Ông Nguyễn Văn Giàu từng có lúc bị đề nghị kiểm điểm, liên quan tới thời kỳ nở rộ ngân hàng...
Vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực môi trường thấp: Đâu là "rào cản"?
- Cập nhật : 25/10/2015
(Tai chinh)
Trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, lĩnh vực môi trường thu hút ít hơn hẳn so với các lĩnh vực khác, dù áp lực môi trường ngày càng cao. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải thu hút vốn nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, đặc biệt là khi Hiệp định TPP vừa hoàn tất đàm phán.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, đến tháng 9/2015 mới chỉ có 2 trong tổng số 12 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tính đến tháng 9/2015, tới 50% khu đô thị mới chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; riêng các khu đô thị hiện hữu mới xây dựng được 1 nhà máy xử lý nước thải.
Chưa kể, tới 80% trong tổng số 12 triệu tấn chất thải rắn đô thị phát sinh hằng năm đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, đòi hỏi diện tích lớn nhưng có nguy cơ phát sinh ô nhiễm thứ phát rất cao. Chính vì vậy, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là rất cấp thiết.
Theo ông Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), đầu tư FDI trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường (HH&DVMT) có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nếu như 2011 nguồn vốn đầu tư vào các dự án nước thải và chất thải rắn mới chỉ đạt khoảng 710 triệu USD thì đến năm 2013 con số này là gần 1,3 tỷ USD. Năm 2005 chỉ có 5 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực này thì hiện đang có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia.
Theo một khảo sát mới đây của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-Mutrap), kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực HH&DVMT tại Việt Nam tương đối khả quan.
Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường pháp lý của Việt Nam về đầu tư trong các lĩnh vực HH&DVMT đang có nhiều thuận lợi. Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư với các chính sách miễn, giảm phí thuê đất và sử dụng đất; nhập khẩu sản phẩm với mức thuế 0% khi đầu tư vào các lĩnh vực hoặc các khu vực địa bàn được khuyến khích đầu tư… Mặc dù vậy, mức vốn đầu tư trong các lĩnh vực về HH&DVMT vẫn còn tương đối thấp so với tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
"Nhu cầu về vốn cho bảo vệ môi trường của Việt Nam rất cao, năm sau luôn tăng hơn năm trước. Dự kiến đến năm 2020 tổng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ ở mức hơn 40.000 tỷ đồng", ông Lại Văn Mạnh cho biết.
Hay vướng "rào cản"?
Đánh giá cao các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực HH&DVMT, nhưng phần lớn các doanh nghiệp FDI cho rằng vẫn còn nhiều rào cản trong các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Khảo sát của EU-Mutrap tại các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, nhà đầu tư phàn nàn sự thiếu minh bạch của pháp luật cũng như rào cản ngôn ngữ đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính như: đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, giấy phép môi trường… còn phức tạp khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, chính sách miễn thuế thực hiện không thống nhất giữa các địa phương cũng tạo ra khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh…
Các doanh nghiệp FDI kiến nghị các quy định pháp lý cần được soạn thảo dễ hiểu, dễ áp dụng; đấu thầu minh bạch về xây dựng các dự án bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có một đường dây nóng để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được các thông tin chính thức từ Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường), chính sách về dịch vụ môi trường ở Việt Nam hiện mới tập trung vào giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường trước mắt và chưa thực sự được xem là ngành dịch vụ trên cơ sở cung - cầu và có định hướng lâu dài.
Do vậy, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cần hiện thực hóa các chính sách hiện hành nhằm tạo lập môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng, các chính sách trong lĩnh vực HH&DVMT hiện khá toàn diện và đầy đủ nhưng còn thiếu hướng dẫn cụ thể để tăng cường nguồn lực phát triển dịch vụ môi trường, đặc biệt là cơ chế ưu đãi, khuyến khích, cũng như thị trường cạnh tranh, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.