Thị trường vàng trong nước tiếp tục có một tuần trầm lắng. Cơn sốt bất chợt xuất hiện đầu tháng 7 rồi hạ nhiệt. Tâm lý thị trường chia làm hai ngả: Một số mong đợi giá vàng có cú bật mới; số khác cảnh báo đừng quên bài học đầu cơ theo tâm lý đám đông sẽ phải trả giá đắt.
Đến cuối năm, thị trường mua bán nợ xấu cần được hoạt động
- Cập nhật : 24/07/2016
Xử lý nợ xấu, mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường là một việc tất yếu trong kinh tế thương mại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này vẫn đang chịu nhiều rào cản.
Nhưng với quyết tâm của những người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhiều văn bản, chỉ đạo về vấn đề này đã được đề ra, tạo “con đường” rộng mở hơn cho thị trường mua bán nợ xấu được phát triển. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính – ngân hàng PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi (ảnh) xung quanh câu chuyện này.
Trước hết, bà nhận định như thế nào về quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian qua tại Việt Nam?
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính)
Với việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, thỏa thuận mua bán nợ xấu có thể sẽ nhiều hơn, nhưng với mức giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn. Điều này có thể khiến nhiều ngân hàng không muốn bán, người mua không muốn mua nên cần thiết phải tăng cơ sở pháp lý, cần có chế tài xử lý cụ thể.
Hơn nữa, các văn bản pháp luật cũng cần được quy định rõ hơn trong việc giải quyết vấn đề sở hữu, cách phân chia khối lượng nợ đó như thế nào để định giá cụ thể cho người mua bán nợ. Bởi chỉ khi nào xác định được cụ thể khối lượng và giá trị theo thị trường, người mua bán nợ mới dám đầu tư để thực hiện.
Xử lý nợ xấu luôn là nhu cầu bức thiết, bởi khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại không chỉ không thu hồi được nguồn vốn đã cho vay, mà còn phải tăng huy động để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ... Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều và mức độ giảm, nếu có, sẽ không thể lớn như mong đợi.
Cái được lớn là bằng cơ chế chính sách về hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng nói riêng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với việc hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý bằng nhiều biện pháp quyết liệt, nợ xấu tồn tại hàng chục năm nay được lộ diện, đưa xuống mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Việc Chính phủ cho phép thành lập Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), với chế tài đủ mạnh buộc các TCTD từng bước lộ diện nợ xấu mà trước đây ẩn dưới nhiều dạng, phải bán nợ xấu cho VAMC. Điều này giúp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại “sạch” hơn, “nút thắt” nợ xấu được giải quyết phần nào, nguồn vốn tín dụng tiếp tục đến được nền kinh tế nhiều hơn.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, nợ xấu gom về VAMC với tỷ lệ không nhỏ, nhưng xử lý rất chậm, khiến một lượng vốn (dưới dạng nợ xấu) không quay vòng được, chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại khó hạ lãi suất cho vay.
NHNN và Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, theo bà, những yêu cầu này trong bối cảnh kinh tế trong nước hiện nay có những thuận lợi gì?
Trong quý II-2016, NHNN đã ban hành nhiều văn bản với lộ trình rõ ràng để các ngân hàng từng bước đạt đến chuẩn mực quy định và tháo gỡ khó khăn cho vấn đề xử lý nợ xấu..
Ví dụ sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD phải đạt được theo lộ trình; Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC theo cơ chế thị trường (Thông tư 08), tăng tính chủ động và quyền hạn cho VAMC; Nghị định 69/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1-7-2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Nghị định 69) và nhiều văn bản chỉnh sửa liên quan đến dịch vụ không dùng tiền mặt, kiểm tra giám sát hoạt động ngân hàng… nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Vậy còn khó khăn, thưa bà?
Việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Bởi khi khung pháp lý đã khá đầy đủ, thì vấn đề tiếp theo là phải vạch ra được những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và hiện thực hóa những điều khoản mua bán nợ.
Khó khăn đầu tiên là trách nhiệm pháp lý của những pháp nhân/thể nhân định giá trong quan hệ tín dụng trước đây trong việc định giá tài sản bảo đảm tiền vay. Khi bán nợ cho VAMC theo giá trị sổ sách, thì yếu tố trách nhiệm pháp lý chưa đặt ra, nhưng khi triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường, thì yếu tố pháp lý của các chủ thể có liên quan trong thẩm định và quyết định tín dụng cần được quy định rõ, để tránh hình sự hóa vấn đề, hoặc hành chính hóa quan hệ này, dễ dẫn đến thất thoát vốn của ngân hàng khi chênh lệch giữa thẩm định cho vay trước đây với đấu giá theo giá trị thị trường hiện nay là rất lớn.
