tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Từ "Hồ sơ Panama": Quản chặt doanh nghiệp FDI

  • Cập nhật : 14/05/2016

(Tin kinh te)

Thời gian qua, câu chuyện trốn thuế, né thuế, chuyển giá của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được nhắc đến rất nhiều.

Tuy nhiên, sau “Hồ sơ Panama”, làm thế nào để hạn chế tối đa việc các DN FDI từ các “thiên đường thuế” vào Việt Nam hoạt động và kinh doanh để giữ chỗ hoặc sau khi tận dụng hết các ưu đãi về đất đai, thuế… rồi “cuốn gói” ra đi lại càng trở nên cấp thiết.

khach chon mua hang tai sieu thi bigc thang long.

Khách chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, một chính sách thuế minh bạch, rõ ràng; không tiêu cực; không thu hút bằng mọi giá chỉ với các ưu đãi thuế và đất đai… là giải pháp hữu hiệu để chống “chảy máu ngân sách”.
Nhiều dự án tỷ đô đến từ các “thiên đường thuế”
Trên thế giới, có một số hòn đảo hoặc khu vực tự do đưa ra quy định thuế thu nhập DN bằng 0%. Và nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã lập ra công ty tại đây để đầu tư sang nhiều nước khác, nhưng sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực "thiên đường thuế" để hưởng mức thuế bằng 0%. Như vậy, các DN này được hưởng ưu đãi tại nước họ đầu tư, nhưng số tiền đó lại chảy về nước có ưu đãi thuế.
Thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2015 đã có hàng trăm DN đến từ nhiều "thiên đường thuế" trên thế giới đầu tư mạnh vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2015, Cayman Islands đã có 67 dự án (DA) với vốn đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD, Luxembourg: 1,9 tỷ USD, Bermuda: 6 DA với vốn đầu tư khoảng 232 triệu USD, Panama: 51 triệu USD, Bahamas: 108 triệu USD, New Zealand: 96 triệu USD, Macao (Trung Quốc): 57 triệu USD, Isle of Man: 35 triệu USD. Các DN tại 2 trung tâm tài chính có sức cạnh tranh khá lớn về thuế là Singapore, Hongkong (Trung Quốc) cũng đầu tư mạnh vào Việt Nam với số vốn lần lượt là 35 tỷ USD và 15,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong "Hồ sơ Panama", đứng đầu danh sách các “thiên đường thuế” là Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands - BVI). Hiện, BVI có hơn 850.000 DN, gấp nhiều lần dân số 28.000 người của quốc đảo vùng Caribe. Các DN này không chỉ hoạt động ở BVI mà đi đầu tư khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2015, BVI nằm trong top 5 nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan - Trung Quốc). Cụ thể, BVI đã có 623 DA đầu tư khắp các tỉnh, thành với tổng vốn lên tới 19,3 tỷ USD.

Hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính

Trước ý kiến cho rằng, một số DN Việt Nam nhưng lại có trụ sở chính tại các nước có chính sách thuế thấp (như Singapore) để hưởng các ưu đãi này, ông Nguyễn Văn Phụng (Vụ Chính sách thuế các DN lớn) cho biết, phía cơ quan thuế luôn ý thức cần phải rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho DN.


Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ Chính sách thuế các DN lớn, thực tế thời gian qua có nhiều DN FDI sau khi tận dụng hết ưu đãi thuế tại Việt Nam rồi “cuốn gói” ra đi. Chẳng hạn, Việt Nam đang có thuế suất 10%, thời gian ưu đãi thuế là 4 năm, thời gian giảm thuế là 9 năm cho các DA đầu tư mới tại các địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn. Mục đích của chính sách này là nhằm khuyến khích các NĐT đầu tư vào các khu vực khó khăn, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn có những NĐT sau khi hưởng hết các ưu đãi này thì tuyên bố phá sản, thay vì đầu tư dài hạn. “Việc tạo điều kiện ưu đãi cho các NĐT luôn có mục tiêu rõ ràng. Nếu NĐT thực hiện đúng những mục tiêu ấy, đó là nhà đầu tư chân chính. Nhưng ngược lại cũng có NĐT sau khi được hưởng ưu đãi thuế suất đã lập tức giải thể là hình thức tận dụng ưu đãi để hưởng và né thuế. Đây là hành vi không văn minh” - ông Phụng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta phải xác định thu hút FDI bằng các chính sách khác chứ không thu hút mọi giá chỉ bằng chính sách ưu đãi thuế và đất đai như hiện nay. Để “trám” kẽ hở này, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các NĐT nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan thanh tra thuế đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của 32 siêu thị Big C Việt Nam, dự kiến kết thúc vào cuối tháng này. “Việc Tập đoàn Casino sở hữu các công ty pháp nhân, trong đó có các siêu thị Big C tại Việt Nam mở công ty ở Hongkong, được mệnh danh là “thiên đường thuế”, để kinh doanh tại Việt Nam cho thấy có ý đồ tránh thuế thông qua giao dịch liên kết. Nếu phát hiện Big C Việt Nam có ý đồ tránh thuế, cơ quan thuế phải kiểm tra làm rõ để truy thu thuế” - một lãnh đạo Tổng cục Thuế nhìn nhận.

 

 

Hiện, trên thế giới có tới hơn 30 "thiên đường thuế". Bởi vậy, ngoài việc kiểm tra dòng tiền luân chuyển thì sự phối hợp giữa các nước là điều kiện “cần và đủ” để thực hiện kiểm soát hữu hiệu và giảm tới mức thấp nhất khả năng trốn thuế, rửa tiền. Đây là vấn đề cần sự phối hợp quốc tế vì các NĐT có thể hoạt động ở hơn 200 quốc gia.

TS Vũ Đình Ánh Chuyên gia kinh tế


Để hạn chế việc các DN FDI chuyển giá, trốn thuế, tận dụng hết ưu đãi rồi “đi không trở lại”, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải rõ ràng trong việc thu hút các DN FDI. Chúng ta không nên ưu đãi bằng mọi giá, ưu đãi chỉ bằng thuế và chính sách đất đai, mà bằng cách tạo môi trường đầu tư tốt, bằng các quy định về thuế rõ ràng, minh bạch, không tiêu cực, nhũng nhiễu và thừa nhận chi phí hợp lý, thực tế của DN.

Luật sư Trương Thanh Đức Công ty Luật Basico


Theo Kinhtedothi
Trở về

Bài cùng chuyên mục