Từ đầu năm đến nay, công cuộc tái cấu trúc ngân hàng đã ghi nhận nhiều biến chuyển đáng chú ý với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.
Sở hữu chéo chằng chịt gây lũng đoạn ngân hàng
- Cập nhật : 26/07/2016
Sở hữu chéo tại các ngân hàng vẫn đang diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp với sự chuyển nhượng vòng quanh và chi phối ngầm của các nhóm cổ đông lớn.
Không dễ từ bỏ lợi ích mang tên “sở hữu chéo”
Đại án kinh tế gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) chủ mưu đang được đưa ra xét xử sơ thẩm khiến dư luận bàng hoàng vì một cá nhân có thể dễ dàng lũng đoạn cả một ngân hàng, thông qua hàng loạt công ty sân sau. Những trường hợp tương tự cũng xảy ra trước đó với bầu Kiên, Hà Văn Thắm khiến ngân hàng ACB, Ocean Bank bị thiệt hại nặng nề.
“Tại nhiều ngân hàng, khi yếu kém lộ ra, chúng ta thường thấy một điểm chung: lợi ích nhóm, sở hữu chéo phát triển rất mạnh mẽ. Cụ thể, rất nhiều thành viên hội đồng quan trị có mối quan hệ với nhau và với các công ty sân sau. Đây cũng là lý do khiến quá trình tái cơ cấu chưa mang lại hiệu quả cao, chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, lẽ ra những câu chuyện buồn như trên sẽ không xảy ra, nếu HĐQT các ngân hàng thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Theo đó, cá nhân không sở hữu quá 5%, tổ chức không sở hữu quá 15%, cá nhân và người liên quan không sở hữu quá 20% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Thực tế, mức sở hữu trần này bị phá vỡ tại nhiều ngân hàng, dưới nhiều hình thức khác nhau: sở hữu cổ phiếu thông qua các công ty con, đứng tên cá nhân, tổ chức khác…
“Sở hữu chéo lũng đoạn ngân hàng đã diễn ra từ lâu, tồn tại như một ung nhọt đã mưng mủ. Thế nhưng, khi ung nhọt này bị vỡ thì người ta mới thấy mức độ trầm trọng của nó. Đáng nói, VNCB, ACB hay Ocean Bank không phải là những cái tên cuối cùng. Sự lình xình của Eximbank, Sacombank về nhân sự cấp cao là điển hình cho thấy, tình trạng sở hữu chéo của các nhóm lợi ích vẫn tồn tại ở nhiều ngân hàng. Nếu không xử lý khéo, hệ quả của sự thâu tóm này sẽ ngày càng bộc lộ”, cựu Tổng giám đốc một ngân hàng nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nhiều cổ đông lớn vẫn có tư tưởng coi ngân hàng là công cụ tài chính để rót vốn cho các dự án, công ty sân sau. Dù quy định về giới hạn sở hữu cổ phần, giới hạn về cấp tín dụng cho từng khách hàng… đã được quy định rõ, song nhiều cá nhân vẫn tìm mọi cách lách quy định, gây nguy hiểm cho ngân hàng.
Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội khẳng định, về lý thuyết, sở hữu chéo không xấu, giúp làm cho cơ cấu vốn sở hữu của ngân hàng đa dạng, tạo sự phát triển. Tuy nhiên, sở hữu chéo, nếu mang tính thâu tóm và chi phối thì sẽ rất nguy hiểm.
“Nếu cá nhân lách luật để nắm cổ phần chi phối tại ngân hàng sẽ dẫn tới lũng đoạn ngân hàng, khiến ngân hàng gặp rủi ro lớn. Ở nước ta thời gian qua, nhiều rủi ro của tổ chức tín dụng phần lớn đến từ nguyên nhân này. Tổng giám đốc các ngân hàng buộc phải tuân theo chỉ đạo của các ông chủ, nếu không sẽ bị sa thải”, ông Trung cho hay.
Chưa thể cắt đứt vòi bạch tuộc
Sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng nước ta không chỉ dừng lại ở cá nhân lũng đoạn ngân hàng, mà còn có việc một số tổ chức tín dụng liên kết với nhau thành “mạng nhện”. Liên minh này sẽ khiến mối quan hệ sở hữu chéo chằng chịt hơn, việc giám sát trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, liên minh này có thể gây ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ, gây xáo trộn thị trường và xa hơn là gây nguy hiểm cho cả hệ thống.
Hiện nay, để giảm sở hữu hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/2/2016. Theo đó, các tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng khác. Nhưng dù Thông tư 36 đã có hiệu lực nửa năm, nhiều ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thành thoái vốn sở hữu tại các ngân hàng khác, như Vietcombank, Eximbank…
Dù vậy, những quan hệ sở hữu chéo rõ không đáng lo bằng những mối quan hệ lắt léo giữa các cổ đông với nhau, lách quy định bằng nhiều cách. Chính sự biến tướng, lách luật này mà việc giám sát, xử lý sở hữu chéo rất khó, tình trạng rót vốn cho các công ty sân sau vẫn tiếp tục xảy ra, cản trở quá trình tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng yếu kém.
Để cắt đứt vòi bạch tuộc sở hữu chéo, theo nhiều ý kiến, bên cạnh nâng cao năng lực giám sát, Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh sở hữu chéo, mở rộng đối tượng liên quan và giảm tỷ lệ sở hữu tối đa với một tổ chức, cá nhân và những người liên quan.
Hà Tâm
(Theo Báo Đầu Tư)