Thị trường logistics Việt Nam tuy có quy mô nhỏ nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20 – 25% năm). Trong thời gian tới, thị trường này được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo và phát triển nhanh hơn nữa do sự phát triển của các xu hướng kinh doanh mới như: mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi, kênh thương mại điện tử và giao hàng hiệu quả đến khu vực nông thôn.
Nhân viên văn phòng "đua" bán đặc sản kiếm tiền tiêu Tết
- Cập nhật : 01/02/2016
(Kinh doanh)
Tết đến, trăm thứ phải lo, ngàn thứ phải sắm nên nhiều nhân viên văn phòng rủ nhau bán đặc sản online để kiếm thêm thu nhập trang trải ngày Tết. Dù là việc làm tay trái nhưng đem lại số tiền rủng rỉnh, thậm chí còn hơn cả thưởng Tết của công ty.
Chị Thùy Vân, nhân viên văn phòng một tập đoàn lớn về bất động sản có trụ sở tại trung tâm quận 1, TPHCM cho biết, quê chị ở tỉnh Gia Lai nổi tiếng với đặc sản khô bò. Khô bò ở đây không những ngon, thơm đặc trưng mà còn đảm bảo tiêu chí sạch, không tẩm ướp chất bảo quản nên nhiều người ở khắp mọi miền tổ quốc lùng sục mua làm quà Tết.
Cách đây 3 năm, Vân đã nảy sinh ý tưởng bán khô bò Gia Lai mà địa bàn phân phối chủ yếu là TPHCM. Làm chơi nhưng Vân không ngờ ăn thật. Những ngày cận Tết, Vân luôn bị “cháy hàng”. Năm nay, “đến hẹn lại lên”, Vân tiếp tục nhờ mẹ ở quê làm khô bò rồi đóng hộp gửi xuống TPHCM để bán online.
“Tháng gần Tết này, nhu cầu mua bò khô chất lượng tăng cao nên có ngày tôi giao 20 - 30 đơn hàng. Mỗi đơn hàng 1-2kg, trị giá 700.000 đồng/kg nhưng không đủ bò khô để bán. Mẹ tôi phải huy động cả họ hàng ở quê làm ngày đêm mới đủ hàng trả khách”, chị Vân hào hứng.
Chị Đặng Bích Ngọc, trưởng phòng nhân sự một ngân hàng tại TPHCM chia sẻ, quê chị ở tận Quảng Nam và có giống gà tre thả vườn tuy nhỏ nhưng thịt rất thơm, ngon. Mỗi con gà nặng nhất cũng không quá 1,5 kg, giá từ 150.000 - 200.000đồng/kg. Tuy gà nhỏ, giá đắt nhưng rất nhiều người tìm mua vì phù hợp cho việc làm lễ cúng giao thừa, gia tiên ngày Tết. Đặc biệt, những chú gà trống choai choai, có bộ chân đẹp thì giá trị càng cao.
Có lợi thế từ nguồn gà thả vườn của quê hương mình, chị Ngọc nhờ ba mẹ ở quê cung cấp gà sống hoặc gà làm thịt cấp đông trong thùng xốp rồi vận chuyển vào cho con gái phân phối tại TPHCM. Nhờ bán gà vườn dịp tết mà Ngọc bỏ túi hơn 3 triệu đồng/tuần.
“Mấy năm nay ngân hàng thưởng tết ít lắm, thậm chí có năm không thưởng nên nếu không linh động bằng việc buôn bán này thì làm gì có tiền đón Tết. Tôi vui vì còn góp phần đưa sản phẩm gà sạch của quê nhà bay xa”, Ngọc tâm sự.
Dân văn phòng thường ngồi trước máy tính nên việc tranh thủ bán hàng qua mạng cũng tiện lợi hơn. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, trang rao vặt,... những ngày cận Tết này có khá nhiều "con buôn" thời vụ gia nhập thị trường. Chủ yếu các mặt hàng vẫn là đặc sản vùng miền như bơ sáp Đắk Lắk, dừa Bến Tre, trâu gác bếp Điện Biên, mận Bắc Hà, chả bò Đà Nẵng, nem Thanh Hóa, tỏi Lý Sơn....Nguồn thu nhập mang về từ việc kinh doanh qua mạng còn cao hơn cả lương thưởng một năm.
Tuy nhiên, không ít người “dở khóc dở cười” vì gặp nhiều khách hàng quái chiêu. “Nhiều khi ship (đi giao hàng) đến nơi mà điện hoài khách hàng không bắt máy, thế là phải quay ngược về, vừa tốn ship mà hàng đặc sản lại không để được lâu nên bị hư. Một ngày mà có 2 khách như thế thì thật không biết làm sao”, chị Mỹ Anh, nhân viên marketing công ty thời trang kiêm bán chả bò trải lòng.
“Nói thật, mua đồ đặc sản dịp Tết cũng là cách đi chợ mà ít tốn thời gian. Niềm tin vào người bán là yếu tố then chốt giúp tôi quyết định đặt đơn hàng”, anh Trần Khắc Thành, một người chuộng mua quà quê qua mạng tâm sự.