Mong muốn của Chính phủ là tiếp tục khơi thông được các nguồn lực để đảm bảo dòng vốn luôn chảy thông suốt qua việc kết nối tốt giữa cung và cầu trên thị trường, qua đó giúp giải quyết được bài toán vốn cho nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn.
Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế
- Cập nhật : 23/07/2016
Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Trong đó, những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đã thể hiện được các thông điệp chính sách nhằm đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ pháp luật thuế, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi cho người nộp thuế một cách hợp pháp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu rộng.
Kinh tế - xã hội Việt Nam bước vào năm 2016 đứng trước bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững, với tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực ngày càng khác biệt; Kinh tế trong nước tiếp tục ổn định và đạt được một số kết quả khá: Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực; Tăng trưởng theo xu hướng tích cực; Các cân đối vĩ mô giữ ổn định; Giá xăng dầu giảm là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp (DN) và kích thích tiêu dùng. Các chính sách ban hành trong năm 2014 và năm 2015 đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cả nước tận dụng cơ hội thuận lợi trong và ngoài nước, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Quốc hội và Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến và những lợi thế tích cực trên, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng do năng lực cạnh tranh còn thấp, giá trị thương hiệu chưa cao. Tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước.
Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế thì cần thiết phải có những giải pháp về thuế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế là hết sức cần thiết. Và ngày 6/4/2016 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế (Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế) nhằm hướng tới những mục tiêu nêu trên.
Những nội dung mới sửa đổi, bổ sung giúp người nộp thuế được hưởng lợi
Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã sửa đổi một số nội dung quy định về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các đối tượng thuộc diện miễn thuế, giảm thuế nhằm chia sẻ khó khăn với DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng niềm tin với người nộp thuế (NNT), đồng thời khắc phục những bất hợp lý của Luật Quản lý thuế trước đây, để giảm bớt khó khăn cho hộ gia đình có thu nhập thấp... Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế tập trung vào các điểm mới sau:
Thứ nhất, Luật số 106/2016/QH13 đã sửa đổi nội dung về miễn, giảm thuế tại Điều 61 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 áp dụng với NNT sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó, Luật quy định các trường hợp cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ hơn việc thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể trong tổng số thu NSNN, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quản lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê năm 2014, cả nước có khoảng 12,6 triệu hộ gia đình có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp từ 50.000 đồng trở xuống với tổng số thuế trong toàn quốc là 159,6 tỷ đồng; trong đó cơ bản là những hộ còn nhiều khó khăn. Do vậy, để giảm tải gánh nặng cho người dân, Luật số 106/2016/QH13 quy định miễn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Quy định này cũng công bằng hơn khi Việt Nam gia nhập WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do đã cam kết thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu có giá trị thuế phải nộp 50.000 đồng/tờ khai hải quan; đồng thời giảm thủ tục hành chính kê khai, nộp thuế.
Thứ hai, nhằm chia sẻ khó khăn với những NNT có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, Khoản 4 Điều 92 Luật số 106/2016/QH13 quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp NNT đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của NNT gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Để bảo đảm công bằng với NNT chấp hành tốt pháp luật và không nợ thuế, Luật vẫn có quy định NNT phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.
Thứ ba, quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng (mức phạt chậm nộp đã giảm nhiều so với trước đây), quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với NNT. Theo đó, Luật số 106/2016/QH13 đã quy định: Nếu NNT chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải trả tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/07/2016 mà NNT chưa nộp vào NSNN, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ quy định này từ ngày 01/07/2016.
Theo quy định cũ, mức xử phạt 0,05%/ngày đối với số tiền thuế chậm nộp. Về bản chất, mức tỷ lệ 0,05%/ngày là khoản lãi chậm nộp tiền thuế tính trên số thuế còn nợ, tương ứng với 18,25%/năm; trong khi lãi suất ngân hàng giai đoạn 2011-2012 là 16-20%/năm, giai đoạn 2013-2014 là 11-12%/năm và năm 2015 là 9,5 - 10,5%/năm. Do đó, để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của NNT, Luật số 106/2016/QH13 đã điều chỉnh quy định tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế bằng 0,03%/ngày, tương ứng khoảng 10,95%/năm.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định trường hợp NNT cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà DN được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế bãi bỏ Khoản 3 Điều 42 quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài những điểm thay đổi nổi bật nêu trên Luật số 106/2016/QH13 bổ sung quy định đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, đối với NNT chấp hành tốt pháp luật thuế, hải quan, Luật thuế sửa đổi, bổ sung lần này cũng đã có quy định thuận lợi về hoàn thuế giá trị gia tăng như: Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với NNT sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; NNT không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế...
Như vậy, từ ngày 1/7/2016, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế có những điểm mới được điều chỉnh theo hướng chia sẻ khó khăn với DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế theo tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính khả thi của Luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật;
2. Chính phủ: Tờ trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung các Luật Thuế GTGT, TTĐB, Quản lý thuế;
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật TTĐB, Luật Quản lý thuế.
Tác giả:TS. CAO ANH TUẤN - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 7/2016
Theo tapchitaichinh.vn