tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhọc nhằn chống chuyển giá

  • Cập nhật : 17/11/2015

(Kinh te)

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, trung bình mỗi vụ việc chuyển giá bị phanh phui, cơ quan Thuế truy thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng và giảm lỗ ở DN cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác chống chuyển giá vẫn được xem là "khó nhằn" nhất trong quản lý thuế hiện nay.

 

Nguồn thu lớn

Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Tiến,Vụ trưởng- Phó Trưởng Ban Cải cách và hiện đại hoá- Tổng cục Thuế, trong những năm gần đây, ngành Thuế xác định thanh tra chuyển giá là một trong những công tác trọng tâm. Cơ quan Thuế thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề về chuyển giá nhất là trong hoàn cảnh ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm. Qua thanh tra bước đầu đã phát hiện những DN có dấu hiệu chuyển giá để tiến hành đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Chỉ tính trong 3 năm kể từ khi Tổng cục Thuế thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng (năm 2012) đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá, với giá trị điều chỉnh rất lớn. Điển hình như trường hợp Công ty Dệt may Hualon tại Đồng Nai sau thanh tra đã điều chỉnh giảm lỗ gần 1.200 tỷ đồng, truy thu 78 tỷ đồng vào ngân sách.

"Kết quả này được xem là thành tích lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngay cả phía cơ quan Thuế Nhật Bản cũng muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh chống chuyển giá tại Công ty Hualon"- ông Nguyễn Quang Tiến nói.

Ngoài ra, cơ quan Thuế  thực hiện thanh tra chuyên đề tại 29 DN về giá chuyển nhượng, tính bình quân giảm lỗ gần 300 tỷ đồng/vụ, truy thu gần 20 tỷ đồng/vụ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho rằng, để làm rõ các vi phạm chuyển giá là không dễ. Trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành Thuế đã kiểm tra và phát hiện 1.600 DN có dấu hiệu chuyển giá nhưng để kết luận các DN này có chuyển giá hay không thì cần phải rất thận trọng. Ngay cả trường hợp Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, sau khi công bố kết quả thanh tra bước đầu, đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng. Hiện, Tổng cục Thuế đang tiến hành rà soát, kiểm tra để làm rõ nghi vấn dấu hiệu chuyển giá ở Công ty này.

Còn nhớ mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá trong hoạt động kinh tế của DN kinh doanh ô tô nhập khẩu. Từ những nghi vấn này, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã vào cuộc và chỉ đạo thanh, kiểm tra các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra tình hình thực tế tại Công ty CP ô tô Âu Châu, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã xử lý truy thu và phạt số tiền 6,588 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗi vi phạm của DN là giá bán của các xe bán ra có giá trị thấp hơn giá giao dịch thông thường và cơ quan Thuế chưa thể khẳng định DN này có dấu hiệu chuyển giá hay không.

Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Hào- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi chuyển giá không chỉ tập trung ở các DN FDI mà lan sang cả các DN trong nước để giảm nghĩa vụ nộp thuế TNDN. Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành trong đó có các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn thuộc diện được ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp. Do đó, các DN đóng trụ sở ở vùng đặc biệt khó khăn, song lại hoạt động kinh doanh trên phạm vi cả nước có thể sẽ lợi dụng chính sách này để chuyển giá.

Đó là chưa kể đến việc để công tác chống chuyển giá có hiệu quả hay không phụ thuộc vào quyết tâm xử lý của cơ quan chức năng thông qua việc xây dựng thể chế, cơ chế, nhân lực...

Kiện toàn bộ máy

Chuyển giá là hành vi gian lận thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng tới DN trong nước. Để công tác chống chuyển giá hiệu quả, cuối tháng 10 vừa qua, Tổng cục Thuế chính thức thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng.

Đồng thời, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng được thành lập tại 4 Cục thuế địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là lực lượng chuyên trách làm việc chống chuyển giá tại cơ quan Thuế Trung ương đến địa phương, cũng như tiến hành thu thập xử lý thông tin từ các DN có quan hệ liên kết từ cơ quan Thuế và bên thứ ba.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan Thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Bởi theo các Cục thuế địa phương, việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dữ liệu, nên cán bộ Thuế vẫn phải làm thủ công, nhặt từng khoản mục để so sánh, đối chiếu.

Đồng thời, cơ quan Thuế có cơ chế khuyến khích các DN có giao dịch liên kết áp dụng Thỏa thuận giá trước (APA) để tránh thanh tra về chuyển giá. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn về APA và đã có một số DN xin áp dụng. Tuy nhiên APA cũng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định.

Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý trong quản lý chuyển giá. Bởi hiện chỉ có văn bản duy nhất có đề cập chuyển giá, đó là Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế như: Quy định trách nhiệm tự kê khai của DN về giao dịch với các bên có quan hệ liên kết thuộc phạm vi phải điều chỉnh giá bán để tính thuế theo giá thị trường. Do vậy,  tiến tới xây dựng bộ Luật về chuyển giá để tạo hành lang pháp lý mới an toàn hơn, thực thi công bằng hơn.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục