Vàng và tỷ giá biến động, nhưng phía ngân hàng cho rằng khách gửi VND vẫn “kê cao gối ngủ ngon” với lãi suất hiện có...
Tin tài chính - tiền tệ thế giới và Việt Nam 21-03-2016
- Cập nhật : 21/03/2016
Trung Quốc đang "rót" 10,4 tỷ USD vào Việt Nam
Tính đến tháng 2/2016, Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao) đang có 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính đến hết tháng 2/2016, Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao) đang có 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD. Đây hiện là quốc gia đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam.
Với quy mô bình quân 7,7 triệu USD/dự án, các DN Trung Quốc chủ yếu tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 916 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,38 tỷ USD, chiếm 52% tổng vốn.
Tiếp đó là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức trực tiếp (100% vốn) và hợp đồng BOT, BT, BTO.
Hiện 54/63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhận được đầu tư từ Trung Quốc, trong đó Bình Thuận dẫn đầu về đầu tư của Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, Tây Ninh đứng thứ hai với 1,2 tỷ USD, tiếp đó là Hà Giang, Lào Cai, Bình Dương.
Xu hướng đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian gần đây chủ yếu chảy vào lĩnh vực dệt may, đây được xem là một trong những bước đi quan trong của các doanh nghiệp nước này nhằm đón đầu các ưu đãi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt hiệp định khác dành cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, tính đến hết năm 2015 Việt Nam mới có 15 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là khoảng hơn 16 triệu USD (bằng 1/600 so với nước láng giềng) chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Đáng kể nhất là dự án xây dựng khu thương mại của công ty CP XNK Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD) và dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD).
Vàng tiếp tục rớt nhẹ khi bước vào tuần giao dịch mới
Đà giảm của vàng vẫn tiếp nối khi bước vào tuần giao dịch mới kéo giá vàng SJC trong nước cũng tiếp tục giảm trong sáng nay (21/3) song mức độ nhẹ hơn nhiều. Vì vậy hiện giá vàng SJC lại cao hơn giá vàng thế giới uy đổi 100.000 đồng/lượng.
Bất chấp sự lạc quan của các nhà đầu tư, bất chấp cả việc đồng USD tiếp tục suy yếu, giá vàng thế giới bước vào tuần giao dịch mới vẫn chịu nhiều áp lực từ hoạt động chốt lời. Hiện giá vàng kỳ hạn tháng Tư đã giảm về còn 1.252,80 USD/oz; giá vàng giao ngay thậm chí còn rới xuống quanh 1.251 USD/oz.
Đà giảm của giá vàng thế giới kéo giá vàng trong nước cũng tiếp tục giảm trong sáng nay, song mức độ nhẹ hơn nhiều. Vì vậy hiện giá bán ra vàng SJC tại các DN đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 50 – 100.000 đồng/lượng.
Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã giảm giá mua vào vàng SJC 30.000 đồng/lượng và giảm giá bán ra 50.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch tại TP.HCM xuống mức 33,63 – 33,83 triệu đồng/lượng; còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,63 – 33,85 triệu đồng/lượng. Hiện giá bán ra vàng SJC của DN này vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 100.000 đồng/lượng
Tập đoàn DOJI cũng giảm giá mua - bán vàng SJC của mình về còn 33,70 – 33,80 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với cuối tuần trước. Hiện giá bán ra vàng SJC của DOJI cũng cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 50.000 đồng/lượng.
Được biết, theo cuộc khảo sát của Kitco News, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều tỏ ra lạc quan về giá vàng tuần này. Cụ thể, trong số 877 người tham gia bình chọn về xu hướng giá vàng tuần này, có 682 người (78%) lựa chọn vàng sẽ tăng; trong khi chỉ có 118 người (13%) chọn giá vàng giảm và 77 người (9%) là trung lập.
Tuy nhiên kết quả cuộc khảo sát của Kitco với 34 thành viên thị trường lại cho thấy giới chuyên môn đang tỏ ra phân vân về xu hướng giá vàng tuần tới. Cụ thể, trong số 15 ý kiến phản hồi, có 7 ý kiến (47%) kỳ vọng giá vàng sẽ tăng, trong khi cũng có 5 ý kiến (33%) nhận định vàng sẽ giảm và 3 ý kiến (20%) là trung lập.
