Quỹ Ton Poh có lợi nhuận cao hơn 99% các đối thủ trong vòng 5 năm qua.
Thách thức mới của vị tư lệnh ngành ngân hàng giai đoạn tiếp theo
- Cập nhật : 17/02/2016
(Tin kinh te)
Theo một số chuyên gia, với đặc thù ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là một vị trí có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thậm chí được "va đập" mạnh mẽ với nhiều điểm nóng. Và thách thức của ngành ngân hàng trong các năm tới vẫn còn rất lớn.
Mỗi thời một “gánh”
Tính đến nay, có 13 nhân vật từng đảm trách vị trí cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam. Khi thành lập, chức danh của người đứng đầu (Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và sau là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) là Tổng giám đốc. Từ tháng 4 năm 1989, chức danh này được gọi là Thống đốc và đánh dấu giai đoạn ngành Ngân hàng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới của nền kinh tế thị trường.
Trên cương vị Thống đốc đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1989 – 1997), ông Cao Sỹ Kiêm khi ấy nhận nhiệm vụ của người đứng đầu ngành trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn của những năm đầu giai đoạn đổi mới. Trong thời gian này, ông Kiêm đã góp phần giúp ngành ngân hàng nối lại quan hệ với hầu hết các định chế tài chính lớn trên thế giới, điều hành và quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất và các công cụ tiền tệ của hệ thống ngân hàng, đưa tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số xuống còn một con số và giữ ổn định trong một thời gian dài sau đó. Việc đổi mới hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc kinh tế thị trường cũng bắt đầu.
Sau đó, vào năm 1998, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi ấy là Phó Thủ tướng thường trực) đã kiêm nhiệm chức vụ Thống đốc tuy nhiên chỉ trong thời gian rất ngắn.
Trong giai đoạn 2000 – 2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bấy giờ là ông Lê Đức Thúy và hình ảnh của ông gắn liền với sự ra đời của những đồng tiền polymer hiện nay. Ông Thúy làm lãnh đạo trong bối cảnh ngành ngân hàng đã gặp phải những thách thức lớn trong việc in tiền polymer mới có chất lượng tốt nhằm hạn chế tình trạng tiền giả trên thị trường.
Ngoài ra, dưới thời thống đốc Lê Đức Thúy cũng là lần đầu tiên ngành ngân hàng đối mặt với hiện tượng người dân đồng loạt đến rút tiền tại các ngân hàng khi cảm thấy tiền gửi của mình bị đe dọa lan truyền từ việc ngân hàng ACB đối mặt với nhiều tin đồn xấu phá sản.
Khi đó, Thống đốc Lê Ðức Thuý, các Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã trực tiếp đến ACB, lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt này, đồng thời ra văn bản cam kết chi trả đầy đủ mọi nhu cầu rút tiền mặt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà các thế hệ sau học tập từ ông Lê Đức Thúy.
Vị kế nhiệm tiếp theo là Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Những năm 2007- 2011 là câu chuyện đầy sóng gió của thời kỳ nở rộ ngân hàng: “ra ngõ là gặp ngân hàng”. Hàng loạt ngân hàng nông thôn được “lột xác” thành đô thị thời đó gồm An Bình, Mê Kông, Phương Tây, Đại Dương, Sài Gòn - Hà Nội, Nam Việt, Dầu khí Toàn cầu, Kiên Long, Đại Tín, Đại Á, và Xăng dầu Petrolimex,.... Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng, các ngân hàng đã được "mặc áo mới" và chuyển đổi lên thành thị với số vốn từ 500 tỷ đến vài nghìn tỷ đồng, phạm vi hoạt động rộng hơn.
Đặc biệt, tháng 8/2008, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra, đã tác động xấu toàn diện cả nền kinh tế, trong đó trầm trọng nhất là thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản, kéo theo nhiều hệ lụy bất ổn cho nền kinh tế, nhất là lạm phát tăng đến 2 con số.
Từ tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau 3 năm đảm đương vai trò Phó thống đốc. Ở tuổi 50, ông nhậm chức khi những yếu kém và bất cập của hệ thống ngân hàng vốn dĩ đã tồn tại nhiều năm, bấy giờ bộc lộ gay gắt hơn dưới tác động của kinh tế vĩ mô bất ổn.
