Cái khó của ngân hàng hiện nay là người đi vay muốn vay dài hạn, trong khi người gửi chỉ muốn gửi kỳ hạn ngắn.
Mặt trái của việc Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam
- Cập nhật : 28/10/2015
(Tin kinh te)
Có những lý do để lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề cuộc hội thảo “VN trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương, nhìn nhận như trên.
Ông Giám thông tin: Các nhà đầu tư của TQ hiện đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường VN, đặc biệt sau khi VN kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước.
Làm giảm sức cạnh tranh hàng Việt
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư từ TQ vào VN trong thời gian qua?
+ TS Dương Đình Giám: Nguồn vốn từ TQ bổ sung nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của VN. Chẳng hạn những tỉnh sát biên giới phía Bắc, nhờ đầu tư từ TQ nên tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác. Ngoài ra, một số ngành sản xuất phụ trợ cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào của chúng ta cũng phát triển theo...Nhưng nhiều ý kiến cảnh báo rằng dường như những tín hiệu lạc quan đối với đầu tư từ TQ không nhiều bằng các lo ngại. Ông nhận định ra sao về ý kiến này?
+ Có những lý do để lo ngại về việc TQ gia tăng đầu tư vào VN. Chẳng hạn các doanh nghiệp (DN) VN hiện chưa có năng lực đủ mạnh sản xuất các nguyên, phụ liệu hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của DN TQ và nước ngoài nên các DN VN phải nhập nguyên, phụ liệu từ TQ sang. Điều này làm cho VN trở thành quốc gia nhập siêu đối với TQ.
Tỉ lệ các dự án đầu tư vào dầu mỏ và khai khoáng của TQ vào nước ta chiếm tới 70% tổng số các dự án, trong đó đáng chú ý là các dự án sắt, thép, xi măng, bauxite… Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng tài nguyên, vốn là một trong những nguồn lực phát triển của VN trong tương lai.
Những dự án này chắc chắn đem lại lợi ích cho TQ nhưng lại tác động không tốt đến sự phát triển bền vững của VN, trong đó việc ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên là rất nghiêm trọng.
Có tham vọng muốn kiểm soát thị trườngThời gian qua TQ đã đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy do công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông có lo ngại các DN TQ tuồn công nghệ bị loại thải này vào VN?
+ Đúng là TQ có xu hướng chuyển dịch các ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao sang các nước khác. VN ở sát TQ nên điều này là không thể tránh khỏi. Những công nghệ lạc hậu mà TQ đưa sang VN có thể đẩy lùi sự phát triển công nghệ mà VN đang nỗ lực và làm cho VN mất cân bằng sinh thái.
Công nghệ của TQ nhập vào VN thường cho năng suất thấp, hiệu quả kém, chất lượng sản phẩm làm ra không cao như trường hợp một số nhà máy nhiệt điện chẳng hạn. Mặt khác, nó sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa VN giảm đi đáng kể.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy dù chúng ta kêu gọi phải giảm phụ thuộc vào kinh tế TQ nhưng nhập siêu từ TQ liên tục gia tăng. Theo ông, vì sao vậy?
+ Hiện nay chúng ta đang thấy hàng hóa chất lượng rất thấp của TQ vẫn có mặt ở VN. Sự lơi lỏng về quy trình, chính sách kiểm soát thị trường của chúng ta có thể đã gây ra tình trạng này. Đối tượng bị thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng.
Xét thực tế cơ cấu sản phẩm thương mại VN-TQ, chúng ta thấy TQ xuất khẩu sang VN những mặt hàng như hóa chất, sản phẩm chế tác cơ bản, máy móc, thiết bị... Còn VN xuất khẩu sang TQ chủ yếu nguyên liệu thô như khoáng sản, nông, lâm, thủy sản... Hệ quả là càng làm cho VN nhập siêu từ TQ nhiều hơn. Theo số liệu từ ngành hải quan, đến tháng 7-2015, nhập siêu của VN với TQ đã lên tới gần 18 tỉ USD.
Đầu năm 2015, TQ còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN cho thanh toán đồng nhân dân tệ trực tiếp tại VN. Qua đó cho thấy tham vọng gia tăng ảnh hưởng, kiểm soát thị trường và nền kinh tế VN của TQ là khá rõ ràng!
Phải khôn ngoan
Sau khi VN kết thúc đàm phán TPP, có nhiều tín hiệu cho thấy các DN TQ càng quan tâm đến thị trường VN nhiều hơn, thưa ông?
+ Điều này cũng là điều dễ hiểu. Ví dụ: Các DN TQ bắt đầu dịch chuyển đầu tư vào ngành dệt may nhằm tranh thủ sự ưu đãi về thuế với nguyên tắc xuất xứ từ sợi mà TPP đã quy định. Nhưng động thái trên có thể làm cho VN dễ trở thành một nước gia công, chế biến với lợi nhuận thấp, môi trường bị ảnh hưởng. Các DN VN dễ bị “thôn tính” bằng các hình thức đầu tư, liên doanh.
Một động thái khác cũng cần chú ý, đó là khi sang VN, các DN TQ thường đem theo số lượng lao động lớn. Thể hiện rõ nhất là ở các dự án tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) hay Trung tâm Điện lực Duyên Hải, cũng như các dự án bauxite ở Tây Nguyên. Nó đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm cơ hội việc làm của lao động VN, phát sinh các vấn đề xã hội, trật tự an ninh, văn hóa.
Không ít ý kiến đề nghị để giảm phụ thuộc kinh tế vào TQ thì chúng ta nên tìm cách “thoát Trung”. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
+ Sự gần gũi về địa lý và một số sự tương đồng giữa hai nước làm cho việc “thoát Trung” là rất khó! Và cách khôn ngoan hơn, chúng ta phải tìm cách “chơi” bình đẳng với TQ.
Cụ thể, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng theo những tiêu chí, nguyên tắc nghiêm ngặt, tránh chảy máu tài nguyên. Với những ngành ô nhiễm cao, cần phải có quy định, ràng buộc hữu hiệu, quy trình xử lý chất thải, khí thải phải đạt mức độ cao.
Đối với công nghệ, dây chuyền sản xuất, cần giám sát để tránh việc các DN TQ chuyển các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm sang VN.
Xin cám ơn ông.
Trung Quốc đầu tư vào 52 tỉnh, thành
Theo các số liệu thống kê, hiện có trên 810 DN TQ đầu tư vào 52 tỉnh, thành của VN. Tính đến năm 2014, các dự án của TQ đầu tư vào Hà Nội là 202, TP.HCM: 110, Bình Dương: 100, Long An: 54, Hải Phòng: 49…
Các DN TQ đầu tư vào hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực tại VN, trong đó tập trung vào dầu mỏ, hóa chất, máy móc và bán buôn, bán lẻ. Khai khoáng hiện đang là một lĩnh vực mà TQ đầu tư mạnh mẽ tại VN với 87 dự án vẫn còn hiệu lực hoạt động.
Chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ TQ hoặc hàng hóa do các DN TQ sản xuất tại VN. Hành động này không những là để bảo vệ người tiêu dùng VN mà còn bảo vệ hình ảnh, uy tín của hàng hóa VN.