Thị trường tài chính, tiền tệ đã khá ổn định trong 6 tháng đầu năm với các giải pháp điều hành kiên định và linh hoạt.
Quyết định của Fed ảnh hưởng như thế nào đến thị trường mới nổi?
- Cập nhật : 17/12/2015
(Tai chinh)
Theo dự báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), do các thị trường mới nổi giảm tốc và kinh tế Trung Quốc bấp bênh, tổng cộng 541 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm nay.
Cuối cùng thì Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất liên bang, đặt dấu chấm hết cho một trong những cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ lớn nhất mọi thời đại.
Động thái của Fed không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường tài chính của các nước phát triển mà còn ảnh hưởng đến cả các thị trường mới nổi.
Nguyên nhân cơ bản nhất là bởi trong quá khứ, khi Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất, dòng vốn đã dịch chuyển sang các thị trường mới nổi nhằm tìm kiếm mức lợi suất cao hơn. Nhờ dòng vốn này, chứng khoán và tiền tệ của các nước từ Philippines tới Mexico đã tăng mạnh. Tiền đổ vào ồ ạt cũng thúc đẩy hoạt động cho vay và tiêu dùng, giúp các thị trường mới nổi tăng trưởng khỏe mạnh.
Tuy nhiên, ngay từ khi Fed bắt đầu phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất, triển vọng của các thị trường mới nổi đã ngay lập tức trở nên u ám. Hoạt động kinh tế của nhiều nước suy giảm, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa đã bị ảnh hưởng nặng nề vì Trung Quốc không còn duy trì được mức tăng trưởng như vũ bão.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi. Rất có thể lần đầu tiên kể từ năm 1998, các thị trường này sẽ bị rút vốn ròng. Theo dự báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), do các thị trường mới nổi giảm tốc và kinh tế Trung Quốc bấp bênh, tổng cộng 541 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm nay.
Sức đề kháng của mỗi thị trường là khác nhau và do đó tác động đến mỗi nước cũng khác nhau. Indonesia và Malaysia - những nước có doanh thu từ xuất khẩu bị ảnh hưởng do diễn biến tiêu cực của thị trường hàng hóa – đã chứng kiến 2 đồng nội tệ là rupiah và ringgit giảm mạnh trong mùa hè năm nay. Mặc dù kể từ đó đến nay các đồng tiền này đã hồi phục nhẹ, nguy cơ giảm giá vẫn đang đè nặng vì đồng USD tăng giá khiến các nước này khó có thể bổ sung các biện pháp kích thích.
Trong khi đó, Philippines và Ấn Độ là những nước phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và có sức đề kháng tốt hơn hẳn. Giá dầu giảm giúp các nước này thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai và hạ nhiệt lạm phát, giúp NHTW có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất. Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh nhất thế giới, bất chấp hoạt động xây dựng đã chững lại và nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng lên.
Còn ở Trung Quốc, nền kinh tế trì trệ cùng với dòng vốn bị rút ra ồ ạt đã kéo đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm so với USD. NHTW Trung Quốc đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn nhân dân tệ giảm giá sâu hơn nữa. Kết quả là dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm mạnh dù vẫn đang ở mức cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, so với các nước mới nổi khác, Trung Quốc vẫn còn nguồn tiền dồi dào để thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài và thực hiện các nghĩa vụ nhập khẩu. Về khía cạnh này, Philippines cũng làm khá tốt.
Hàn Quốc là một trong những nước có thặng dư cán cân vãng lai cao nhất trong khu vực và được hưởng lợi từ điều này. Tuy nhiên, do là nền kinh tế mở, nước này khá mong manh trước các cú sốc đến từ bên ngoài. Phần lớn hàng hóa được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – nơi có nền kinh tế đang giảm tốc và các công ty nội địa cũng đang dư thừa hàng hóa.