Lộ trình hướng tới nền kinh tế không sử dụng tiền mặt (cashless/non-cash) của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản.
Quỹ 1MDB - Vụ bê bối làm rúng động cả thế giới tài chính
- Cập nhật : 29/05/2018
Một ủy ban Quốc hội Malaysia đã xác định được ít nhất 4.2 tỷ USD dưới dạng giao dịch bất thường có liên quan tới quỹ 1MDB - Quỹ đầu tư quốc gia Malaysia.
Quỹ đầu tư quốc gia Malaysia, 1MDB, lẽ ra hoạt động với mục tiêu thu hút khoản đầu tư nước ngoài. Nhưng không, quỹ này lại làm nảy sinh những cuộc điều tra hình sự và pháp lý trên toàn thế giới và tạo ra những hình ảnh không tốt về khía cạnh tạo thỏa thuận tài chính, chi tiêu bầu cử và sự bảo trợ chính trị dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak.
Một ủy ban Quốc hội Malaysia đã xác định được ít nhất 4.2 tỷ USD dưới dạng giao dịch bất thường có liên quan tới quỹ 1MDB. Ông Najib Razak vừa thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2018 vì vụ bê bối trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ những cử tri, qua đó chấm dứt 61 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận Quốc gia (Barisan Nasional).
1. 1MDB là gì?
Đây là một công ty đầu tư của Chính phủ Malaysia – có tên đầy đủ là 1Malaysia Development Bhd. – được thành lập trong năm 2009 dưới thời của ông Najib, người đứng đầu ban tư vấn của Công ty. Các sáng kiến ban đầu của 1MDB bao gồm mua lại các nhà máy điện tư nhân và lên kế hoạch xây dựng khu phố tài chính mới ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, quỹ này lại nổi tiếng ở khoản đi vay nhiều hơn là thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn. Tính tới nay, 1MDB có tổng nợ tích lũy là 12 tỷ USD.
2. Vấn đề gì xảy ra?
Các chuyên viên điều tra đã và đang cố gắng lần theo các dấu vết để trả lời cho câu hỏi: Liệu dòng tiền có chảy vào 1MDB và được chuyển bất hợp pháp qua các tài khoản cá nhân hay không. Một phần tiền được cho là đã đi vào túi của ông Najib và gia đình ông, bao gồm cả khoản tiền 681 triệu USD nằm trong tài khoản ngân hàng cá nhân của Najib, theo lời của các công tố viên của Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Malaysia, được hậu thuẫn bởi các cơ quan chức trách Ả-rập Xê-út, cho biết khoản tiền 681 triệu là khoản tiền do gia đình hoàng gia Ả-rập Xê-út hiến tặng – phần lớn đã được thu hồi. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng khoản tiền trên đến từ một pháp nhân ở nước ngoài có tên Tanore Finance.
Ngoài ra, một khoản tiền 700 triệu USD thuộc quỹ 1MDB dành cho mối quan hệ liên doanh với một công ty có tên PetroSaudi International được phát hiện là đã chuyển vào một tài khoản không liên quan ở nước ngoài.
3. Tại sao vấn đề này lại quan trọng?
Nếu Malaysia hợp tác thì có thể giúp các chuyên viên điều tra trên thế giới ghép nối với nhau để tìm ra bao nhiêu tỷ USD đã bị biển thủ và rửa tiền thông qua các trung tâm tài chính ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Mỹ cho biết hơn 4.5 tỷ USD đã được rót vào quỹ 1MDB, thông qua một mạng lưới phức tạp, bao gồm các giao dịch mù mờ và các công ty vỏ bọc giả mạo, để tài trợ cho các khoản chi tiêu phung phí của các quan chức tham nhũng và những cộng sự của họ.
Có cáo buộc cho rằng một nhóm người Malaysia đã chuyển tiền từ quỹ 1MDB sang các tài khoản cá nhân – vốn làm giả để trông như là các doanh nghiệp hợp pháp, và chuyển một phần cho các quan chức. Trả lời cho câu hỏi “họ đã làm như thế nào” có thể góp phần khép lại những lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu – một mầm móng làm nảy sinh những hành động sai trái như trên.
4. Ai đang điều tra?
Hiện có ít nhất 10 quốc gia tham gia cuộc điều tra có liên quan tới quỹ 1MDB, tập trung vào các khoản tiền tham nhũng hoặc nạn rửa tiền. Bộ Tư pháp Mỹ đang cố gắng thu hồi khoảng 1.7 tỷ USD tài sản mà họ cho là đã được mua lại trái phép thông qua lượng tiền từ quỹ 1MDB, bao gồm bất động sản, tranh nghệ thuật, một chiếc du thuyền hạng sang và lượng tiền từ bộ phim “Sói già Phố Wall”.
Singapore và Thụy Sỹ đã áp lệnh phạt tài chính lên một vài ngân hàng vì những sai sót trong quá trình kiểm soát rửa tiền có liên quan tới các dòng vốn từ 1MDB. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những nhân chứng có thể quá sợ về việc tiết lộ với các chuyên viên điều tra Mỹ vì họ sợ bị trả thù. Chính quyền mới của Malaysia hiện đang khởi động cuộc điều tra của riêng họ.
