Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Chính sách tỷ giá mới: Bước đi cần thiết
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN sẽ giúp các thành viên tham gia thị trường dần thích nghi với những đòi hỏi từ hội nhập.
Nhìn lại sau một quý NHNN thực hiện điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định khá bền vững. Chuyên gia ngân hàng, TS. Võ Trí Thành đánh giá, chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN khá kịp thời, linh hoạt và cần thiết với diễn biến thị trường ngoại tệ. Điều này đã tác động tích cực đến diễn biến tỷ giá trong thời gian qua.
Vì sao ông nghĩ đây là chính sách cần thiết đối với thị trường?
Không phải đến bây giờ điều hành chính sách tỷ giá mới có bước thay đổi mạnh, cần thiết đối với thị trường. Ngay từ năm 2011 khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 11, công cụ tỷ giá đã được “giao” nhiệm vụ quan trọng là giảm vòng xoáy đô la hóa, góp phần kiềm chế lạm phát...
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, NHNN đã thực hiện chế độ neo tỷ giá tương đối ổn định, kết hợp với công cụ lãi suất nhằm duy trì tính hấp dẫn hơn của đồng VND so với USD. Theo đó, mỗi năm NHNN đều công bố “room” tỷ giá và giữ đúng như cam kết.
Qua đó củng cố lòng tin của người dân vào đồng VND. Cùng với các nhân tố kinh tế vĩ mô khác, trong gần 5 năm qua, tỷ giá góp phần kéo lạm phát xuống ở mức thấp. Thế nhưng, chúng ta đều biết, chính sách neo tỷ giá cũng có những khiếm khuyết, phí tổn của nó sẽ cao.
Ví như khả năng hấp thụ các cú sốc yếu hơn, và để duy trì chính sách, phí tổn NHTW bỏ ra chắc chắn cao hơn. Rõ ràng, để nâng cao tính chủ động, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng đòi hỏi một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa.
Có thể, với thay đổi điều hành trên, thường các DN không thích vì rủi ro cao hơn. DN phải tính toán nhiều hơn với phương án kinh doanh bởi DN Việt Nam chưa quen hoặc chưa thật chuyên nghiệp trong việc “chơi” trên thị trường phái sinh. Nhưng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì DN phải quen dần với điều này. Vì thế, tôi cho rằng, việc NHNN thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới từ đầu năm 2016 là phù hợp. Chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN sẽ giúp các thành viên tham gia thị trường dần thích nghi với những đòi hỏi từ hội nhập.
Quan sát diễn biến thị trường, ông thấy điều hành tỷ giá qua cơ chế mới đã có tác động ra sao?
Điều nhận thấy rõ nhất đó là chính sách linh hoạt, phản ánh tín hiệu thị trường làm tăng khả năng hấp thụ các cú sốc tốt hơn và đương nhiên phí tổn NHTW giảm đi; tăng khả năng kiểm soát cung tiền của NHNN. Một kết quả quan trọng nữa đó là hạn chế đầu cơ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng găm giữ ngoại tệ.
Sự ổn định tỷ giá cùng với yếu tố vĩ mô khác như thặng dư thương mại khá tốt (đến giữa tháng 3 khoảng 900 triệu USD), cán cân thanh toán tổng thể Việt Nam tốt, dòng tiền vào nhiều hơn dòng tiền ra… đã giúp NHNN mua một lượng ngoại tệ tương đối từ thị trường, góp phần gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; lòng tin vào VND vẫn tiếp tục được củng cố.
Thời điểm này, giữa đồng VND và USD, ông sẽ lựa chọn giữ đồng tiền nào?
Theo nhiều dự báo gần đây, từ nay đến cuối năm mức độ điều chỉnh tỷ giá chỉ khoảng 2,5 – 3% thay vì 3,5 – 4% trước đó. Nếu nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm nay cùng với áp lực phá giá tiền VND đang giảm dần thì cầm VND vẫn có lợi hơn. Nhưng bao giờ cũng thế trò chơi đầu tư, bên cạnh lợi tức còn phải lưu ý vấn đề thanh khoản. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu người dân vẫn giữ USD thì đó cũng là bình thường.
Ông dự báo thế nào về thị trường ngoại hối trong thời gian tới?
Dù chế độ tỷ giá mới đang diễn biến tích cực, nhưng chỉ là bước đi ban đầu trên con đường Việt Nam hội nhập tài chính sâu hơn. Khi đó, đồng tiền VND phải chuyển đổi đầy đủ hơn, cán cân thanh toán quốc tế mở cửa nhiều hơn…
Muốn làm được điều này phải mất thêm nhiều thời gian và cả chặng đường khó khăn trước mắt. Xu hướng càng về sau, điều hành tỷ giá càng phải linh hoạt hơn. Nhưng, theo tôi, với áp lực tỷ giá không nhiều thì trước mắt, năm nay có thể cả năm sau chưa cần có thay đổi chính sách tỷ giá.
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành chính sách, NHNN vẫn cần lưu ý đến ba vấn đề. Thứ nhất, quan hệ chế độ tỷ giá mới với chính sách tiền tệ ra sao để tạo điều kiện cho mức tự chủ tốt hơn trong kiểm soát cung tiền. Thứ hai, vẫn phải gắn với các hoạt động quy định trên thị trường ngoại hối như trạng thái ngoại hối; sự tham gia của NHNN vào thị trường phái sinh với các NHTM; giám sát hoạt động các NHTM thậm chí đến cả thị trường chợ đen. Thứ ba, chế độ tỷ giá này không chỉ liên quan đến chính sách tiền tệ mà còn liên quan phối hợp với các chính sách khác.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Huyền thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)