Có nhiều lý do gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc dẫn đến sự chao đảo thị trường tài chính toàn cầu thời gian gần đây...
Lấp tín dụng đen bằng cách nào?
- Cập nhật : 22/10/2015
(Tai chinh)
Việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng cũng là một biện pháp được các chuyên gia khuyến nghị để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.
Hoạt động vay vốn ngân hàng giờ đây đã dễ dàng hơn rất nhiều so với các năm trước khi mà lãi suất đã không còn là mối lo hàng đầu của người cần vốn. Số liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, mặt bằng lãi suất hiện đã ở ngang mức của 10 năm trước đây.
Thế nhưng, hoạt động cho vay tín dụng đen trong xã hội vẫn phát triển, thậm chí “không ngừng bùng nổ”. Khắp các con đường, ngõ hẻm, không khó để bắt gặp những nhà cung cấp dịch vụ tín dụng đen nấp bóng dưới mác tiệm cầm đồ, cửa hàng hỗ trợ tài chính, hay công khai các tờ rơi về hỗ trợ vay vốn được chào mời.
Vậy nguyên do nào khiến tín dụng đen vẫn hấp dẫn người dân đến vậy?
Lãi suất cao vẫn “ăn khách”
Về bản chất, tín dụng đen là dòng tiền tệ lưu chuyển ngoài xã hội không tuân theo các quy định của nhà nước về vay, cho vay và hoạt động tín dụng. Nói một cách nôm na, tín dụng đen là thế giới giao dịch ngầm, không qua hệ thống ngân hàng chính thức.
Xét ở góc độ tích cực, vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen có nhiều điểm đáng kể như nhanh, thủ tục vô cùng đơn giản. Trong khi nếu vay tiền từ ngân hàng, thủ tục theo đúng quy trình, điều kiện khá phần khắt khe và giải ngân chậm.
Anh Nguyễn Việt Anh, một người hành nghề chở xe ôm ở Q. Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, vì có việc cần gấp 2 triệu đồng để trả nợ, anh có gọi một hai người bạn nhưng không vay được nên anh ra hiệu cầm đồ gần nhà. Chỉ trong vòng 10 phút, anh đã có ngay số tiền mình cần. Anh cho biết với món tiền nhỏ như vậy lại cần gấp chỉ có cách vay nóng, chẳng ai đi vay ngân hàng số tiền như vậy làm gì, và nếu có vay cũng không vay được!
Trong xã hội hiện nay, trường hợp của anh Việt Anh không phải là hiếm gặp. Có cầu ắt sẽ có cung. Chính vì xuất phát từ nhu cầu vay vốn khá lớn của người dân, các cơ sở cho vay đã mọc lên như nấm tại các tuyến phố Hà Nội vốn nổi tiếng với hiệu cầm đồ như đường Láng (Đống Đa), Đặng Dung (Ba Đình), Bạch Mai (Hai Bà Trưng)...
Theo tìm hiểu của người viết, tại một số tiệm cầm đồ trên phố Đê La Thành, Hà Nội, nếu vay từ 50.000-550.000 đồng thì lãi suất là 2000 đồng/ngày, từ 600.000-1.000.000 đồng là 3.000 đồng/ngày.
Tại một số địa phương ở ngoại thành Hà Nội Thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), Đan Phượng, Sơn Tây, lãi suất phổ biến ở mức 5.000-6.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 15-18%/tháng và trên dưới200%/năm. Có nơi lãi suất cao nhất là 10.000 đồng mỗi ngày, tương đương với 30%/tháng và 360%/năm.
Theo nhiều người làm dịch vụ cho vay tín dụng đen, nếu khách hàng vay ít và trả được nợ sớm, tính ra số tiền lãi cũng không nhiều mà giải quyết được ngay vấn đề. Tuy nhiên với những đối tượng vay nhiều, vay trả nợ bù chỗ này đắp chỗ kia, thậm chí cả vay cá độ, vay chơi cờ bạc,… thì mức lãi suất cộng dồn từng ngày cũng không phải là con số “dễ nhìn”.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, mỗi năm có không dưới 1.500 vụ vỡ tín dụng đen, tức mỗi ngày có hơn 4 vụ xảy ra. Việc cho vay với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật đã dẫn đến các trùm nợ tự ý giải quyết, xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật...dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.
Tín dụng đen có đất sống và phát triển nở rộ chính vì người dân có nhu cầu sử dụng các khoản vay tiêu dùng rất lớn.Do đó, cần có hướng xử lý, giải tỏa được nhu cầu này bằng các nguồn cung cấp vốn khác, tự khắc tín dụng đen sẽ tiêu biến và bị đào thải dần.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng đen, nhận thức về pháp luật để tự mình phòng tránh, cách tốt nhất để ngăn chặn tín dụng đen, theo các chuyên gia có hai hướng xử lý.
Một là, cần tạo cơ hội để người dân tiếp cận với tín dụng chính thống từ hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tức là chuyển tín dụng đen sang tín dụng ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn đến từng hộ dân, để các chính sách tín dụng của mỗi ngân hàng đi vào thực thi.
Cách thứ hai là tập trung phát triển thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng, qua đó mang tới cho người dân nhiều hơn các cơ hội tiếp cận với các gói vay tài chính.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tín dụng đen bùng phát mạnh như hiện nay là do nhu cầu cần tiền mặt cấp bách của khách hàng nhưng vì họ không có tài sản đảm bảo, không có lịch sử tín dụng và không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Vì thế, các công ty tài chính nên chuyên nghiệp hóa về các chương trình cho vay trả góp với lãi suất phù hợp để tận dụng thị trường đầy tiềm năng này.
Khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức. Ngoài ra, còn có tác động kích cầu mua sắm hàng hóa, luân chuyển được dòng vốn trong nền kinh tế.