tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tỷ giá sẽ bớt chao đảo dù Fed có quyết định tăng lãi suất

  • Cập nhật : 23/05/2016

(tin kinh te)

Áp lực với tỷ giá và lãi suất đang tăng dần khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra khả năng sẽ tăng lãi suất USD trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định của Fed lần này sẽ không làm thị trường chao đảo như những lần trước, do cơ chế điều hành tỷ giá mới đã ngăn chặn đáng kể hiện tượng đầu cơ.

Chặn đầu cơ, thị trường bớt sốc

Trong buổi họp gần đây nhất, các quan chức của Fed đã nhắc đến khả năng nâng lãi suất USD vào tháng 6/2016, nếu số liệu kinh tế vĩ mô và số liệu trên thị trường việc làm của Mỹ có dấu hiệu tích cực, lạm phát Mỹ tiến gần đến mục tiêu 2%. Như vậy, khả năng Fed tăng lãi suất đang đến gần, dù vẫn chậm hơn nhiều so với dự báo. 

Với quan điểm thận trọng của Fed, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tháng 6 tới, nếu có tăng lãi suất, Fed cũng chỉ tăng 0,25%. Mức tăng này, theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV, sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, song không lớn.

fed tang lai suat, ty gia trong nuoc se bi tac dong, song khong tang soc nhu truoc day.

Fed tăng lãi suất, tỷ giá trong nước sẽ bị tác động, song không tăng sốc như trước đây.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công tyChứng khoán Tân Việt cho rằng, việc Fed tăng lãi suất đã nằm trong kỳ vọng của thị trường. Thị trường dự đoán Fed tăng lãi suất vào tháng 4/2016, nên nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 6 thì không có yếu tố bất ngờ và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán.

“Đối với tỷ giá, tôi cho rằng, sẽ khó có sự điều chỉnh đột biến do mức tăng lãi suất của Fed không lớn, hơn nữa, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá rất mạnh. Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá theo cơ chế mới (theo tỷ giá trung tâm) cũng sẽ khiến đầu cơ tỷ giá khó hơn, từ đó khó có sóng trên thị trường ngoại tệ”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu Fed tăng lãi suất, tỷ giá trong nước dĩ nhiên sẽ bị tác động, song với cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá sẽ trườn bò một cách nhẹ nhàng, không tăng sốc như trước đây.

“Những lần tỷ giá tăng vọt, thị trường có dấu hiệu khan hiếm trước đây đều xuất phát từ ‘những tay to’ - là những ngân hàng thương mại lớn - găm USD, gom USD để đầu cơ. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành hiện tại, tỷ giá lên xuống theo ngày khó dự đoán, đầu cơ tỷ giá trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ‘nhìn’ được trạng thái của các ngân hàng thương mại, biết rõ động thái của từng ngân hàng nên các ‘thủ phạm’ này đã đỡ đầu cơ hơn trước”, một chuyên gia cho biết.

Lo nhất là Trung Quốc phá giá nhân dân tệ

Dù tác động có thể không lớn, song chắc chắn, việc Fed tăng lãi suất, dù chỉ 0,25%, cũng sẽ có những tác động bất lợi cho Việt Nam. Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nếu Fed tăng lãi suất, USD sẽ lại mạnh lên, trong khi đồng nhân dân tệ ngày càng yếu đi. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động lớn.

“Thời gian qua, Fed chần chừ tăng lãi suất cũng như nhân dân tệ không phá giá mạnh như kỳ vọng đã giúp thị trường ngoại tệ trong nước khá yên ổn. Tuy nhiên, nguy cơ Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vẫn luôn hiện hữu, kéo theo việc phá giá nhiều đồng tiền khác. Nếu điều này xảy ra, lãi suất và tỷ giá trong nước sẽ chịu nhiều áp lực”, TS. Thành nói.  

Trên thực tế, dù khá bình lặng từ đầu năm đến nay, song tỷ giá chưa bao giờ hết áp lực. Tuy kiều hối, FDI tăng trưởng tốt, nhưng theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dự trữ ngoại hối quốc gia lại đang giảm đáng kể. Bên cạnh đó, do Việt Nam vẫn còn nhập siêu, nên thặng dư cán cân thương mại sẽ ngày càng mỏng đi.

Thời gian qua, với nhiều nỗ lực, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì được mặt bằng tỷ giá khá bình ổn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, dù USD không mất giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng phải theo dõi chặt chẽ sự biến động của các dòng tiền trên thế giới cũng như các dòng vốn vào, ra để có những điều chỉnh phù hợp, có lợi nhất với tổng thể nền kinh tế.

Theo dự đoán, năm nay, tỷ giá vẫn sẽ phải điều chỉnh 2-3% so với cuối năm ngoái.

Nếu tỷ giá đi lên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và Chính phủ thời gian tới sẽ là vấn đề lãi suất. Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm, song nếu tỷ giá tăng, mục tiêu hạ lãi suất khó đạt được. Điều này sẽ tác động xấu đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.


Hà Tâm
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục