Làn sóng NH lựa chọn các định chế tài chính lớn của nước ngoài làm cổ đông chiến lược hoặc phát hành thêm cổ phần để chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài diễn ra khá rầm rộ trong giai đoạn 2005-2011. Song từ năm 2012 đến nay, một số cổ đông chiến lược đã thoái vốn khỏi NH và việc tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược của các NHTM ngày càng khó khăn hơn.
Tín dụng tăng mạnh qua báo cáo của ngân hàng lớn
- Cập nhật : 16/05/2017
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong quý 1 nhờ tích cực đẩy mạnh cho vay. Một số ít có được lợi nhuận cao nhờ hoạt động dịch vụ.
Vietcombank là ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2017 khả quan nhất với lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.737 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu nhờ tín dụng tăng mạnh 8,4% so với đầu năm và các dòng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh. Với kết quả này Vietcombank đã hoàn thành tới 29,7% của kế hoạch thận trọng cho cả năm với LNTT là 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8%.
Mức tăng đột biến về tín dụng 8,4% so với đầu năm cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng quý 1 bình quân trong 5 năm gần đây là 1,5%. Theo tiền tệ, cho vay bằng tiền đồng tăng 9,1% so với đầu năm và cho vay bằng USD tăng 5,7%.
Trong khi đó, huy động tăng 3,2% so với đầu năm. Cụ thể, huy động bằng tiền đồng chỉ tăng 2,5% so với đầu năm, trong khi huy động bằng USD bất ngờ tăng mạnh 7,1% so với đầu năm.
Một nhà băng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao trong quý 1 là Vietinbank với mức tăng 5,8% so với đầu năm và tăng 26,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, thu nhập lãi ngoài tăng mạnh đã giúp cho LNTT của nhà băng này tăng 5,8% so với cùng kỳ, đạt 2.544 tỷ đồng.
Cụ thể, cho vay kỳ hạn ngắn tăng 6,3% so với đầu năm còn cho vay trung dài hạn tăng 4,2%. Cho vay bằng tiền đồng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng cho vay, trong khi cho vay bằng USD gần như không tăng.
Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank được công bố ở mức 1,13%, tăng nhẹ từ mức 1,02% vào cuối năm 2016. Tổng nợ xấu là 7.914 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, sau khi đã xử lý 560,3 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng mạnh 43,3% lên 2.064,7 tỷ đồng, tương đương 44,8% lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng. Trong đó, 1.115 tỷ đồng là dự phòng cho vay khách hàng và khoảng 950 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC.
Có mức lợi nhuận kém khả quan hơn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, BIDV công bố sơ bộ LNTT quý 1 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 3,73% so với cùng kỳ. Đương nhiên, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức khiêm tốn hơn, đạt 4,85% so với đầu năm, tương đương 996,01 nghìn tỷ đồng. Tổng huy động tăng 3,15% so với đầu năm đạt 969,63 nghìn tỷ đồng, phù hợp với tốc độ tăng trưởng huy động và cho vay toàn ngành ngân hàng trong quý 1. Theo đó, Ngân hàng đã hoàn thành 25,8% kế hoạch cả năm.
BIDV đặt kế hoạch LNTT gần như không đổi so với năm 2016, chỉ tăng trưởng 0,20% đạt 7.750 tỷ đồng. Do Ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng nợ xấu và trái phiếu VAMC trong khi kế hoạch tăng vốn cần thời gian để thực hiện. Dự kiến tổng tín dụng tăng trưởng của năm nay là 16%, đạt 1.101 nghìn tỷ đồng trong khi đó tổng huy động tăng trưởng 16,5% đạt 1.095 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất trong khối các NHTM phải kể đến Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với mức tăng trưởng LNTT quý 1 cao nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, LNTT của MBB đạt 1.111,9 tỷ đồng,tăng 26% so với cùng kỳ. Theo đó, ngân hàng đã hoàn thành được 24,5% kế hoạch LNTT cả năm là 4.532 tỷ đồng.
Trái với các ngân hàng kể trên, kết quả kinh doanh của MBB tăng mạnh nhờ tỷ lệ lãi cận biên (NIM) được cải thiện và lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, trong khi tín dụng gần như không tăng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 36,1% so với cùng kỳ và thu nhập ngoài lãi tăng 79,6% so với cùng kỳ, mặc dù chi phí dự phòng cũng tăng 142%. Trong khi đó, tín dụng chỉ tăng 0,43% so với đầu năm, đạt 151.381 tỷ đồng. Như thường lệ, hoạt động cho vay của MBB vẫn khởi đầu khá chậm chạp, cho dù ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 16%, bằng với hạn mức của NHNN.
Trong quý 1, MBB dự phòng cho vay khách hàng là 144 tỷ đồng và dự phòng trích lập cho trái phiếu VAMC ước tính khoảng 465 tỷ đồng, tương đương 21,5% số dư trái phiếu VAMC chưa trích lập tại thời điểm cuối năm 2016.
Theo báo cáo của VPBank, LNTT hợp nhất quý 1/ 2017 tăng hơn 85% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 670 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt hơn 1.520 tỷ đồng. Kết quả khả quan này cũng là nhờ tăng trưởng tín dụng quý 1 của VPBank đạt 5,5% so với cuối năm 2016, tương đương 152.000 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đã tăng lên mức gần 230 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chỉ số huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức 186 nghìn tỷ đồng, tăng 14 nghìn tỷ đồng so với con số huy động tại thời điểm 31/12/2016.
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 của VPBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu tháng Tư vừa qua. Trong đó, tổng tài sản dự kiến sẽ đạt 280 nghìn tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 217 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 182 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kìm hãm dưới mức 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã công bố LNTT hợp nhất quý 1/2017 đạt 595 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chưa có thông tin về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động so với đầu năm của ngân hàng này.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 vừa diễn ra, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng LNTT 2017 là 32,27% , đạt 2.205 tỷ đồng. Dựa trên giả định cho vay và huy động khách hàng đều tăng trưởng 16%, lần lượt đạt 189,54 nghìn tỷ đồng và 240,17 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2017 của ACB thấp hơn nhiều so với tăng trưởng thực tế đạt được trong năm 2016 là 21,91%.
Một ngân hàng có quy mô trung bình khác là Eximbank mới đây cũng đã công bố LNTT quý 1 tăng 460% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 168 tỷ đồng và hoàn thàng 28% kế hoạch năm. Tiền gửi khách hàng tăng 7,7% so với đầu năm lên 110,23 nghìn tỷ đồng, còn cho vay khách hàng giữ nguyên là 87 nghìn tỷ đồng.
Theo giải thích của BLĐ Eximbank với các cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1, ngân hàng cần cải thiện huy động khách hàng để cải thiện tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn. Tỷ lệ này đã giảm từ 55% tại thời điểm cuối nam 2016 xuống còn 45% tại thời điểm cuối quý 1/2017. Trên thực tế, dư nợ cho vay khách hàng thông thường tăng 500 tỷ đồng, nhưng ngân hàng phải thu hồi 500 tỷ đồng cho vay từ một khách hàng theo quyết định thanh tra giám sát từ NHNN.
Ngân Giang
Theo Infonet.vn