Những chuyên gia có quan điểm thận trọng cho rằng, phản ứng của vàng đối với quyết định của Fed chỉ mang tính nhất thời bởi Fed vẫn chưa từ bỏ ý định sẽ tăng tiếp lãi suất trong năm này với mức tăng dự kiến là 0,5% - gấp đôi mức tăng hồi cuối năm 2015. Đó là một thông tin bất lợi đối với thị trường vàng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo áp lực chốt lời đang lớn dần. Đó chính là lý do mặc dù đồng USD giảm khá mạnh trong tuần này, song giá vàng không thể lấy lại mức đỉnh 1.287,80 USD/oz của tuần trước đó.(TBNH)
Tỷ giá “lặng sóng” phiên đầu tuần
Phép thử cơ chế điều hành tỷ giá mới
Làm thế nào để người dân giảm găm giữ USD, làm thế nào để huy động được nguồn vốn này vào phát triển kinh tế thay vì vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao là bài toán đang đặt ra không chỉ với NHNN.
Đúng như dự đoán, kết thúc phiên họp ngày 16/3, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Nhiều khả năng trong năm nay, Fed chỉ tăng lãi suất 2 lần, thay vì 4 lần như dự đoán trước đó. Như vậy, áp lực của thị trường thế giới với tỷ giá trong nước đã lắng dịu. Song tỷ giá lặng sóng và liên tục đi xuống gần 3 tháng qua không phải do tác động của thị trường thế giới, mà chủ yếu do những biện pháp mà NHNN đưa ra như hạ lãi suất USD xuống 0%, áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới từ tháng 1/2016 đến nay.
.
Thị trường ngoại hối ổn định là thành công lớn của NHNN. Thế nhưng, găm giữ ngoại tệ lại có xu hướng tăng lên đang là thử thách với cơ quan quản lý. Chính vì găm giữ tăng, nên dù lãi suất USD về mức 0%/năm, nhưng huy động vốn ngoại tệ lại giảm. Trong bối cảnh đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài.
Đang xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, sự gia tăng đô la hóa là dấu hiệu cho thấy, cơ chế điều hành tỷ giá mới đang có những tác động phụ.
Ở chiều ngược lại, luồng ý kiến khác cho rằng, xu hướng găm giữ là phản ứng tâm lý tạm thời của thị trường đối với cơ chế mới. Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu có tâm lý găm ngoại tệ để thanh toán, người dân găm ngoại tệ để chờ giá lên, ngân hàng cũng găm ngoại tệ để cho vay lãi suất cao, thì tâm lý găm giữ ngoại tệ chỉ giảm khi cơ chế mới vận hành nhuần nhuyễn, thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.
Điểm đáng mừng là dù xu hướng găm giữ ngoại tệ có tăng vào cuối năm 2015 song đầu cơ ngoại tệ đã giảm khá nhiều, nhất là hai tháng gần đây. Minh chứng là đầu năm 2016, khi NHNN vận hành cơ chế mới, hàng lọat ngân hàng thương mại đổ xô xin mua ngọai tệ kỳ hạn từ NHNN với kỳ vọng giá sẽ tăng. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá USD tại ngân hàng giảm 1% đã khiến không ít nhà băng chấp nhận hủy ngang hợp đồng. Lý do là khi giá ngoại tệ ngày càng đi xuống, thì mua ngoại tệ trên thị trường tự do rẻ hơn nhiều so với mua ngoại tệ từ NHNN. Hơn nữa, NHNN cũng yêu cầu ngân hàng nào quá trạng thái ngoại hối trong vòng 3 ngày sẽ bị phạt tăng dự trữ bắt buộc. Như vậy, các ngân hàng ngày càng bị siết chặt hoạt động đầu cơ ngoại tệ.
Đối với người dân, xu hướng găm giữ ngoại tệ như một kênh đầu tư truyền thống vẫn còn và khó xóa bỏ, nhất là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Tuy nhiên, tâm lý đầu cơ lướt sóng ngoại tệ đã giảm nhiều, bởi với cơ chế mới, đầu tư ngoại hối không còn hấp dẫn như trước do rất khó dự báo biến động tỷ giá.
Có lẽ, điều đáng ngại nhất với tỷ giá hiện nay là kỳ hạn. Việc đưa lãi suất huy động USD về mức 0% đã khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro về kỳ hạn ngoại tệ, bởi tất cả khoản tiền gửi ngoại tệ mới của người dân đã được chuyển sang kỳ hạn qua đêm, thay vì gửi có kỳ hạn. Trong khi đó, nhiều khoản vay ngoại tệ hiện nay là vay trung, dài hạn. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, thậm chí cả Chính phủ phải chấp nhận vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao. Trong khi đó, một lượng lớn ngoại tệ được găm giữ trong dân vẫn chưa huy động được để phát triển kinh tế.
