Việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trước hết, là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tính hợp lý của lãi suất chủ đạo
- Cập nhật : 13/07/2017
Việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trước hết, là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lãi suất chủ đạo hay lãi suất có tính định hướng thị trường của Ngân hàng Trung ương đóng vai trò trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Đó cũng là một công cụ chính sách để tác động đến các mức lãi suất khác trên thị trường tiền tệ. Cùng với sự phát triển của thị trường tiền tệ, chúng ta đã không ngừng đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, từ kiểm soát khối lượng tiền tệ sang kiểm soát giá cả đồng tiền là chủ yếu.
Theo đó, công cụ lãi suất của ngân hàng Nhà nước đã có sự cải thiện đáng kể, từ chỗ chạy theo thị trường đến nay đã phát huy được tính định hướng rõ nét. Các mức lãi suất chủ đạo đã bám sát xu hướng biến động và mục tiêu cần đạt được của các chỉ số kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Điều này có thể được minh chứng bằng quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước ngày 7/7/2017, như giảm 0,25% các mức ngân hàng Nhà nước 4%.
Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay và 6 tháng đạt mức 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 sát với mục tiêu 4%; cung tiền tăng trưởng ở mức thấp; lạm phát cơ bản bình quân tăng chỉ 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mục tiêu định hướng 2%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi đang có xu hướng giảm.
Thực tế là, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trước hết, là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí hoạt động, tạo đà cho phát triển và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc định hướng giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất dộng sản. Sự phát triển của các thị trường này, ngoài việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ là một kênh quan trọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và phần nào sẽ góp phần ổn định tỷ giả, thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết lãi suất chỉ đạo giảm, theo đó về trung hạn có thể gây áp lực gia tăng lạm phát. Song cũng có thể thấy trên thực tế trong nhiều năm nay, xu hướng lạm phát bình quân thường giảm mạnh vào những tháng cuối năm.
Theo nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định. Nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát bình quân năm 2017 là 2,4%.
Thêm vào đó lạm phát cơ bản trong nhiều năm nay thường dưới mức mục tiêu 2%. Vì vậy việc giảm 0,25% lãi suất chỉ đạo là mức phù hợp cho sự cân bằng giữa hai mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh/Theo Thoibaonganhang.vn