Đã có thêm nhiều cái tên ngân hàng tham gia vào chặng đua lãi suất với tần suất điều chỉnh nhiều hơn, biên độ tăng mạnh hơn các đối thủ khác.
Việt Nam sẽ học cách xử lý nợ xấu của Trung Quốc?
- Cập nhật : 29/10/2015
(Tai chinh)
Các công ty quản lý tài sản của Trung Quốc đang bán ra những tài sản có rủi ro cao nhưng đi kèm với mức lợi suất hấp dẫn trên thị trường thứ cấp.
Bạn sẽ thấy một chút ngạc nhiên khi đến thăm trụ sở của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tòa nhà không có thang máy và mang phong cách trang trí của những năm 1980 chính là nơi làm việc của những cán bộ đang ráo riết xử lý các khoản nợ xấuđè nặng hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trong khi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của các nước láng giềng châu Á khác (như Thái Lan và Indonesia) và cả Trung Quốc tăng lên, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt đã giảm từ mức 17,2% tổng dư nợ trong năm 2012 xuống còn 2,9% tính đến hết tháng 9 vừa qua.
Kể từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2013, VAMC đã giúp các ngân hàng xóa bỏ khoảng 10 tỷ USD ra khỏi sổ sách. Đổi lại, các ngân hàng đã được tái cấp vốn bằng 8,5 tỷ USD trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Trao đổi với phóng viên Reuters, Chủ tịch của VAMC - ông Nguyễn Quốc Hùng – chia sẻ trong thời gian qua VAMC đã từng bước xử lý nợ xấu của các ngân hàng. “Không có khoản nợ xấu nào đáng sợ, những cái nào sợ nhất thì phải xử lý trước, cái nào vẫn còn có tương lai thì xem xét từng bước, và cái nào khắc phục được thì tìm cách khắc phục hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trên thực tế VAMC không thực sự mua các khoản nợ xấu mà chỉ “cất giữ” chúng và giúp các ngân hàng tái cơ cấu hoặc bán những khoản nợ này. Rủi ro vẫn thuộc về các ngân hàng và họ phải trích lập dự phòng nợ xấu từ lợi nhuận hàng năm. Tuy nhiên, VAMC có giải quyết nợ xấu thành công hay không sẽ đóng vai trò quyết định đối với lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng quá trình bán nợ đang diễn ra khá chậm chạp.
Chuyên gia kinh tế hiện đang làm cố vấn cho ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng các ngân hàng hiện đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi để giải quyết các khoản nợ. Tuy nhiên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
“Các ngân hàng sẽ phải hi sinh. Không phá sản hay thua lỗ đã là điều may mắn”, ông Lực nói.
Được hậu thuẫn bởi nền kinh tế
Quá trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam đang được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Nhờ các hoạt động xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng đều vững mạnh và dòng vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục, GDP được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh sau khi các nước đạt được đồng thuận về Hiệp định thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương (TPP).
NHNN cũng đã triển khai những biện pháp mạnh tay nhằm dọn sạch hệ thống hơn 40 ngân hàng vốn bị đè nặng bởi sở hữu chéo, những khoản vay không hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều lãnh đạo và nhân viên ngân hàng bị bắt và xử lý thích đáng. Kể từ năm 2011, sau các vụ M&A đã có tổng cộng 8 ngân hàng biến mất khỏi thị trường và 3 ngân hàng được NHNN tiếp quản.
Một nền kinh tế khỏe mạnh hơn, thị trường bất động sản tan băng và những quy định cho vay chặt chẽ hơn cũng đồng nghĩa với số vụ vỡ nợ giảm xuống. Theo ước tính mới nhất, các ngân hàng thương mại sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt 9,7% trong năm 2015 và tăng trưởng tín dụng đạt 17% (cao nhất 4 năm).
Chỉ số theo dõi cổ phiếu ngân hàng Việt Nam của Thomson Reuters đã tăng trưởng 63,2% kể từ đầu năm đến nay, so với mức giảm 7,4% của chỉ số rộng hơn theo dõi các ngân hàng trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tháng 8, tỷ lệ nợ xấu ở Indonesia tăng từ mức 2% của tháng 4 lên 2,8%. Kết quả kinh doanh quý III được các ngân hàng Thái Lan công bố tuần trước cho thấy nợ xấu đã tăng lên, trong đó có 2 ngân hàng chạm mốc cao nhất 5 năm.
“Chúng tôi đã đặt ra những quy định cho vay rất khắt khe”, ông Lưu Trung Thái – Phó Chủ tịch ngân hàng Quân đội MB – cho hay. Tỷ lệ nợ xấu của MB đã giảm từ mức 2,7% của 9 tháng trước xuống còn 1,8%. Ông cho biết thị trường bất động sản hồi phục đã tác động rất tích cực đến quá trình giải quyết nợ xấu.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Dẫu vậy, sự phục hồi diễn ra không đồng đều. Mới chỉ có 664 triệu USD nợ xấu (tương đương 7% tổng số nợ xấu mà VAMC đang quản lý) đã được tái cấu trúc hoặc bán ra. “Số nợ xấu này được xử lý ra sao vẫn là câu hỏi dai dẳng chưa có câu trả lời rõ ràng”, chuyên gia kinh tế của ADB Aaron Batten nhận định.
Chủ tịch VAMC ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định một “ngân hàng nợ xấu” không phải là cây đũa thần và giải pháp dài hạn sẽ là thành lập thị trường nợ thứ cấp cho các tài sản có chất lượng thấp.
Đó chính là con đường mà Trung Quốc đang chọn để giải quyết 280 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Các công ty quản lý tài sản của Trung Quốc đang bán ra những tài sản có rủi ro cao nhưng đi kèm với mức lợi suất hấp dẫn trên thị trường thứ cấp.
“VAMC thực sự muốn gọi vốn đầu tư nước ngoài… nhưng cần một cơ chế và khung pháp lý tương xứng”, ông Hùng nói.
Nếu không có thị trường thứ cấp để bán nợ với giá rẻ, VAMC khó có thể giải quyết những tài sản đảm bảo mà nó đang nắm giữ. “Người mua không muốn những khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản. Mức giá hiện nay là quá cao”, ông Nguyễn Thế Minh – chuyên viên phân tích cao cấp của công ty chứng khoán Bản Việt – nói.