Từ năm 2016, ba ngân hàng lớn Vietinbank, BIDV, Vietcombank có thể mở rộng cung vốn khi được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhờ đóng góp hỗ trợ tái cơ cấu.
Bao giờ tiền ảo hết ảo?
- Cập nhật : 05/07/2017
Nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu công nghệ blockchain để tạo ra đồng tiền kỹ thuật số cho riêng mình.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ blockchain - công nghệ đứng sau đồng tiền ảo bitcoin. Trong cuộc đua đó, phần lớn các ngân hàng trung ương từ chối biến tiền ảo thành thật, nhưng một số thì không.
Trung Quốc, chẳng hạn, vừa hoàn tất thử nghiệm đồng tiền ảo do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tự phát triển, sau khi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2014. Được sự ủng hộ của nhiều quan chức cấp cao trong PBOC, cơ quan này công bố tiền ảo sẽ trở thành một nhân tố mới của lượng cung tiền tệ, thay thế một phần tiền mặt hiện nay. Song song với ý định tạo ra đồng tiền ảo chính thức, PBOC năm ngoái cũng có ý định hạn chế các đồng tiền ảo do tư nhân phát hành, bằng cách ngưng hoạt động rút tiền ảo ra khỏi sàn giao dịch.
Ngân hàng Trung ương của Singapore (MAS) gần đây cũng đã công bố thử nghiệm thành công dự án tạo ra một đồng tiền số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, dựa trên công nghệ blockchain. Đồng tiền kỹ thuật số giúp MAS thực hiện 2 dự án quan trọng. Một là giao dịch mua bán chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX). Hai là các giao dịch thanh toán chuyển khoản trên toàn cầu. MAS cũng không giấu tham vọng kết nối trực tiếp thông qua các tài khoản ngân hàng trung ương trên thế giới. Bằng cách này, Singapore tiến gần hơn với chiến lược trở thành trung tâm tài chính “không ngủ” ở giữa lòng châu Á.
Không chỉ hai đại diện của châu Á, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nghiên cứu công nghệ blockchain để tạo ra đồng tiền kỹ thuật số cho riêng mình, bao gồm cả Anh Quốc, Nga, gần đây là Ấn Độ và Thụy Điển. Những quốc gia này cởi mở hơn so với các nước còn lại, vốn còn lo ngại rủi ro khi ứng dụng công nghệ mới: Làm sao để phục vụ được thị trường quốc gia, trên toàn cầu và đủ mạnh để chống lại các hacker?
Kể từ khi xuất hiện, đồng tiền ảo bitcoin đã làm dấy lên một câu hỏi lớn về khả năng thay thế tiền thật một khi ngân hàng trung ương sử dụng.
Theo tờ The Economist, tiền ảo từ công nghệ blockchain chưa phù hợp để trở thành một loại tiền tệ thế hệ mới. Lý do vì chúng có chức năng trung gian thanh toán, nhưng lại không có sự ổn định về mặt giá trị (sức mua của đồng tiền bị ảnh hưởng đáng kể). Đồng bitcoin là ví dụ điển hình với mức giá lên xuống đôi khi ở mức “không tưởng”. Ngoài ra, số lượng bitcoin là hữu hạn, trong khi các ngân hàng trung ương đôi khi cần lạm phát.
Về nguyên lý, những đồng tiền ảo tư nhân như bitcoin được tạo ra bởi công nghệ blockchain theo nguyên tắc phi tập trung, phân tán và ngang hàng, nghĩa là ai cũng có thể tham gia tạo ra tiền. Tuy nhiên, chúng dễ bị sử dụng theo kiểu ẩn danh. Vì vậy, các ngân hàng trung ương sẽ phải tìm một mô hình khác.
Việc biến tiền ảo thành thật có lẽ vẫn là câu chuyện xa vời, nhưng tương lai của blockchain thực tế không chỉ có bitcoin, mà còn có thể là những hoạt động khác như cho vay, gửi tiền ngang hàng, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, thanh toán toàn cầu, ký quỹ, tài trợ, thư tín dụng và các hợp đồng thông minh. Trên website của mình, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho rằng: “Công nghệ blockchain có nhiều cách sử dụng khác nhau trong hệ thống tài chính và có thể là nền tảng hữu ích để tạo ra đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương (mặc dù công nghệ hiện tại cũng có thể là đủ)”. BOE hiện có nhóm fintech riêng để nghiên cứu thông tin về các loại đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng phát hành. Dù vậy, có thể thấy hướng đi của các ngân hàng trung ương vẫn là tập trung nhiều vào hạ tầng thanh toán trung gian.
Chẳng hạn như thị trường đông dân Trung Quốc, chuyện ngân hàng trung ương tập trung vào khâu trung gian thanh toán là đi vào cạnh tranh trực tiếp với các người chơi như Alipay (thuộc Alibaba) hay WeChat, những đơn vị trung gian thanh toán hỗ trợ đắc lực cho nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc. Điều tương tự cũng diễn ra ở Singapore, quốc đảo được mệnh danh là trung tâm tài chính mới của khu vực châu Á, nơi các dòng tiền ra vào liên tục. Rõ ràng, sự thay đổi về nhu cầu dịch vụ cơ bản trong bán lẻ như Amazon, Alibaba, hay vận chuyển như Uber đã tác động dây chuyền lên các dịch vụ tài chính, cả cá nhân lẫn nhà nước.
Bản thân mô hình ngân hàng truyền thống hiện cũng phải cạnh tranh một cách tương tự đối với các fintech. TransferWire chiếm lấy vị thế của MoneyGram hay các robot đầu tư đe dọa quỹ đầu tư. Đối với ngân hàng trung ương, họ không những được lợi về mặt chi phí khi tiết giảm chi phí xử lý tiền mặt trong hệ thống, mà còn có khả năng kiểm soát dữ liệu, trong khi người dùng cuối cùng cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí giao dịch.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng trung ương nào cũng mặn mà với tiền ảo. Chính phủ Canada cuối tháng 5 công bố kết luận rằng công nghệ blockchain hiện có quá nhiều rào cản, sau khi theo đuổi dự án tiền ảo với nhiều ngân hàng lớn nhất nước.
Một thách thức khác được đặt ra là giữa các ngân hàng trung ương phải có một cơ chế tiền ảo chung. Sẽ chẳng ý nghĩa nhiều trên quy mô toàn cầu nếu chỉ có vài ngân hàng trung ương ứng dụng tiền ảo, nhưng ít nhất có thể thấy cũng đã có nhiều ngân hàng trung ương nghĩ đến nó. Kenneth Rogoff, Giáo sư Đại học Harvard, tin rằng những đồng tiền ảo cuối cùng cũng sẽ xuất hiện, nhưng có thể mất nhiều thập niên.
Ở Việt Nam, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của các sàn bitcoin ở Việt Nam và cho đến nay vẫn chưa có động thái nào cụ thể hơn. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã có bước tiến mới khi gần đây triển khai nhóm fintech để khảo sát và hỗ trợ các fintech đang hoạt động ở thị trường này.
Thiên Phong
Theo nhipcaudautu.vn