Tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 2 quốc gia có thuế suất sắc thuế này cao nhất châu Á - Thái Bình Dương (mức cao nhất ở khu vực này là Philippines với 18%, còn lại từ 10% trở xuống)
Trung Quốc có thể tháo 'quả bom' nợ 29 nghìn tỷ USD?
- Cập nhật : 04/08/2017
Nếu không mạnh tay, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc khi quả bom 29 nghìn tỷ USD này phát nổ.
Trong vài năm qua, các công ty Trung Quốc đã bỏ ra 343 tỷ USD cho hàng loạt thương vụ mua lại. Tập đoàn Dalian Wanda của người giàu thứ 2 Trung Quốc Vương Kiện Lâm mua công ty tài chính và sản xuất phim Hollywood Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD vào năm 2016. Tập đoàn bảo hiểm Anbang mua Waldorf Astoria còn Fosun International Ltd. mua Club Méditerranée SA và Cirque du Soleil.
Chính phủ “hãm phanh” tín dụng
Tuy nhiên đến tháng 6/2017, cơ quan quản lý nước này vừa ra lệnh cho các ngân hàng xem xét lại việc cho 4 tập đoàn tư nhân lớn của nước này vay tiền. Kể từ đầu năm 2016, Dalian Wanda, Anbang, Fosun và hãng hàng không vận tải HNA thông báo đầu tư 75 tỷ USD cho các thương vụ ở trong và ngoài nước.
Một số ngân hàng lớn của Trung Quốc từng tài trợ cho các vụ mua lại toàn cầu của HNA đã ngừng cấp các khoản vay mới cho công ty, theo Bloomberg News. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng yêu cầu Anbang bán tài sản ở nước ngoài và trả lại tiền nhưng công ty nói rằng "hiện không có kế hoạch bán" cổ phần ở nước ngoài.
Doanh nghiệp nước này vẫn đang tích cực tận dụng chế độ mở rộng tín dụng lịch sử được chính phủ "bật" lên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chưa bao giờ thực sự "tắt" đi. Tổng số nợ của chính phủ, hộ gia đình và các doanh nghiệp là 28,8 nghìn tỷ USD, tương đương 258% GDP. Phần lớn nhất, khoảng 17 nghìn tỷ USD, là từ nợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước sản xuất đủ thứ từ thép đến than đá, các công ty xây dựng, và các nhà phát triển bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc càng kéo dài, rủi ro suy giảm kinh tế càng lớn. Đến một lúc nào đó, quốc gia này sẽ không còn có khả năng vừa thanh toán nợ hiện tại vừa tài trợ cho các dự án mới nữa. Nếu Trung Quốc không thể giảm mức độ phụ thuộc vào nợ, tăng trưởng sẽ chậm lại từ mức 6,9% trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 5% vào năm 2021 và thậm chí có thể giảm xuống dưới 3% nếu nước này gặp khủng hoảng tài chính, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho thấy. Theo Nomura, tác động sẽ lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu vì vai trò của Trung Quốc là rất lớn. Năm ngoái, cường quốc châu Á chiếm 1/3 mức tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Liệu các hạn chế cho vay đối với 4 công ty tư nhân có phải là một dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này nghiêm túc về vấn đề nợ? Trung Quốc nên xem việc kiềm chế nợ của DNNN là "ưu tiên của các ưu tiên", chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong cuộc họp về chính sách tài chính ngày 14 - 15/7, và các lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm "suốt đời" nếu không ngăn chặn được việc vay mượn "vô tội vạ".
"Hãm phanh" đủ để hoãn lại việc vỡ nợ là một lựa chọn. Trung Quốc có các nguồn lực tài chính to lớn, bao gồm 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nếu các ngân hàng hoặc các công ty vay nợ nhiều gặp rắc rối. Thêm vào đó 24 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm trong nước đủ để giữ cho các ngân hàng "ngập trong tiền" mà không phải vay từ nước ngoài.
Tuy nhiên, muốn giải quyết triệt để tình trạng nợ nần, Trung Quốc phải sẵn sàng cho phép các công ty thất bại đồng thời có sự thay đổi cơ bản trong cách huy động và phân bổ vốn và trước hết, bỏ việc định hướng cho các mục tiêu tăng trưởng hàng năm.
