của các nhà băng.
Ngân hàng Nhà nước đã chặn bớt ảnh hưởng từ thị trường vàng. Tuy nhiên, tác động và lực hút của nó đối với vốn và lãi suất ngân hàng vẫn là ẩn số. Nếu thị trường vàng tạo nhiều sóng lớn, chênh lệch giá thực sự hấp dẫn, sẽ dễ tạo sự lôi kéo vốn đáng ngại.
Tương tự, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng đang có kế hoạch hạn chế sự hút vốn tín dụng của thị trường bất động sản. Kế hoạch sửa Thông tư 36 dù còn để ngỏ, song vẫn là tín hiệu về định hướng kiểm soát một yếu tố tác động đến thanh khoản và lãi suất.
Bởi theo như Ngân hàng Nhà nước giải trình, tín dụng vào bất động sản đã tăng mạnh liên tục những năm gần đây, mà đặc thù của nó chủ yếu là vốn vay trung dài hạn.
Và như với thị trường vàng, nếu thị trường chứng khoán, bất động sản và cả tỷ giá xuất hiện nhiều đợt sóng, cùng cơ hội đầu tư và sinh lời lớn thể hiện, sự linh hoạt và năng động của dòng vốn trong dân cư càng được kích thích, sẽ gây bất lợi cho thanh khoản và lãi suất ngân hàng.
“May mà”, đến thời điểm này, sự lôi kéo và tác động từ những yếu tố đó chưa lớn.
Minh Đức
Theo VnEconomy