Đối với các trường hợp Tòa án các cấp chấp nhận cho bổ sung tài liệu (do VAMC cung cấp sau khi mua bán nợ với TCTD) để tiếp tục giải quyết vụ kiện thì vẫn tiềm ẩn rủi ro về pháp lý.
Đầu tư ra nước ngoài: Có cách đi, sẽ tới
- Cập nhật : 17/04/2016
(Tin kinh te)
Với các DN, việc đầu tư ra nước ngoài không cần cứ phải là DN lớn có vốn Nhà nước, mà nếu có cách để thực hiện, việc “mang chuông đi đánh xứ người” đều có thể thực hiện được với khối DN tư nhân, thậm chí có cả những DN vừa và nhỏ.
Cơ hội nhiều
Đến nay DN tư nhân đầu tư ra nước ngoài đã khá phổ biến, thậm chí, nhiều DN đã thu được lợi nhuận lớn. Tính đến khoảng cuối năm 2015, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới là 441,9 triệu USD. Vốn đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các DN vừa và nhỏ ngày càng tăng. Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các DN tư nhân.
Trên thực tế, bên cạnh các Tổng công ty, DN có vốn Nhà nước, nhiều DN tư nhân như: Tập đoàn Sơn KOVA, Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Hoa Sen… thậm chí có cả các DN vừa và nhỏ cũng đang dốc sức để vươn mình ra thế giới. Tiêu biểu như cuối năm 2015, Tập đoàn TH True milk đã ký thỏa thuận đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Nga với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Cũng đầu tư sang Nga, Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh với mức đầu tư khoảng 30 triệu USD…
Đặc biệt, với sự thuận lợi về văn hóa cũng như địa lý, các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Thái Lan… ngày càng được các DN chú ý đến. Một số DN ngành Logistics đã chia sẻ về kế hoạch mở rộng sang các thị trường này để tận dụng sự mở cửa rộng hơn của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC). Vì thế, các DN này không chỉ thành lập văn phòng đại diện mà còn đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện để cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giao dịch XNK.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng AEC..., các DN Việt Nam đang có những thuận lợi lớn hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã có khung pháp lý đầy đủ hơn để khuyến khích, mở đường hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là Luật Đầu tư sửa đổi đã được thông qua cùng Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.
Làm từ nhỏ đến lớn
Với các DN tư nhân, việc đầu tư ra nước ngoài luôn cần sự tính toán cẩn trọng. Tiêu biểu như Tập đoàn Sơn KOVA, sau khi xây dựng được thị trường khá vững mạnh trong nước, Tập đoàn này đã tính tới việc đầu tư ra nước ngoài, để đưa những sản phẩm của mình vươn rộng ra thế giới. Tuy nhiên, để có được những cánh tay nối dài của KOVA ở Singapore, Malaysia, Campuchia và chuẩn bị vươn xa hơn nữa đến nhiều thị trường lớn như: Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, KOVA đã có những bước đi đầu tiên khá vững chắc.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KOVA, ngay từ đầu, KOVA đã chọn Singapore là thị trường mở màn, đây là thị trường khá gần gũi với Việt Nam nên thuận lợi hơn trong hợp tác, nhưng cũng để KOVA thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe của quốc đảo này. Vì có những kinh nghiệm khi thâm nhập thị trường và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Singapore, nên đây sẽ là bước đệm vững chắc để KOVA bước tiếp vào những thị trường mới.
Trái với việc tự mở rộng đầu tư ra nước ngoài, Vinamilk lại bắt đầu với hình thức mua lại cổ phần DN nước ngoài giúp làm cửa ngõ giao thương cho các hoạt động thương mại tại nước ngoài. Từ đó đến nay, Vinamilk đã có 1 công ty liên kết là Miraka Limited (New Zealand) cùng 3 công ty con là: Driftwood Dairy Holdings Corporation (Hoa Kỳ), Angkor Dairy Products Co., Ltd (Campuchia) và Vinamilk Europe Spóstka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia (Ba Lan).
Là một DN cỡ vừa và nhỏ, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch châu Á Thái Bình Dương (APT) chia sẻ, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Công ty sẽ mở rộng hơn nữa sang các nước Đông Nam Á và tiến tới một số quốc gia lớn tại châu Á, châu Âu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… Lý giải việc mở rộng sang các nước Đông Nam Á trước, theo ông Đài, vì các nước này gần gũi với Việt Nam, có nền văn hóa khá tương đồng nên bước đầu hoạt động sẽ thuận lợi hơn.
Đặc biệt, về cách để DN dần phát triển tại thị trường nước ngoài, ông Đài cho biết, DN cần phải làm từ nhỏ đến lớn. Đầu tiên, DN chỉ làm việc, hợp tác với một số đối tác nước ngoài để làm quen với thị trường, nắm bắt được đầu mối khách hàng, thói quen, cách làm việc tại nước đó. Sau một thời gian, DN mới đi đến thành lập văn phòng đại diện và tiến tới mở riêng chi nhánh của Công ty tại nước đó. Do đặc điểm là DN ngành du lịch, nên số vốn để DN đầu tư ra nước ngoài chỉ khoảng 10 triệu USD.
Hơn nữa, để thuận lợi hơn khi làm việc tại nước ngoài, theo ý kiến của một số DN, luật lệ của các quốc gia sẽ có nhiều điểm chung nhưng vẫn có sự khác biệt, nhưng nếu biết cách tận dụng thì DN sẽ làm được. Tuy nhiên, DN cần thuê riêng một văn phòng luật sư tại chính nước đó để tư vấn, làm các thủ tục giấy tờ liên quan.
Hương Dịu
(Theo Báo Hải Quan)