Nền kinh tế thừa công ty “zombie”
Quá nhiều nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào tiền đi vay trong những năm gần đây- với nợ thực sự phát triển nhanh hơn nền kinh tế tổng thể trong 5 năm qua. Việc các ngân hàng sẵn sàng bơm tín dụng vào các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh đã tạo ra nạn "công ty zombie (xác sống)" - "những công ty cũ luôn gặp vấn đề với việc trả lãi vay", theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Bất chấp tình trạng thừa doanh nghiệp trong các ngành như thép, than hay xi măng, chính phủ Trung Quốc vẫn có khuynh hướng cứu hoặc bán một công ty kém chứ không chịu để công ty này biến mất.
Trước năm 2015, thị trường trái phiếu của Trung Quốc hầu như không có nợ xấu, và năm ngoái thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 31, theo Bloomberg Intelligence. Tỷ lệ vỡ nợ là 0,1%, cực thấp so với mức 2% ở Mỹ. Năm ngoái, thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc phải "cương quyết hạ đao" vào các doanh nghiệp zombie trong các ngành dư thừa. Với nền kinh tế đang giữ vững và xuất khẩu tăng lên, ông Lý hoàn toàn đủ khả năng để mạnh tay trong năm nay.
"Chúng ta cần thấy các doanh nghiệp phá sản", Michael Every, giám đốc nghiên cứu thị trường tài chính của Rabobank Group (Hồng Kông), nói.
Trong khi đó, nếu tính theo tỷ lệ GDP thì lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc hiện nay cũng đang quá nóng, hơn mức đỉnh điểm của thị trường nhà đất Mỹ hồi năm 2006, giai đoạn tiền khủng hoảng. Với giá bất động sản tăng mạnh ở các thành phố lớn năm ngoái, các nhà đầu cơ đang mua nhà để bán lại chứ không thèm vào ở. Trung Quốc hiện có khoảng 50 triệu căn nhà đã được bán mà vẫn bị bỏ hoang, theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Gan Li tại đại học thành phố Thành Đô. Số nhà này đủ để mọi người dân của cả 2 nước Đức và Pháp ở.
Trung Quốc cần tiếp tục hiện đại hóa hệ thống tài chính. Chính phủ phải trấn áp khu vực ngân hàng ngầm trị giá 9,6 nghìn tỷ USD của các tổ chức tài chính không được kiểm soát. Một "tác dụng phụ" của chiến dịch siết tín dụng của ông Tập là người đi vay, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản, tìm đến các hình thức thay thế, theo nhà kinh tế trưởng Xu Gao của công ty chứng khoán Everbright. Trong tháng 3, các khoản vay ngoài bảng cân đối tăng thêm 754 tỷ Nhân Dân Tệ (109 tỷ USD), theo ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Khó để nói Bắc Kinh có định mạnh tay trong việc tháo quả bom nợ doanh nghiệp khổng lồ này không. Chẳng có lý do gì mà Trung Quốc không thể tập hợp một bộ chương trình cải cách toàn diện để dần giảm nợ xuống mức có thể quản lý được trong khi vẫn tiếp tục phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Vì khoản nợ này được tài trợ bởi tiền tiết kiệm trong nước chứ không phải là từ các nhà cho vay nước ngoài, Bắc Kinh có rất nhiều chỗ cho cải cách. Nếu không hành động sớm, quốc gia này sẽ phải cuống cuồng thu hẹp tỷ lệ vay nợ và đối mặt với nhiều "nỗi đau" kinh tế. Vụ sụp đổ cổ phiếu của Trung Quốc vào năm 2015 xảy ra một phần là vì phản ứng muộn màng của các nhà quản lý về tình trạng vay mượn quá mức.
Tiếp tục bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế đã trở nên kém hiệu quả theo thời gian và tạo ra lãng phí lớn. Ngay cả những ngành công nghiệp mới hơn mà chính phủ Bắc Kinh mạnh tay chi tiền trợ cấp và giảm thuế cũng đang dư thừa. Liệu Trung Quốc có thực sự cần hơn 200 nhà sản xuất xe điện và 800 công ty công nghệ robot?
Trang Hồ/ Theo Bloomberg/NDH.vn