Thứ hai là do trước đây, xử lý nợ xấu không có “tiền tươi thóc thật” mà đa phần xử lý bằng cơ chế, nên vẫn trong vòng luẩn quẩn, nợ xấu từ chỗ này đưa ra chỗ kia.
Thứ ba là năng lực tài chính của các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư tư nhân trong nước hạn chế, nhiều khoản nợ xấu lớn, nếu không được tiếp cận vốn từ các TCTD thì không tham gia được thị trường nợ xấu. Nhưng nếu được vay từ TCTD này để mua nợ xấu của TCTD khác lại rất cần quá trình thẩm định khách hàng thật chuyên nghiệp và tinh vi cùng với quá trình giám sát chặt chẽ từ NHNN, để tránh tình trạng xử lý nợ xấu bằng thủ đoạn liên kết để đảo nợ
Do mua bán nợ xấu là ngành kinh doanh có điều kiện, tại Nghị định 69 đã quy định rõ các chủ thể tham gia mua bán nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính, VAMC của NHNN và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại… nhưng vẫn chưa cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ xấu. Xét trong chừng mực nhất định, đây được xem là hạn chế của thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam.
Hơn nữa, “hàng hóa” nợ xấu khi đưa vào thị trường rất cần một sự minh bạch. Việc dễ tiếp cận đầy đủ thông tin về từng khoản nợ xấu, với các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp, khách quan và uy tín… là điều kiện tiên quyết cho việc xử lý nợ xấu hiệu quả.
Để đẩy nhanh và làm hiệu quả quá trình xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, trong thời gian tới, theo bà, các cơ quan ban ngành liên quan cần có những biện pháp gì?
Muốn đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, một trong những vấn đề đặt ra là cần thành lập sàn hay thị trường mua bán nợ. Việc thành lập thị trường mua bán nợ xấu có một số thuận lợi như: Khung chính sách đã có, hàng hóa – nợ xấu rất đa dạng, các chủ thể tham gia thị trường đã được quy định cụ thể….
Tuy nhiên, để thị trường này hoạt động hiệu quả, trước hết, “hàng hóa – nợ xấu” phải “sạch”, nghĩa là phải minh bạch về thông tin nợ xấu, giấy tờ pháp lý phải đầy đủ, thuận tiện cho các nhà đầu tư, người mua người bán tiếp cận; có các tổ chức định giá tài sản chuyên nghiệp, độc lập có uy tín trên thị trường, trên cơ sở đó tạo niềm tin cho các chủ thể mua bán nợ xấu.
Theo tôi, khi khung pháp lý đã khá đầy đủ, việc phân loại, thẩm định, định giá các khoản nợ cần lắm một sự thẩm định khách quan, phản ánh đúng bản chất của tài sản kèm theo món nợ xấu tại thời điểm đấu giá, dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị có liên quan, với các thủ tục chuyển giao quyền và lợi ích cho các bên nhanh chóng, chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân quan tâm đến thị trường này.
Bên cạnh nợ xấu của các TCTD có tài sản bảo đảm, còn có nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước không có tài sản bảo đảm, Chính phủ cũng có nhiều biện pháp xử lý, như cho phép doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp… (Nghị định 60/2015/NĐ-CP). Nhưng biện pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả, do thiếu những định hướng rõ ràng từ phía doanh nghiệp có nợ xấu, chưa thực sự bảo đảm lợi ích giữa hai bên. Vì thế các TCTD được phép chuyển nợ xấu thành vốn góp tại một số doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước chi phối không mặn mà với giải pháp này.
Với những vấn đề nêu trên, bà nhận định như thế nào về khả năng thực hiện thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam?
Tôi nghĩ, các biện pháp rốt ráo của Chính phủ sẽ phải xử lý được đống nợ xấu, bởi không xử lý được sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng, lãi suất cho vay cũng không hạ được.
Do đó, từ nay đến cuối năm, cần thiết đưa thị trường mua bán nợ xấu hoạt động. Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan, ban, ngành có liên quan cần phối hợp có hiệu quả trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp quản lý, giám sát ngay từ khi thị trường vận hành, tạo điều kiện cho các tổ chức/cá nhân tham gia để thị trường hoạt động lành mạnh và có hiệu quả, giúp đạt được mục đích tôn chỉ là từng bước giải quyết được khối lượng nợ xấu của nền kinh tế.
Xin cảm ơn bà!
Theo Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến tháng 6-2016, VAMC đã mua được hơn 24.600 khoản nợ tại 41 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc hơn 247.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt được gần 212.000 tỷ đồng. Trong đó, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được trên 31.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số dư nợ gốc.
(Theo Báo Hải Quan)