5. Ông Najib nói gì?
Kể từ khi thất bại trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 5/2018, cựu Thủ tướng Malaysia liên tục phủ nhận những hành vi sai trái và khăng khăng cho là mình vô tội. Phát biểu vài tuần trước cuộc Tổng tuyển cử, ông Najib cho biết quỹ 1MDB có vấn đề quản trị nhưng “bạn không thể chỉ cáo buộc một người nào đó là kẻ cắp hoặc thứ gì đó mà không có bằng chứng. Mọi chuyện đã rõ và chẳng có hành vi sai trái nào”. Ông cũng thừa nhận có một vài tác động về mặt danh tiếng đến cả Malaysia và chính quyền của ông. “Tôi lẽ ra không nên có kiểu mô hình kinh doanh đó, có lẽ tôi sẽ đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn”, ông nói về 1MDB. “Nhưng chúng tôi đều học được từ những sai lầm của mình”.
6. Những ai có liên quan?
Mặc dù không phải tất cả đều bị cáo buộc vì hành vi sai trái, nhưng những chuyên gia tài chính và những công ty tài chính dưới đây được cho là một phần của câu chuyện 1MDB:
- Low Taek Jho, người làm công việc tư vấn cho 1MDB, được các công tố viên Mỹ mô tả là nhân vật trung tâm đã lập nên các công ty vỏ bọc để thu thập lượng tiền từ quỹ 1MDB và dàn xếp việc rút hàng chục triệu USD để chi cho các quan chức thuộc chính quyền Malaysia và cho các khoản chi tiêu phung phí của chính mình. Ông ấy là nhân vật quan trọng trong các cuộc điều tra ở Singapore và tờ The Wall Street Journal cho biết các cơ quan chức trách Mỹ có thể tố tụng hình sự ông Low Taek Jho. Trong tháng 7/2017, ông Low cho biết việc cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa ông và những lời nhận tội trong các cuộc điều tra liên quan tới quỹ 1MDB đều dựa trên “các giả định vô căn cứ”. Trước đó, ông cũng phủ nhận mình có thực hiện những hành vi sai trái.
- Riza Aziz, con trai riêng của ông Najib và bạn của ông Low Taek Jho, là người đồng sáng lập ra công ty sản xuất phim. Được biết, công ty này đã trả 60 triệu USD để giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp Mỹ rằng họ đã tài trợ cho bộ phim “Sói già Phố Wall” bằng tiền từ quỹ 1MDB.
- Falcon Private Bank – một ngân hàng có trụ sở ở Zurich và có liên quan tới lượng vốn 3.8 tỷ USD từ quỹ 1MDB – đã bị yêu cầu ngừng hoạt động ở Singapore, còn Thụy Sỹ đe dọa rút giấy phép hoạt động của họ nếu vi phạm quy định chống rửa tiền một lần nữa.
- BSI SA, một ngân hàng Thụy Sỹ đã tồn tại 143 năm và có làm việc với quỹ 1MDB, đã mất giấy phép kinh doanh ở Singapore vì đã vi phạm quy định chống rửa tiền.
- Goldman Sachs đã thu về 593 triệu USD từ 3 đợt bán trái phiếu đã huy động 6.5 tỷ USD cho 1MDB trong năm 2012 và 2013. Trong năm 2015, ngân hàng này cho biết khoản phí và hoa hồng phản ánh các rủi ro bảo lãnh mà họ giả định. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng của New York đã yêu cầu Goldman Sachs tóm tắt công việc đã thực hiện cho 1MDB. Các công tố viên và cảnh sát của Singapore đã phỏng vấn các cựu Giám đốc và các Giám đốc hiện tại của Goldman Sachs có liên quan tới đợt chào bán trái phiếu cho 1MDB. Ngoài ra, họ cũng điều tra mối liên hệ giữa Goldman Sachs và ông Low.
- Tim Leissner, từng là Chủ tịch khu vực Đông Nam Á tại Goldman Sachs, đã viết một lá thư giới thiệu trái phép cho ông Low trên tiêu đề thư của ngân hàng. Ông đã từ chức trong tháng 2/2016. Singapore đã cấm ông tham gia ngành chứng khoán trong 10 năm. Còn cơ quan chứng khoán Mỹ thì cấm vĩnh viễn.
- UBS Group AG, DBS Group Holdings Ltd., Credit Suisse Group AG, United Overseas Bank Ltd. và Standard Chartered Plc là những tổ chức bị Ngân hàng Trung ương Singapore phạt vì những sai lầm trong quá trình chống rửa tiền. Họ cho biết sẽ củng cố các biện pháp kiểm soát trong các doanh nghiệp của mình.
- Cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sỹ sẽ thực hiện rà soát chi tiết về các biện pháp chống rửa tiền của JPMorgan Chase sau khi nhận thấy ngân hàng đã vi phạm quy định nghiêm trọng trong các thỏa thuận với 1MDB.
- Singapore đã cấm ít nhất 8 chuyên gia tài chính có liên quan với 1MDB.
Theo Vũ Hạo - vietstock.vn