Các cuộc thi sắc đẹp thường chỉ yêu cầu nhiều về hình thức, nhưng để lọt vào “mắt xanh” các nhà tuyển dụng ngân hàng ở Việt Nam thì ứng viên vừa phải có hình thức tốt, kiến thức cao lại vừa phải có kinh nghiệm thực tế.
Bảo hiểm, Ngân hàng: Mong lùi áp dụng hợp đồng mẫu
- Cập nhật : 14/11/2015
(Kinh te)
Phía DN bảo hiểm và NH đều mong muốn chưa thi hành Quyết định 35/2015/QĐ-TTg để cùng phối hợp với Bộ Công Thương, Tài Chính rà soát lại.
Theo Quyết định 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành vào ngày 15/10 tới, Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước); Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng); Bảo hiểm nhân thọ sẽ được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC).
Việc bổ sung này theo cơ quan soạn thảo giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên phía DN bảo hiểm (DNBH) và NH đều mong muốn chưa thi hành Quyết định này để cùng phối hợp với Bộ Công Thương, Tài Chính rà soát lại.
Việc áp dụng Quyết định 35 tạo thêm thủ tục hành chính cho TCTD và có thể tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) khi DNBH tuân thủ quyết định này sẽ phát sinh hàng loạt khó khăn vướng mắc. Thứ nhất, trong khi chờ đợi được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm với các nội dung quy định và được thẩm định tại Thông tư 124, DNBH phải trình Bộ Công Thương và chờ phê duyệt mới được triển khai cung cấp bảo hiểm nhân thọ.
Điều này phát sinh gấp đôi thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chồng chéo chức năng quản lý Nhà nước về một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, trùng lặp nội dung kiểm soát trước do Bộ Tài chính đã thực hiện và không phù hợp với tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính.
Thứ hai, có sự chồng chéo về thẩm quyền giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong quản lý bảo hiểm nhân thọ.
Trường hợp Bộ Công Thương yêu cầu thay đổi một số nội dung, cách diễn giải trong hợp đồng bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính thì DNBH phải sửa đổi theo và trình lại Bộ Tài chính để được phê chuẩn, nếu Bộ Tài chính chưa phê chuẩn thì không được triển khai sản phẩm bảo hiểm, như vậy sẽ kéo dài thời gian cho thủ tục phê chuẩn này.
Trường hợp Bộ Tài chính không chấp thuận phê chuẩn những nội dung của Bộ Công Thương yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì DNBH tiến thoái lưỡng nan đành phải hủy bỏ sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước đây vì nếu thực hiện sẽ vi phạm yêu cầu của Bộ Công Thương. Điều này làm tốn kém chi phí nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối cho DNBH nhân thọ từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/sản phẩm.
“Theo cách hiểu của các DNBH nhân thọ tại Quyết định 35, kể từ ngày 15/10/2015, đối với các sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và đã triển khai bán trên thị trường bảo hiểm trước ngày Quyết định 35 có hiệu lực nếu các DNBH nhân thọ còn bán trên thị trường thì phải đăng ký với Bộ Công Thương mới được tiếp tục phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, riêng năm 2014, theo thống kê thì doanh thu của toàn thị trường là khoảng 2.362 tỷ đồng/tháng và năm 2015 ước đạt gần 3.000 tỷ đồng/tháng. Như vậy, thiệt hại về kinh doanh đối với DNBH nhân thọ là rất lớn khi phải chờ hướng dẫn đăng ký của Bộ Công Thương đối với đặc thù của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Lực lượng lao động của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng không nhỏ với số lượng đại lý khoảng 338.000 người (tính đến hết tháng 6/2015), việc tạm dừng phân phối bảo hiểm nhân thọ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm của lực lượng lao động này...”, đại diện AVI phân tích.
Về phần mình, ngay khi góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Bộ Công Thương, NHNN đề nghị không bổ sung 4 nhóm dịch vụ NH nêu trên vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vì không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với thực tiễn.
Bởi lẽ, việc coi các dịch vụ NH này là dịch vụ thiết yếu là không có căn cứ pháp lý. Bên cạnh đó, các dịch vụ này không phải là các dịch vụ không thể thay thế được. Hay nói cách khác, để đáp ứng nhu cầu của mình, người tiêu dùng có thể lựa chọn nhiều dịch vụ khác thay thế. Ví dụ: Để thực hiện thanh toán, người tiêu dùng có thể sử dụng tiền mặt hoặc các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác như séc, hối phiếu, chuyển tiền, ví điện tử... mà không bắt buộc phải sử dụng dịch vụ thẻ NH.
Ngoài ra, theo quy định của Luật NH Nhà nước và Luật Các TCTD, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước đối với dịch vụ này, do đó, việc bổ sung các dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều khoản giao dịch chung để Bộ Công Thương kiểm soát nội dung hợp đồng mẫu và điều khoản giao dịch chung là không cần thiết, tạo thêm thủ tục hành chính cho TCTD và có thể tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công Thương, trong trường hợp HĐTM được đăng ký, mỗi năm, một người dân Việt Nam sẽ tiết kiệm 1.000 đồng chi phí tranh tụng, nếu nhân với dân số khoảng 102 triệu người thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 102 tỷ đồng. NHNN cho rằng, đánh giá như vậy là chưa đúng với thực tế bởi không phải 102 triệu người dân đều dùng dịch vụ này.
Trước thực trạng này, AVI và phía các NHTM mong muốn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cho phép tạm thời chưa triển khai áp dụng Quyết định 35 để phối hợp với các Bộ: Tài chính và Công Thương cùng nghiên cứu và hướng dẫn thống nhất cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và NH thực hiện các quy định của chính phủ, loại trừ các quy định chồng chéo và giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí phát sinh.