USD quay đầu giảm sau số liệu kinh tế trái chiều
Vàng phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, song độ lạc quan kém dần
Tỷ giá im lìm trong ngày nghỉ Lễ
Giá vàng chốt tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần
Năm 2016 nguồn vốn vay trong nước với chi phí cao sẽ tăng lên khoảng 33% GDP
- Cập nhật : 24/09/2015
(Tin kinh te)
Nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm
Cập nhật về tình hình kinh tế của Việt Nam vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố cho biết, chính sách tài khóa của Việt Nam đang tiếp tục mở rộng.
Cụ thể, chi tiêu ngân sách tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP so với 3.0% của năm trước. Thu ngân sách Chính phủ tăng 8,0%.
Bên cạnh đó, thu nhập từ thuế tài nguyên giảm mạnh, song được bù đắp tốt hơn nhờ số thu cao hơn từ hoạt động xuất khẩu, thu nhập cá nhân và doanh số bán lẻ.
Trước tình trạng giá dầu thế giới xuống thấp hơn so với ước tính, Chính phủ đã tìm cách bù đắp cho phần thu nhập mất đi bằng cách tăng thuế hải quan đối với sản phẩm xăng dầu và tăng cường thu các khoản thuế nợ đọng
“Mặc dù vậy, nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm” – Tổ chức này nhận định.
Năm 2016 Việt Nam sẽ phải dành ít nhất 15% tổng thu ngân sách để trả nợ
Về chính sách tài khóa, theo ADB Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016.
“Kể từ năm 2011 Chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục. Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ mở mức 28% GDP trong 3 năm qua, được kìm giữ bởi các thủ tục huy động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ngày càng phức tạp” – Báo cáo của ADB nêu.
Cũng theo ADB, nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP và trả nợ dự báo sẽ chiếm khoảng 15% tổng số thu của chính phủ trong năm 2016
Do đó, tổ chức này lưu ý, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016.
“Khi đó, thách thức đối với chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế”.
Mục tiêu cổ phần hóa năm nay quá tham vọng
Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, ADB cho rằng, khu vực này đang dần dần đạt được tiến bộ.
“Chính phủ đã cổ phần hóa một phần 61 doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2015, tiếp theo 143 doanh nghiệp trong năm 2014” – Tổ chức này dẫn chứng con số.
Tuy nhiên, họ cũng nhận xét rằng: Chỉ tiêu chính thức là tiếp tục cổ phần hóa 228 doanh nghiệp trong năm nay dường như hơi tham vọng, và dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa muộn hơn, trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa.
Một trong các trở ngại đối với công tác này là thiếu nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng tham gia mua cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu.
“Việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán được nhằm để tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng do còn quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và minh bạch tài chính”.
Về lạm phát, ABD dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước, do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỉ giá 3% đối với giá cả nhập khẩu.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay thậm chí còn nhẹ hơn so với dự báo đã nêu ra trước đó của tổ chức này, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%.
“Lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4,0% trong năm 2016. Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm”.