tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhật Bản tham vọng giành hợp đồng tàu ngầm trị giá 35 tỷ USD

  • Cập nhật : 15/11/2015

(The gioi)

Nhật Bản sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ châu Âu và chế tạo hạm đội tàu ngầm cho Úc ngay tại các xưởng đóng tàu ở nước này, một quan chức cấp cao của Nhật tuyên bố, trong một nỗ lực nhằm giành hợp đồng trị giá gần 35 tỷ USD, một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới.

mot tau ngam lop soryu cua nhat ban (anh: afp)

Một tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Ông Masaaki Ishikawa, Tổng Giám đốc đặc trách mua bán vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Nhật, đã khẳng định thông tin trên trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters. Ông Ishikawa cũng nói thêm rằng Tokyo sẵn sàng huấn luyện hàng trăm kỹ sư Úc tại trung tâm đóng tàu ngầm Kobe của Nhật cũng như tại Úc.

Đó là những bình luận đầu tiên từ một quan chức Nhật trực tiếp tham gia vào nỗ lực của Tokyo nhằm giành một trong những hợp đồng quốc phòng “nặng đô” nhất thế giới, trong đó Nhật sẵn sàng chế tạo các tàu ngầm tàng hình hoàn toàn tại Úc, nơi việc làm là một vấn đề chính trị nóng bỏng. Canberra dự kiến sẽ đặt hàng từ 8-12 tàu ngầm tàng hình.

“Dù Úc chọn phương án nào, chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp việc chuyển giao thông nghệ và các kỹ năng cần thiết”, ông Ishikawa nói. “Chúng tôi sẽ tối ưu hóa vai trò của ngành công nghiệp Úc”.

Nhật Bản từng là ứng số viên số 1 cho hợp đồng nhằm thay thế các tàu ngầm lớp Collins đã cũ của Úc với một phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Soryu cho tới khi Thủ tướng Úc khi đó là Tony Abbott, dưới sức ép của các nghị sĩ đảng cầm quyền và đối lập, tuyên bố mở cuộc đấu thầu quốc tế công khai hồi tháng 2.

Cạnh tranh với Nhật Bản có tập đoàn đóng tàu ThyssenKrupp của Đức và tập đoàn đóng tàu DCNS của Pháp.

Trong khi Nhật tìm cách nhấn vào các khả năng vượt trội của tàu ngầm nước này thì ThyssenKrupp và DCNS đều tuyên bố sẽ mở các xưởng đóng tàu ngầm ngay trên đất Úc trong khuôn khổ các đơn dự thầu của họ.

Các công ty châu Âu đã nỗ lực thuyết phục ngành công nghiệp quốc phòng Úc và các chính trị gia nước này, trong khi các nỗ lực của Nhật dường như không có kết quả.

Các nguồn tin cho biết, việc ông Abbott bị lật đổ khỏi cương vị thủ tướng hồi đầu tháng 9 là một đòn giáng mới nhằm vào Tokyo vì ông này vốn có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Ông Ishikawa cho hay Nhật Bản có thể đưa ra 3 phương án theo đề xuất của Canberra: 1, hoàn toàn chế tạo tại Úc; 2, những chiếc đầu tiên chế tạo tại Nhật và một số chế tạo tại Úc; 3, hoàn toàn chế tạo ở nước ngoài. Ông Ishikawa nói rằng Canberra tự do trong việc đánh giá các rủi ro và chi phí của mỗi phương án.

Một ủy ban cố vấn dự kiến sẽ đưa ra những lời khuyên về các đơn dự thầu cho chính phủ Úc vào tháng 11 tới. Hợp đồng cũng bao gồm chương trình bảo dưỡng cho các tàu ngầm.

Kỳ vọng lớn của Thủ tướng Abe

Nhật Bản đang chào mời một phiên bản của tàu ngầm diesel điện Soryu, do các hãng Mitsubishi và Kawasaki hợp tác chế tạo.

ThyssenKrupp, đang chào mời tàu ngầm Type 214, cho biết hãng này có thể biến một xưởng đóng tàu hải quân tại bang Nam Úc thành một trung tâm bảo dưỡng và đóng tàu ngầm cho châu Á.

Trong khi đó, DCNS tuyên bố có thể chia sẻ lần đầu tiên công nghệ tàng hình với chính phủ Úc và cũng đang lên kế hoạch một gói các sáng kiến kinh tế.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rất kỳ vọng vào hợp đồng này, sau khi Tokyo hồi tháng 4 đã dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài nhiều thập niên đối với việc xuất khẩu vũ khí trong khuôn khổ một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn. Nhật Bản chưa giành được hợp đồng vũ khí lớn nào với nước ngoài kể từ đó, do chưa có kinh nghiệm trong việc quảng bá tới các thị trường vũ khí toàn cầu.

Hồi tháng trước, ông Ishikawa và các quan chức công nghiệp và chính phủ của Nhật Bản đã tới thủ phủ Adelaide của bang Nam Úc để quảng bá tàu ngầm Soryu. Tuy nhiên, họ đã vấp phải những chỉ trích về việc không mặn mà trong cam kết chế tạo tất cả các tàu ngầm tại Úc.

Ông Ishikawa cho biết nhóm quan chức Nhật sẽ có các buổi thuyết trình về tàu ngầm Nhật và đưa ra một thông điệp rõ ràng tại Sydney vào tháng tới trong một nỗ lực nhằm giành lại lợi thế.

Ngoài việc nêu bật các lợi thế kỹ thuật trong đơn dự thầu của Tokyo, ông Ishikawa còn cho biết nhóm quan chức cũng sẽ chú trọng tới đầu tư của Nhật tại Úc, nhấn mạnh tới sự hợp tác công nghiệp trước đây và nói về lợi ích của việc xây dựng quan hệ an ninh với một nước cũng là đồng minh của Mỹ tại châu Á, thay vì mua tàu từ châu Âu xa xôi.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục