Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Nhật Bản đã "rót" gần 39 tỷ USD vào Việt Nam
- Cập nhật : 17/11/2015
(Kinh te)
Hiện Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,71 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10/2015, Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,71 tỷ USD.
Hiện Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Bình quân 1 dự án là 13,88 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án.
Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2015 các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 258 dự án cấp mới và 137 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,486 tỷ USD, xếp vị trí thứ 3 trong 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng.
Trong 18 chuyên ngành lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1404 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,79 tỷ USD (chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư).
Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn là 1,74 tỷ USD (chiếm 4,5% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,52 tỷ USD (chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.
Phân theo hình thức đầu tư, các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam đầu tư chủ yếu vào hai hình thức 100% vốn nước ngoài và hình thức liên doanh; hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.299 dự án với tổng số vốn là 22,21 tỷ USD chiếm 82,4% số dự án và 57,3% tổng vốn đầu tư.
Hình thức liên doanh được đầu tư 450 dự án với tổng vốn đăng ký là 15,19 tỷ USD chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư, còn lại là các hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng BOT, BT, BTO với tổng số vốn lần lượt là 842,5 triệu USD và 115,1 triệu USD và 34,3 triệu USD.
Phân theo địa phương, Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD (chiếm 25% tổng vốn đầu tư).
Đứng thứ hai là Hà Nội với 693 dự án, với với tổng vốn đầu tư là 4,16 tỷ USD (chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng thứ 3 với 255 dự án với tổng số vốn là 3,95 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.
Một số dự án lớn của Nhật Bản tại Việt Nam:
- Dự án Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, liên doanh giữa các đối tác Idemitsu Kosan Co., Ltd; Mitsui Chemicals, Inc của Nhật Bản; Kuwait Petroleum Europe B.V của Cô Oét và Tập đoàn dầu khí Việt Nam; tổng vốn đầu tư là 9 tỷ USD; mục tiêu: sản xuất dầu mỏ tinh chế, sx hoá chất cơ bản, sx plastic, bán buôn xăng dầu. Dự án được cấp phép vào ngày 14/4/2008.
- Dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN dự án này đầu tư vào KCN Đình Vũ – Hải Phòng với tổng vốn đầu tư là 1,22 tỷ USD dự án được cấp phép ngày 01/2/2012.
- Dự án Công ty TNHH Becamex Tokyu (DA khu đô thị Tokyu Bình Dương) với tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD dự án đượccấp phép 01/03/2012.
- Dự án CTy TNHH Sắt xốp Kobelco Việt Nam với tổng vốn đầu tư của dự án là 1 tỷ USD; mục tiêu sản xuất phôi thép. Dự án được cấp phép từ năm 2010, dự án được đầu tư tại KCN Hoàng Mai, Nghệ An.