Các chuyên gia cho rằng nếu Chính phủ nới tỷ lệ bán cổ phần ngân hàng lên trên 30% sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trước mắt việc nới room cần có lộ trình từng nấc một và cần phân theo nhóm lớp ngân hàng để áp dụng mức room phù hợp.
Đồng Rúp giảm giá ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Công ty chứng khoán VPBS đã công bố báo cáo cập nhật vĩ mô, phân tích tác động giảm giá đồng Rúp đối với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp.
Trong vòng 1 năm qua, đồng Rúp (RUB) của Nga đã sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu năm, đồng Rúp hồi phục đôi chút nhưng trong vòng 3 tháng tiếp theo lại sụt giảm mạnh mẽ. Tỷ giá hiện tại là 70,8 Rúp/USD, vượt qua đỉnh đạt được vào cuối tháng 1 năm nay. So với đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá 19,68% so với USD. Tính từ ngày 18/5/2015, đồng Rúp đã tụt giá 40,9%. Trong khi đó, so với đầu năm, các đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Yên đã giảm giá 7,2% và 0,4% tương ứng.
Tác động đến nền kinh tế
Nga chiếm 0,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,38% kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu năm 2015.
Ngày 29/5 năm nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC), một thị trường với 175 triệu dân và GDP đạt trên 2,5 nghìn tỷ USD. Trong thương mại song phương, Việt Nam có thặng dư với EAEC. Đa số các mặt hàng được giao dịch mang tính chất bổ sung cho nhau, không cạnh tranh. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm xăng dầu và sắt thép trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm sản phẩm nông nghiệp (thủy sản, cà phê) và các sản phẩm công nghiệp chế biến (dệt may, hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ).
Theo Hiệp định, Việt Nam và EAEC sẽ mở cửa thị trường, cắt giảm 90% dòng thuế, liên quan đến khoảng 90% kim ngạch thương mại song phương. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, v.v.
Tính đến ngày 21/8, VND đã giảm giá 5,17% so với USD kể từ đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm giá nội tệ của các đối tác thương mại khác trong EAEC.
VPBS e ngại rằng suy thoái tại Nga, hay bất kỳ quốc gia nào trong EAEC sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Việt Nam qua 3 con đường. Thứ nhất, sự suy giảm trong thu nhập của người dân sẽ làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng hóa Việt Nam. Thứ hai, sự mất giá với mức độ lớn hơn của các đồng tiền tại các nước này sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam suy giảm. Quan trọng hơn, sự mất giá của các loại tiền tệ sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa.
Kết quả là cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Việt Nam không tể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Nga có thể gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, việc chuyển tiền ròng về Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực.
Tác động đến các một số nhóm ngành
Khi đồng Rúp của Nga suy giảm, có một số ngành có thể bị tác động trong thương mại song phương. Song trên thực tế, VPBS cho rằng các tác động không đáng kể.
Ngành phân bón
Nga là nước cung cấp phân bón lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 14% tổng giá trị phân bón nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ sau Trung Quốc với tỷ trọng 45%. Nga là nước sản xuất kali lớn thứ hai trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ sản phẩm phân kali và hầu hết nhập từ Nga.
Do Việt Nam hiện không có nhà sản xuất kali nào trong nước, nên việc mất giá đồng Rúp sẽ tác động tích cực đến người tiêu dùng Việt Nam và không tạo ra bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa các công ty phân bón tại Việt Nam như CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM).
Ngành thép
Thép Nga được nhập khẩu vào Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Việt Nam cũng không phải là thị trường xuất khẩu mục tiêu cho ngành thép của Nga. Từ khi đồng Rúp giảm giá từ tháng 7/2014 cho đến nay, theo quan sát và thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, thì không có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt thép Nga vào thị trường Việt Nam.
Hầu hết thép Nga nhập khẩu vào Việt Nam thuộc những loại mà Việt Nam sản xuất ít hoặc hạn chế sản xuất, và không phải là mặt hàng thép xây dựng (sản phẩm chính của HPG) hoặc tôn mạ (sản phẩm chính của HSG). Chúng tôi tin rằng sự mất giá của đồng Rúp cùng với Hiệp định Liên minh Á Âu không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG): có doanh thu từ xuất khẩu rất nhỏ, do đó, không bị ảnh hưởng.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Chúng tôi được biết thị trường xuất khẩu chính của HSG là Đông Nam Á, mặc dù công ty không cung cấp số liệu chi tiết. Chúng tôi không có dữ liệu về sản lượng xuất khẩu của HSG sang thị trường Nga, nhưng chúng tôi tin rằng HSG không bị ảnh hưởng tiêu cực do tổng sản lượng xuất khẩu của công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Ngành thủy sản
Sự mất giá của đồng Rúp cũng không ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam do xuất khẩu sang Nga chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Bốn quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Nga là Trung Quốc, Chi-lê, Ấn Độ và Greenland.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nga đã sụt giảm đáng kể từ khi các mặt hàng thủy sản Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào năm 2013; từ đó Nga không còn nằm trong danh sách 8 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo VASEP, Nga chỉ chiếm 1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.