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng quá nóng với tỷ lệ lạm phát lên tới 18,6% và ngành ngân hàng đang gặp rắc rối lớn vì quy trình quản lý lỏng lẻo, nạn tham ô và quy chế cho vay quá dễ dàng...
Dưới thời của ông Bình, nhiều biện pháp mạnh tay đã được thực hiện như kiểm soát thị trường vàng; mạnh tay xử lý nợ xấu giúp hệ thống tránh được nguy cơ sụp đổ sau khi "cục máu đông" lên tới 20 tỷ USD ấy làm ảnh hưởng toàn hệ thống, khiến thị trường bất động sản chao đảo cùng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản.
NHNN những năm gần đây cũng đã góp phần giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2015, đồng thời những biện pháp can thiệp vào tỷ giá giúp bảo vệ nền kinh tế (vốn hướng về xuất khẩu) trước các cú sốc từ bên ngoài.
Đồng thời, thực hiện cuộc tái cấu trúc trên toàn bộ hệ thống, sau một loạt vụ M&A, những ngân hàng yếu kém đã được thanh lọc, sáp nhập vào các ngân hàng lớn, và lần đầu tiên có khái niệm “ngân hàng 0 đồng” xuất hiện trên thị trường. Một công ty quản lý tài sản để giúp giảm nợ xấu từ mức 17,2% hồi tháng 9/2012 xuống dưới 3% vào cuối năm 2015, dù nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Và dưới thời thống đốc Bình, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một tư lệnh trưởng thành và đi lên từ ngành ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Thách thức nào đang chờ vị tư lệnh giai đoạn tiếp theo?
Theo một số chuyên gia, với đặc thù ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là một vị trí có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thậm chí được "va đập" mạnh mẽ với nhiều điểm nóng. Và thách thức của ngành ngân hàng trong các năm tới vẫn còn rất lớn, nhất là cho vị thống đốc mới nếu có.
Đầu tiên có thể kể đến quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng mới chỉ đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu bảo đảm một hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả bền vững.
Một vấn đề nhức nhối khác là lãi suất cho vay vẫn quá tầm với của doanh nghiệp. So với các quốc gia khác, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao khiến các doanh nghiệp trong nước "nghẹt thở". Đặc biệt, bài toán lãi suất sẽ tiếp tục là gánh nặng khi mỗi ngày vẫn bào mòn lợi nhuận cùng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp hiện nay, với mức lãi suất trung và dài hạn từ 9-11%, dù đã giảm đáng kể so với thời 18 - 20% của những năm trước nhưng vẫn quá cao so với mặt bằng lãi suất huy động cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn còn rất gian nan.
Thứ ba là về tỷ giá. Thời gian qua, tình trạng đô la hóa đã được giảm thiểu đồng thời VND được nâng cao vị thế. Tuy nhiên, tỷ giá của thị trường trong nước vẫn chịu nhiều tác động từ bên ngoài, giống như từng xảy ra trong năm 2015. Diễn biến kinh tế thế giới năm nay, nếu không có sự chủ động linh hoạt và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ban ngành thì tâm lý nặng nề sẽ không được giải tỏa, dẫn đến điều hành sẽ khó khăn.
Thách thức tiếp theo là lạm phát. CPI năm 2015 tuy chỉ mức 1% tuy nhiên theo nhiều cảnh báo, năm 2016 cũng không thể chủ quan. Lạm phát 2015 có tác động bởi yếu tố hàng hóa thế giới giảm như giá dầu. Năm 2016, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý thì lạm phát cũng không thể duy trì thấp như năm 2015.
Và một thách thức nữa là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Toàn bộ hệ thống sẽ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình và xử lý nợ xấu theo các Đề án đã được Chính phủ thông qua, tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, và đặc biệt làm thế nào để hệ thống ngân hàng còn non trẻ của Việt Nam cạnh tranh được với các ngân hàng toàn cầu và khu vực…
Mai Ngọc
Theo Trí thức trẻ/CafeF