tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khoản nợ khổng lồ của Hoàng Anh Gia Lai đã vượt 33.000 tỷ đồng

  • Cập nhật : 25/08/2016

(Tai chinh)

Điểm đáng chú ý là trong khi tài sản ngắn hạn giảm gần 1.300 tỷ đồng so với đầu năm còn hơn 11.900 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn lại tăng hơn 2.300 tỷ đồng lên gần 15.600 tỷ đồng vào cuối quý II, đưa tổng nợ của tập đoàn này lên con số 33.023 tỷ đồng.

Sau hơn một lần lỡ hẹn với cổ đông và nhà đầu tư, đến nay, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) cũng đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2016.

hoang anh gia lai dang phai chiu suc ep lon tu no phai tra

Hoàng Anh Gia Lai đang phải chịu sức ép lớn từ nợ phải trả

Bảng cân đối kế toán cho thấy, tổng tài sản HAGL trong nửa đầu năm nay đã tăng đáng kể gần 1.950 tỷ đồng, lên hơn 51.000 tỷ đồng, tuy nhiên con số tăng đến từ việc gia tăng tài sản dài hạn. Theo đó, đến cuối tháng 6, HAGL có 39.244 tỷ đồng tài sản dài hạn, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so đầu năm, còn tài sản ngắn hạn lại giảm gần 1.300 tỷ đồng còn 11.931 tỷ đồng.

Điểm tích cực ở đây là lượng tiền mặt đã tăng hơn 450 tỷ đồng đạt trên 1.400 tỷ đồng vào cuối quý II.

Tổng nợ phải trả của HAGL vẫn tăng dần theo thời gian. Đến cuối quý II đã là 33.023 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, riêng nợ ngắn hạn lại tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với đầu năm, lên 15.582 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn và khoảng cách ngày càng nới rộng. Trong đó, riêng các khoản vay ngắn hạn của HAGL ở mức 10.212 tỷ đồng (tăng hơn 1.900 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, ngoài các con số đã được đề cập tại nghị quyết hội đồng quản trị mới công bố, BCTC cho thấy, với kết quả lỗ ròng 1.244 tỷ đồng trong quý II đã khiến kết quả lỗ ròng hợp nhất 6 tháng lên tới 1.153 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 913 tỷ đồng).

Chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh. Riêng quý II, chi phí tài chính gần gấp đôi lên 510,3 tỷ đồng đưa tổng chi phí tài chính 6 tháng lên mức 814,5 tỷ đồng, tăng 64,2% so cùng kỳ 2015. Trong đó, 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của HAGL là 782,5 tỷ đồng, tăng hơn 70% so cùng kỳ.

Thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối tháng 6, HAGL có 1.034,5 tỷ đồng nợ vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả và trên 2.900 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng.

BIDV là một trong những chủ nợ lớn của HAGL với khoản cho vay ngắn hạn lên tới 1.918,6 tỷ đồng và khoản vay dài hạn 2.837,7 tỷ đồng. Ngân hàng Eximbank cũng đang cho HAGL vay dài hạn 3.128,3 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là doanh thu 6 tháng vừa rồi của HAGL vẫn tăng 622 tỷ đồng so với năm ngoái song chỉ tiêu “lỗ khác” lại lên tới 942 tỷ đồng (tăng 779 tỷ đồng) nên đã dẫn đến việc tập đoàn phải ghi nhận lỗ lớn trong nửa năm vừa qua. Trong nghị quyết của hội đồng quản trị trước đó, lãnh đạo HAGL giải thích rằng, lỗ này do thanh lý dự án bất động sản tại TPHCM 413 tỷ đồng; đánh giá lại các tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các khoản lỗ do lãi vay.

Sau tái cơ cấu, HAGL hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và kinh doanh bò thịt, bò sữa; trồng và kinh doanh cao su, mía, cọ dầu và các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, công ty vẫn phát triển căn hộ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng để bán vào cho thuê; xây dựng; xây dựng và kinh doanh thủy điện; kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng; các hoạt động thể thao và giải trí.

Đến 30/6, HAGL có 8 công ty con trực tiếp, 31 công ty con gián tiếp, 2 công ty liên kết.

Đón nhận kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khá tiêu cực trong nửa đầu năm, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG của HAGL đã giảm còn 6.200 đồng trong phiên 24/8, sụt giảm hơn 87% so với mức giá thời điểm mới niêm yết hồi 2008.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục