Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt gần 600.000 tỷ đồng và dự báo tiến tới mốc một triệu tỷ vào năm 2019.
Nhật Bản vẫn hỗ trợ ODA cho Việt Nam sau năm 2017
- Cập nhật : 08/07/2016
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa chia sẻ về khả năng sau năm 2017, Việt Nam có tiếp tục được nhận nguồn vay ưu đãi theo cam kết của Chính phủ Nhật Bản.
Sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các khoản vay ưu đãi sẽ có nhiều điều kiện ràng buộc và gần với vốn vay thương mại. Ông Yasuo Fujita - Trưởng đại diện JICA - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động về kế hoạch giải ngân nguồn vốn này.
- Thưa ông, có nhiều nguồn tin nói rằng kể từ tháng 7.2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang vay ưu đãi, tiến tới vay thương mại do đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?
- Ông Yasuo Fujita: Các điều khoản và điều kiện vốn vay ODA của Nhật Bản được thiết lập dựa trên mức thu nhập của nước tiếp nhận. Hiện tại, Việt Nam đã được xếp vào nước có mức thu nhập trung bình thấp với thu nhập quốc dân trên đầu người trong khoảng từ 1.046 - 1.985 USD/năm (năm 2014). Mức lãi suất của vốn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam dao động từ 0,1-1,4%/năm và thời gian trả nợ là 25-40 năm, thời gian ân hạn là 7-10 năm. Với tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, JICA sẽ tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam tới khoảng năm 2030.
Vì thế, từ tháng 7.2017, Việt Nam có thể không còn được vay ODA ưu đãi từ các tổ chức quốc tế khác, nhưng mức ưu đãi của vốn vay ODA Nhật Bản sẽ chỉ giảm một chút nếu Việt Nam được nâng bậc vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao hơn hiện nay (tức là mức thu nhập trung bình) và có thể tiếp tục vay vốn ODA của Nhật Bản với các điều kiện ưu đãi.
- Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng chi phí đầu tư cho một dự án ODA, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất cao, nên so với lãi suất thấp và kỳ hạn dài chưa hẳn đã có lợi. Ông có ý kiến như thế nào về nhận định này?
- Dù Việt Nam đã được xếp vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, Nhật Bản vẫn dành nguồn ODA với những điều kiện rất ưu đãi cho các dự án hạ tầng của Việt Nam như lãi suất vay chỉ bằng 0,1-1,4% với kỳ hạn dài nhất lên đến 40 năm. Cho đến nay Chính phủ Nhật Bản luôn cung cấp ODA cho Việt Nam có cân nhắc kỹ về sự cần thiết và đóng góp có hiệu quả của dự án vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Việc sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản này đã được đánh giá cao cho những đóng góp trong cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM và Hà Nội. Có thể kể một số ví dụ như: Từ tháng 1.2015, Hà Nội đã khai trương và đưa vào sử dụng nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường dẫn nối cây cầu này với Sân bay Nội Bài. Điều này giúp cải thiện đáng kể tuyến đường giao thông huyết mạch từ cửa khẩu quốc tế đến trung tâm thành phố. Tương tự, việc đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã giúp cải thiện tình hình giao thông từ Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM. Dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây đã được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2011 cũng đã giúp giải quyết tình trạng gia tăng phương tiện cơ giới và tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên… So sánh chi phí tài chính theo nguồn vốn vay trái phiếu chính phủ với nguồn vốn ODA có thể thấy sự thật là chi phí đầu tư của dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư của dự án sử dụng trái phiếu chính phủ.
Mặt khác, gần đây, trên một số phương tiện truyền thông, ODA bị chỉ trích là một nguyên nhân làm gia tăng nợ công. Hiểu nhầm này có lẽ bắt nguồn từ những chậm trễ nghiêm trọng của một số dự án lớn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ quan điểm của chúng tôi, vấn đề chính cần xem xét là việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực công, trong đó có nguồn vốn ODA. Lý do lớn nhất và rõ ràng nhất cho việc đội vốn của dự án chính là sự chậm trễ trong mọi giai đoạn triển khai dự án, từ khâu hình thành, phát triển dự án đến khâu hoàn thiện dự án. Có thể thấy rằng nhiều cơ quan liên quan đến thực hiện dự án chưa ý thức được vấn đề chi phí cơ hội khi thực hiện các dự án đầu tư công. Một khi các cơ quan hữu quan chú trọng đúng mức đến tuân thủ các thủ tục hành chính cũng như quản trị thời gian thì hiệu quả đầu tư công chắc chắn sẽ được cải thiện.
- Thông thường vốn vay ODA có lãi suất thấp, vay dài hạn. Vậy đi kèm với nó có những điều kiện gì ràng buộc chặt chẽ hay không? Liệu có phải các ODA Nhật Bản sẽ bắt buộc do các nhà thầu Nhật Bản thực hiện hay không?
- Các điều khoản của vốn vay ODA là ưu đãi với lãi suất cho vay thấp và thời hạn trả nợ dài, tuy nhiên, không phải lúc nào các điều kiện ràng buộc cũng được áp dụng kèm theo, và nhà thầu không bắt buộc mang quốc tịch Nhật Bản trong mọi dự án vay vốn ODA Nhật Bản. Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nhật Bản tôn trọng quyết định của nước nhận viện trợ về việc có áp dụng các khoản vay kèm các điều khoản ràng buộc hay không. Vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc được gọi là “Điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế” (khoản vay STEP). Hình thức này áp dụng cho các dự án cần tận dụng công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản.
Điều kiện chính của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật Bản hoặc là liên doanh giữa công ty Nhật và công ty Việt Nam do công ty Nhật đứng đầu liên doanh; không dưới 30% hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản. Tuy nhiên, các khoản vay STEP chỉ được dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Trong tổng số vốn vay đã cam kết từ năm 2010-2014, tỉ trọng của các khoản vay STEP chỉ vào khoảng 38% và 62% số vốn vay còn lại được cung cấp mà không có bất kỳ hạn chế gì về quốc tịch nhà thầu hay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
- Xin cảm ơn ông.
(Laodong)