Để giải bài toán này, rõ ràng không chỉ trông chờ vào giải pháp điều hành tiền tệ của NHNN, mà trước hết, Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm giữ lạm phát. Chỉ khi giá trị tiền đồng được bảo đảm, người dân có niềm tin chắc chắn vào tiền Việt thì khi đó, ngoại tệ mà cụ thể là đồng USD mới chảy vào nền kinh tế.
Cổ phiếu dầu khí chờ “gió mới”
Thời điểm hiện tại có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp(doanh nghiệp) dầu khí do giá dầu liên tục giảm mạnh, với giá trung bình thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình năm 2015. Tuy nhiên, giai đoạn “bĩ cực” hiện nay có thể sẽ sớm qua đi do mặt bằng giá dầu thế giới hiện tại đã được xem là mức đáy, nên nhiều khả năng sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Có thể thấy, thời điểm hiện tại, ngành nghề dầu khí vẫn nằm trong giai đoạn khủng hoảng, nên nếu xét về dài hạn thì đây là cơ hội cho các nhà tư mua vào.
Nhiều chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến lạc quan về triển vọng giá dầu trong thời gian tới. Ảnh: Dũng Minh
Về mối liên quan giữa giá dầu và cổ phiếu dầu khí, đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động thượng nguồn (trực tiếp khai thác dầu).
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phần lớn doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết trên sàn chứng khoán hoạt động trong khu vực trung và hạ nguồn. Từ số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dầu khí năm 2015, nhà đầu tư dễ dàng thấy được rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí có sự phân hóa rất mạnh và mức độ ảnh hưởng của bối cảnh đến doanh nghiệp không giống nhau.
Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp niêm yết ngành dầu khí có kết quả kinh doanh năm 2015 có sự tăng trưởng. Có thể kể đến một vài ví dụ như Công ty cổ phần Vận tải dầu khí (mã PVT), Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm dầu khí quốc tế (mã GSP), Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (mã DPM)...
Nhìn một cách toàn diện, nhà đầu tư thường được tiếp cận với khái niệm chi phí vận hành hay giá bình quân khai thác dầu của một quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí giá vốn của mỗi công ty trong hoạt động dầu khí là khác nhau và phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài giá dầu.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp mà nhà đầu tư từng quan ngại sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của giá dầu trong năm 2015, song kết quả cho thấy, mức độ ảnh hưởng không nhiều, như Tổng công ty khí (mã GAS), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET)...
Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) cho biết, ngay cả với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu, nếu giá dầu năm 2016 ổn định ở mức hiện tại (40 USD/thùng) thì dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí niêm yết có thể chỉ giảm 15 - 20% so với năm 2015, nhờ nỗ lực tiết giảm chi phí chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong trường hợp giá dầu phục hồi thì kịch bản kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể còn tốt hơn. Ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư (Công ty Chứng khoán Dầu khí) nhận định: “Kỳ vọng là yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu trong thời gian vừa qua. Do đó, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến giá dầu và các số liệu công bố liên quan trong thời gian sắp tới”.
Hiện có 3 yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu và các yếu tố này cho cái nhìn khá yên tâm về khả năng giá dầu khó giảm tiếp.
Thứ nhất, giá trị đầu tư ngành dầu khí có dấu hiệu chững lại. Theo đánh giá của Công ty dầu khí quốc tế Baker Hughes, trong tháng 3, Mỹ còn 392 giàn khoan, đánh dấu tuần giảm thứ 11 liên tiếp kể từ cuối năm 2015. Đây là diễn biến trái với đánh giá của Công ty dầu khí quốc tế Exxon Mobil đưa ra hồi đầu năm 2015, khi cho rằng sản lượng và đầu tư dầu đá phiến ở Mỹ sẽ không giảm cho dù giá dầu duy trì ở mức thấp.
Thứ hai, nguồn cung dầu có những dấu hiệu chững đà tăng, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và một số quốc gia ngoài OPEC đồng thuận đóng băng sản lượng. Diễn biến này chưa tạo tác động đáng kể lên nguồn cung dầu, nhưng sẽ tạo kỳ vọng lớn cho giới đầu tư về việc các quốc gia dầu mỏ đang tìm con đường phù hợp để đi đến đồng thuận lộ trình cắt giảm sản lượng. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian, nhưng đó là một trong những dấu hiệu khác biệt so với năm 2015.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn không giảm mạnh như quan ngại của các nhà đầu tư. Trong đó, GDP Trung Quốc năm 2015 tăng trưởng 6,8%, tuy chậm hơn so với năm trước đó, nhưng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức.
Một khi giá dầu phục hồi, hoạt động của ngành dầu sẽ khởi sắc và đó là cơ hội để các nhà tư mua vào cổ phiếu ngành này.