Luật bảo hiểm xã hội mới (BHXH) khiến ngày mừng chưa tới, ngày lo cận kề vì nhiều quy định gây tác động lớn đến doanh nghiệp và người tham gia BHXH.
"Nợ" bán chưa hẳn có người mua, cớ sao còn đặt ra điều kiện?
- Cập nhật : 27/06/2016
(Tai chinh)
“Nợ” là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua bởi việc đòi nợ chưa khi nào là dễ dàng, vậy thì tại sao lại phải đặt ra các điều kiện khiến họ có thể nản lòng và không muốn mua khoản nợ đó? - VCCI đặt vấn đề khi góp ý về dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đang được trình lên Chính phủ.
Mua bán nợ không ảnh hưởng lợi ích cộng đồng
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến về dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, trong đó cho rằng, ban soạn thảo cần loại bỏ ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014.
Bởi theo VCCI, dịch vụ mua bán nợ không gây ảnh hưởng gì tới các lợi ích công cộng mà Nhà nước cần bảo vệ.
Dẫn khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014, VCCI cho biết, điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Nói cách khác, Nhà nước chỉ kiểm soát thông qua các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề (toàn bộ hoặc một phần các hoạt động trong ngành nghề) mà hoạt động của chúng có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng ở mức đáng kể. Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ lại không ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.
Cụ thể, về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.
VCCI cũng khẳng định rằng, khung khổ pháp luật hiện tại đã đủ để điều chỉnh hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ.
Theo đó, “nợ” đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường. Những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ”, ví dụ các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định... đều đã có những văn bản khác điều chỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.
Vì vậy, theo VCCI, nếu Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không được ban hành thì hoạt động mua bán nợ cũng như môi giới, hỗ trợ mua bán nợ vẫn có đầy đủ cơ sở pháp lý để vận hành và kiểm soát trên thực tế.
Kiến nghị tạm thời không ban hành Nghị định
VCCI cũng đặt vấn đề về việc luật đầu tư quy định về điều kiện kinh doanh đối với “dịch vụ mua bán nợ” hay “hoạt động mua bán nợ”.
Theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư thì ngành nghề kinh doanh liên quan là “dịch vụ mua bán nợ” (tức là các dịch vụ trung gian, hỗ trợ cho hoạt động mua bán nợ như môi giới, hỗ trợ cho các chủ thể khác mua bán nợ) chứ không phải “hoạt động mua bán nợ” (tức là việc mua hoặc bán nợ giữa các chủ thể là chủ thể có khoản nợ hoặc chủ thể tiếp nhận khoản nợ).
Do đó, ngay cả khi thuyết minh được rằng dịch vụ mua bán nợ có ảnh hưởng tới lợi ích công cộng cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh thì dự thảo này cũng chỉ có thể quy định về điều kiện kinh doanh với “dịch vụ mua bán nợ”.
Từ góc độ thị trường, rất cần khuyến khích các chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông các dòng vốn
VCCI khẳng định, việc dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh cho “hoạt động mua bán nợ” là chưa phù hợp với Luật đầu tư.
Hơn nữa, theo VCCI, từ góc độ thị trường, cần khuyến khích hoạt động mua bán nợ, do đó không nên đặt ra các điều kiện kinh doanh có tính hạn chế đối với hoạt động này
“Nợ” là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua bởi việc đòi nợ chưa khi nào là dễ dàng. Vì vậy, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một khoản nợ, chấp nhận những rủi ro về mình (có thể không đòi được nợ, phát sinh những tranh chấp từ khoản nợ) thì tại sao lại phải đặt ra các điều kiện khiến họ có thể nản lòng và không muốn mua khoản nợ đó?
"Từ góc độ thị trường, rất cần khuyến khích các chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông các dòng vốn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung. Do đó, không cần thiết và không nên đặt ra các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động mua bán nợ cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động mua bán nợ", theo VCCI.
Do vậy, góp ý về dự thảo Nghị định này, VCCI kiến nghị ban soạn thảo loại bỏ ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014. Tạm thời không ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và “chờ” sửa đổi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014.
Có ý kiến cho rằng, cần phải ban hành nghị định này vì để thi hành Luật đầu tư và về lâu dài sẽ kiến nghị bỏ ngành, nghề này ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị cân nhắc vì việc quy định điều kiện kinh doanh cho ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới “quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp” theo tinh thần của Hiến pháp, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
VCCI lấy ví dụ, “dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá, phân tích Bộ Giao thông Vận tải đã cho rằng việc áp đặt điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề này là không khả thi, không hợp lý và có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ “đưa ngành, nghề kinh doanh này ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” trong Công văn số 4685/BGTVT-PC ngày 27/4/2016.