Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Cuối năm, nhân viên ngân hàng “làm thêm” đổi tiền lẻ
- Cập nhật : 03/01/2016
(Tai chinh)
Không phổ biến nhưng như “luật bất thành văn”, cuối năm nhân viên ngân hàng được một suất đổi tiền lẻ 5 triệu đồng cho chính mình, gia đình và đối tác để mừng tuổi dịp tết. Đối với những cán bộ tín dụng, những người có chức vụ cao, số tiền này nhiều hơn. Vì vậy, thị trường đã xuất hiện tình trạng gom tiền lẻ, “làm thêm” đổi tiền lẻ của một số nhân viên ngân hàng dịp tết.
"Mánh" gom tiền lẻ cuối năm
Trao đổi với phóng viên, chị Trần T. H., nhân viên của một ngân hàng tại phía Nam có chi nhánh tại Hà Nội cho hay: “Năm nào cũng áp lực về tiền lẻ, ai cũng hỏi cũng nhờ đổi tiền lẻ để mừng tuổi nhưng mỗi suất cho nhân viên chỉ 5 triệu đồng. Với nhiều người có chức vụ cao, nhân viên tín dụng và cỡ trưởng, phó phòng có quan hệ với bên quỹ tín dụng của ngân hàng nên chắc chắn sẽ được nhiều tiền lẻ hơn”.
Chị H. cho hay, nếu bạn có nhu cầu đổi nhiều tiền lẻ, mình sẽ giới thiệu cho nhân viên tín dụng, chắc họ sẽ có nhiều tiền lẻ hơn. Đặc biệt là khối tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng cho bất động sản, họ có thể có suất tiền lẻ nhiều hơn những cán bộ làm ở phòng giao dịch. Hơn nữa họ sẵn sàng đổi cho khách hàng đang làm hợp đồng nhà đất để gây dựng mối quan hệ.
Khi được hỏi vì sao có sự chênh lệch như vậy, chị H nói thêm, giới ngân hàng vẫn bàn nhau chuyện anh này, anh kia sao được nhiều suất tiền lẻ thế? Và câu trả lời đều chung chung là: Họ là nhân viên tín dụng, phải làm việc với nhiều khách hàng thân thiết dịp cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi được biết có trường hợp họ gom tiền lẻ rồi giao cho người khác để đưa ra ngoài đổi tiền lẻ ăn chênh lệch. Điều này nhiều người làm ngân hàng biết được nhưng ít ai nói ra.
Ông Tạ Kiều H, Giám đốc Phát triển sản phẩm và Phát triển kinh doanh của một cổ phần quốc doanh lý giải, chuyện tiền lẻ được đổi cho nhân viên ngân hàng là có, hình thức là đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ như quan hệ giao dịch bình thường của ngân hàng với khách hàng, không thu phí và chỉ giới hạn với số tiền nhất định, các cọc tiền được đổi đều có nhiều mệnh giá khác nhau nhằm chống bán ra thị trường.
Ông H nói thêm: “Thường thì các ngân hàng chỉ cho nhân viên đổi tiền lẻ khi giao dịch đổi tiền lẻ trên thị trường giữa khách hàng, ngân hàng không còn và lượng tiền lẻ còn tồn trong kho. Lúc ấy ngân hàng mới thực hiện đổi tiền lẻ cho nhân viên để mừng tuổi tết. Nếu ngân hàng đổi hết tiền lẻ cho khách rồi, ngân hàng cũng không có tiền lẻ đổi cho nhân viên được nữa”.
Tiền lẻ ngân hàng ra chợ đen!?
Đề cập tới việc đổi tiền lẻ "ăn" chênh lệch của nhân viên ngân hàng, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Tháng 6/2015, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định, người dân được đến các ngân hàng thương mại đổi tiền lẻ, tiền cũ, rách mà không phải mất chi phí. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi tiền lẻ của người dân tại ngân hàng nhiều lúc không suôn sẻ vì ngân hàng lấy lý do “hết tiền”.
Qua khảo sát của phóng viên Dân trí, thời điểm cận tết, hoạt động đổi tiền lẻ lại âm thầm diễn ra tại các cửa hàng vàng, ngoại tệ trên phố Hà Trung, Trần Nhân Tông (Hà Nội). Nhiều cửa hàng còn có những tập tiền mới nguyên cọc, có cùng dãy số seri để đổi cho khách.
Theo một dân buôn từng có thời gian tham gia nhóm đổi tiền lẻ, tiền USD mới tại phố Nguyễn Xí, cạnh Hồ Gươm (Hoàn Kiếm - Hà Nội), tiền lẻ cũ được các đối tượng này trao đổi với những địa điểm công đức ở đình, chùa, địa điểm trông giữ xe. Còn tiền lẻ mới cứng ở từng cọc, chủ yếu ở các cửa hàng vàng, thu đổi ngoại tệ. Tại đó, các “cò” tiền lẻ sẽ làm việc với người thứ 3 được cho là nhân viên tín dụng ngân hàng. Nếu đổi 5 triệu đồng trở lên, tỷ lệ ăn chia sẽ theo thỏa thuận, còn đổi từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng sẽ là 100 "ăn" 20 hoặc 100 "ăn" 10 tùy theo mệnh giá (đổi 100.000 đồng, phí là 20.000 đồng hoặc 10.000 đồng).
Theo ông Hiếu, nếu chỉ ở quan hệ đổi tiền lẻ giữa nhân viên ngân hàng với người thân, bạn bè hay đối tác để họ mừng tuổi, lì xì tết cho mọi người là chuyện bình thường, không đáng nói. Còn nếu những suất “ngoại giao tiền lẻ” này bị một số nhân viên tín dụng tuồn ra ngoài thị trường chợ đen, thị trường đổi tiền lẻ tại các chùa chiền, miếu mạo và ở các vùng nông thôn thì khác nào "con rắn bị chặt đầu này lại mọc đầu kia".
“Đổi tiền lẻ, mua bán tiền lẻ ngoài hệ thống ngân hàng đã bị cấm và đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đổi tiền lẻ vẫn âm thầm hoạt động, chưa bị triệt tiêu do còn nhiều kẽ hở. Đầu mối cung tiền lẻ có nhiều nhưng không loại trừ có tiền lẻ từ những suất “ngoại giao” không được kiểm soát chặt chẽ bị tuồn ra ngoài. Đây chính là đất sống cho các đối tượng đổi bán tiền lẻ hoạt động, kiếm chác cuối năm”, ông Hiếu bình luận